Công ty Mía đường Sơn La: Giúp nông dân vùng cao ấm no
01/04/2022 16:40 GMT+7
Chiềng Lương có thể nói là vùng mía của huyện Mai Sơn (Sơn La). Đi đâu cũng thấy mía. Mía mênh mông ở dưới thung lũng, mía bát ngát trên những sườn đồi. Mía chính là cây trồng mang lại cuộc sống ấm no cho người dân xã vùng cao này.
- Nông thôn Tây Bắc: Nỗ lực phát triển chăn nuôi bền vững
- Nông dân Sơn La nặng lòng với cây cà phê
- Nông thôn Tây Bắc: Anh nông dân Phù Hoa làm giàu nhờ nuôi trâu bò
Nông dân Tây Bắc chọn cây mía để làm giàu
Chúng tôi về xã Chiềng Lương đúng thời điểm người dân đang vào vụ thu hoạch mía. Khắp các thung lũng, sườn đồi nơi nào cũng rộn ràng, tấp nập, người chặt mía, người vác mía chất lên xe chở về Nhà máy. Trên những diện tích mía đã thu hoạch xong, máy cày đang tất bật làm đất để chuẩn bị trồng vụ mới.
Chiềng Lương vùng đất đai rộng lớn, khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với phát triển cây mía. Từ khi có nhà máy của Công ty Cổ phần Mía Đường Sơn La, cây mía có đầu ra ổn định. Mía trở thành cây trồng mũi nhọn của người dân nơi đây. Đã có không ít tỷ phú, triệu phú gây dựng cơ nghiệp từ cây mía.
Diện tích đất trồng cây ngô, sắn của nông dân xã Chiềng Lương, huyện Mai Sơn (Sơn La) đang dần phủ xanh bằng những cây mía. Ảnh: Văn Ngọc
Lão nông Lò Văn Pầng, bản Mật, xã Chiềng Lương, huyện Mai sơn (Sơn La) đã gần chục năm nay, ăn nên làm ra từ cây mía. Ông Pầng chia sẻ: năm 2014, gia đình ông được Công ty Cổ phần Mía đường Sơn La hỗ trợ về giống, phân bón, thuốc BVTV cùng với ngày công máy cấy để làm đất, gia đình ông đã quyết định chuyển đổi 3 ha đất trồng ngô không hiệu quả sang trồng mía.
“Gia đình tôi chọn giống mía R.579, giống mía này cây to, cao, chịu hạn tốt, phù hợp với đất đồi. So với trồng các loại giống cây trồng khác, trồng mía hiệu quả kinh tế cao hơn. Điều quan trọng là được Công ty Cổ phần Mía đường Sơn La ký hợp đồng bao tiêu, nên gia đình tôi cũng như các hộ dân trong bản chỉ lo việc chăm sóc mía sao cho tốt, đâu ra đã có nhà máy lo, trồng mía là yên tâm” ông Pầng nói.
Nhận thấy trồng mía cho năng xuất, lợi nhuận cao hơn so với phát triển các loại cây trồng khác trên nương. Năm 2017, với số vốn tích góp được, gia đình ông đã mở rộng diện tích trồng mía thêm 3h đất rồi, đâu từ làm đường đến tận các nương mía để tiện cho việc chăm sóc, thu hoạch.
“Năm nay thời tiết thuận lợi với cây mía nên năng xuất cao. Gia đình tôi thu về 500 tấn, còn khoảng 30 tấn nữa là xong vụ. Trừ tất cả các chi phí, gia đình tôi bỏ túi khoảng 350 triệu đồng”, ông Păng nói.
Nhờ cây mía, gia đình anh Lò Văn Pâng, bản Mật, xã Chiềng Lương, huyện Mai sơn (Sơn La) có thu nhập cao. Ảnh: Văn Ngọc
Cũng chọn cây mía để phát triển kinh tế, gia đình ông Lò Bun Hồng, Bản Mờn, xã Chiềng Lương, huyện Mai Sơn (Sơn La), với hơn 2 ha mía được trồng từ năm 2018, vụ mía năm nay, gia đình ông thu được hơn 170 tấn, với giá bán ổn định thu về gần 150 triệu đồng. Thu nhập từ trồng mía đã giúp gia đình ông có của ăn, của để, các con được học hành chu đáo.
“Trồng mía còn được thu nhập kép, cây bán cho được Công ty cổ phần Mía đường Sơn La (Công ty); ngọn và lá mía được gia đình tôi ủ chua làm thức ăn cho trâu, bò trong mùa đông”, ông Bun Hồng nói.
Liên kết trồng mía với Công ty Cổ phần Mía đường Sơn La, nhiều hộ nông dân ở xã Chiềng Lương có nguồn thu nhập ổn định. Ảnh: Văn Ngọc
Mía cây trồng chủ lực của xã vùng cao Chiềng Lương
Trao đổi với phóng viên, ông Cầm Văn Mười, Chủ Tịch UBND xã Chiềng Lương, huyện Mai Sơn (Sơn La) cho biết: Thời gian tới, xã tiếp tục định hướng người dân phát triển cây mía theo hướng ổn định diện tích, nâng cao năng suất, trở thành vùng nguyên liệu chất lượng.
“Trên địa bàn xã có trên 2.100 hộ thì có đến 1.800 hộ trồng mía. Từ khi địa phương định hướng phát triển cây mía là cây trồng chủ lực, đời sống người dân ngày càng khấm khá hơn”, ông Mười nói.
Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, cây mía của nông dân xã Cò Nòi phát triển tốt, đạt sản lượng cao. Ảnh: Văn Ngọc
Có lẽ, nỗi băn khoăn lớn nhất của người trồng mía ở Chiềng Lương là vấn đề nước tưới. Cũng theo ông Cầm Văn Mười, trên địa bàn xã có khoảng 1.300 ha mía, tuy nhiên, có chưa quá 5% trong tổng số diện tích trồng mía nói trên chủ động về nước tưới. Số còn lại lệ thuộc hoàn toàn vào nước trời. Điều này đã kìm hãm năng suất cây mía trên địa bàn. Cùng với đó điều kiện về giao thông cũng đang là trở ngại đối với địa phương này về phát triển cây mía.
“Những năm vừa qua, do nắng hạn gay gắt, nhiều ruộng mía bị hạn, đa số diện tích mía trên địa bàn bị thiếu nước nghiêm trọng nên năng suất chỉ đạt thấp. Để giải quyết vấn đề trên cho cây mía, xã đã có nhiều giải pháp, đặc biệt là xã đang thí điểm mô hình tưới nhỏ nhọt cho một số diện tích mía ở vùng thấp, nếu mô hình này đạt hiệu quả, đây sẽ là phương pháp hữu hiệu nhất để bà con nông dân giải quyết vấn để khô hạn”, ông Mười cho hay.
Đến nay, cây cà mía đã trở thành một trong những cây trồng chủ lực của nông dân xã Chiềng Lương, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Ảnh: Văn Ngọc
Có thể nói, cây mía đang là một trong những cây trồng chủ lực được người dân xã Chiềng Lương lựa chọn trong phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Nhờ liên kết trồng mía với Công ty, tỷ lệ hộ nghèo ở xã giảm theo từng năm. Điều này chính là động lực giúp người dân Chiềng Lương tích cực hăng say lao động, sản xuất, vươn lên trở thành những nông dân làm kinh tế giỏi ở địa phương.