Sở hữu 1 trong những cảng container hiệu quả nhất thế giới, một tỉnh ven biển Việt Nam đặt tham vọng lớn

Tỉnh này có vị trí chiến lược quan trọng, là cửa ngõ ra biển Đông của các tỉnh trong khu vực miền Đông Nam Bộ.

Bà Rịa - Vũng Tàu tham vọng trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia

Ngày 13/5, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến lần 2 đối với Đề án "Phát triển tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thành trung tâm kinh tế biển quốc gia". Trước đó, hồi tháng 4 vừa qua, UBND tỉnh đã hoàn thành lần 1 dự thảo của đề án này.

Bà Rịa - Vũng Tàu có vị trí chiến lược, giúp tỉnh phát triển mạnh mẽ các loại hình giao thông đường bộ, hàng không, đường thủy, đường sắt, và trở thành điểm trung chuyển quan trọng tới các địa phương trong nước và quốc tế.

Toàn cảnh thành phố Vũng Tàu(Ảnh: Đỗ Tuấn Hùng)

Bà Rịa - Vũng Tàu định hướng trở thành trung tâm kinh tế biển và thành phố trực thuộc TW vào năm 2030. Tầm nhìn đến năm 2050, cảng biển sẽ đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng từ 3,5 - 3,8%/năm. Hành khách tăng trưởng bình quân khoảng từ 0,9-1%/năm.

Bên cạnh đó, hình thành trung tâm logistics cấp quốc gia, quốc tế, khu thương mại tự do gắn với hệ thống cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ. Phát triển các khu công nghiệp công nghệ cao, đô thị dịch vụ mới, chuỗi sản phẩm về du lịch nghỉ dưỡng, du lịch biển, du lịch thể thao - giải trí chất lượng cao.

Bà Rịa - Vũng Tàu có nhiều cơ hội phát triển kinh tế biển

Trong Đề án "Phát triển tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thành trung tâm kinh tế biển quốc gia", kinh tế biển là một định hướng phát triển trọng tâm của tỉnh trong thời gian tới.

Tỉnh hiện có 5 ngành kinh tế biển cơ bản, bao gồm: Du lịch biển, Cảng biển và dịch vụ logistics cảng biển, Công nghiệp khai thác dầu khí, Công nghiệp và khu công nghiệp ven biển và Nuôi trồng và khai thác thủy sản.

Đối với du lịch biển, kết thúc năm 2023, ngành du lịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có tổng số khách tham quan, du lịch đạt khoảng 14.105.500 lượt khách, tăng 15% so cùng kỳ. Tổng thu từ du lịch đạt khoảng 14.678 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ, đạt 103% kế hoạch năm.

Theo bảng xếp hạng Most Loved Ranking (bảng xếp hạng các thương hiệu ngành du lịch dựa trên mức độ yêu thích và nhận biết của du khách Việt Nam do The Outbox công bố), Bà Rịa - Vũng Tàu được bình chọn là điểm đến trong nước được du khách Việt Nam yêu thích nhất trong quý 1 và quý 2/2024.

Thông tin từ Sở Du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu, 4 tháng đầu năm, tổng lượng khách lưu trú ước đạt 1.771.579 lượt khách, tăng 14,77 % so cùng kỳ. Riêng khách quốc tế lưu trú ước đạt 76.144 lượt, đạt 34,15 % kế hoạch năm, tăng 16,6% so cùng kỳ. Tổng thu từ khách du lịch trong 4 tháng đầu năm ước đạt 5.714,620 tỷ đồng, đạt 34,65 % kế hoạch năm, tăng 16,0 % so cùng kỳ.

Với ngành Cảng biển và dịch vụ logistics cảng biển , tỉnh có 53 cảng đang khai thác (tổng chiều dài bến cảng 19,4km; tổng công suất gần 180 triệu tấn/năm); 22 kho bãi và logistics chuyên dùng với tổng diện tích 256 ha.

Bà Rịa - Vũng Tàu có cảng Cái Mép - Thị Vải chiếm tới 70% tổng lượng hàng container của cả nước. Theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới (World Bank) và Hãng tin Tài chính S&P Global Market Intelligence về Chỉ số CPPI cho 348 cảng container toàn cầu, các bến cảng container khu vực Cái Mép hiện đứng thứ 32 trên thế giới về công suất và đứng thứ 12 về chỉ số hoạt động tốt nhất.

Trong ngành công nghiệp khai thác dầu khí , Bà Rịa - Vũng Tàu có vai trò quan trọng hàng đầu, được xem là cái nôi của ngành. Năm 2023, thu từ dầu khí của tỉnh ước đạt 36.400 tỷ đồng. Tại Hội nghị triển khai Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu diễn ra cuối tháng 3 vừa qua, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định, ngành công nghiệp dầu khí là ngành sẽ tạo ra và xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao ở tỉnh, vì Bà Rịa - Vũng Tàu có cơ hội và vị thế để tiếp tục lựa chọn cho mình con đường phát triển.

Về phát triển công nghiệp ven biển , trên địa bàn tỉnh hiện có 13 khu công nghiệp đang hoạt động và 2 khu công nghiệp chuẩn bị đầu tư. Các khu công nghiệp này đều nằm ở những khu vực gần biển, có lợi thế tiếp cận cảng biển thuận tiện nhằm thu hút đầu tư.

Đối với ngành nuôi trồng và khai thác thủy sản , năm 2023, tổng sản lượng thủy sản ước của tỉnh đạt 387.996 tấn, tăng 3,14% so cùng kỳ năm trước, trong đó, sản lượng nuôi trồng ước đạt 21.199 tấn, tăng 4,43%.

Những năm qua, Bà Rịa - Vũng Tàu hướng tới mục tiêu phát triển bền vững ngành thủy sản, đó là tăng cường áp dụng khoa học công nghệ vào nuôi trồng, khai thác, chuyển đổi cơ cấu ngành nghề, thả cá, tôm giống hàng năm... Hiện, trên địa bàn tỉnh có 23 cơ sở nuôi thủy sản thương phẩm và sản xuất giống thủy sản ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích khoảng 429 ha.

Trên địa bàn tỉnh có tổng số tàu cá 4.663 chiếc, trong đó phần lớn là tàu cá khai thác thủy sản xa bờ có chiều dài từ 15 m trở lên, chiếm 59,4%. Phần lớn các tàu cá được trang bị đồng bộ máy móc tiên tiến, hiện đại như máy tầm ngư, máy định vị, máy đo độ sâu, vô tuyến điện tầm xa.

Pha Lê

Pha Lê

Đời sống pháp luật

https://cafef.vn/so-huu-1-trong-nhung-cang-container-hieu-qua-nhat-the-gioi-mot-tinh-ven-bien-viet-nam-dat-tham-vong-lon-18824051419205758.chn