Sóng đầu tư công 2023 đang tạo đà cho cổ phiếu nào?

## Theo VnDirect, các doanh nghiệp xây dựng hạ tầng sẽ được hưởng lợi lớn từ xu hướng đẩy mạnh giải ngân đầu tư công trong giai đoạn 2023-25. C4G và LCG sẽ là những doanh nghiệp hưởng lợi hàng đầu.

Ảnh minh họa.

VnDirect vừa có báo cáo triển vọng ngành xây dựng năm 2023 với điểm nhấn giải ngân đầu tư công mạnh mẽ và giá trị backlog lớn sẽ giúp các công ty xây dựng hạ tầng bứt phá mạnh mẽ về doanh thu và lợi nhuận thuần trong giai đoạn 2023-2025.

BỐN YẾU TỐ ĐẨY MẠNH ĐẦU TƯ CÔNG

Kể từ đầu năm 2023, Chính phủ đã đẩy mạnh đầu tư công để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh đầu tư tư nhân và đầu tư trực tiếp nước ngoài suy yếu.

Theo Tổng cục Thống kê, vốn nhà nước thực hiện (đầu tư công) trong tháng 4/2023 tăng 16,4% so với cùng kỳ lên 39,3 nghìn tỷ đồng (so với +18,6% so với cùng kỳ ở tháng 3/2023). Trong 4T23, vốn nhà nước thực hiện tăng 17,9% so với cùng kỳ lên 131,2 nghìn tỷ đồng, cao hơn tốc độ tăng 10,8% so với cùng kỳ trong 4T22.

Tuy nhiên, vốn đầu tư công thực hiện 4T23 chỉ đạt khoảng 19% kế hoạch cả năm 2023 (so với 18,5% kế hoạch cả năm 2022 trong 4T22). Do đó, Chính phủ cần đẩy mạnh hơn nữa đầu tư công trong những tháng tới để hoàn thành mục tiêu giải ngân hơn 700.000 tỷ đồng vốn đầu tư công vào năm 2023.

Hiện có một số yếu tố hỗ trợ để đẩy nhanh hơn nữa các dự án đầu tư công trong năm nay, bao gồm: Thứ nhất, nợ công của Việt Nam đã giảm đáng kể trong những năm qua: Nhờ tăng trưởng GDP khá trong giai đoạn 2016-2022 và kiểm soát chi tiêu chặt chẽ, nợ công của Việt Nam đã giảm nhanh chóng từ 51% cuối năm 2016 xuống 40% vào cuối năm 2022 (ước tính của IMF), thấp hơn nhiều so với trần nợ công của Việt Nam là 60% GDP. Nợ công thấp tạo dư địa cho việc mở rộng chính sách tài khóa để hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Thứ hai, lợi suất trái phiếu chính phủ Việt Nam giảm mạnh kể từ đầu năm 2023. Tính đến ngày 10/5, trên thị trường sơ cấp, lợi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm và 15 năm giảm 167 và 170 điểm cơ bản so với đầu năm, xuống lần lượt là 3,0% và 3,1%. Trên thị trường thứ cấp, lợi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 5 năm và 10 năm của Việt Nam giảm lần lượt 242 và 189 điểm cơ bản so với đầu năm, xuống lần lượt 2,6% và 3,2%.

Thứ ba, lạm phát hạ nhiệt trong vài tháng vừa qua. Lạm phát của Việt Nam giảm xuống 2,8% so với cùng kỳ trong T4/23 từ mức 4,2% so với cùng kỳ trong Q1/23. Khi áp lực lạm phát giảm bớt, chính phủ có thể cân nhắc nới lỏng chính sách tài khóa để hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Thứ tư, khởi công các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm trước ngày 30/6. Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo ngành Giao thông Vận tải hoàn tất công tác chuẩn bị để khởi công 3 tuyến đường cao tốc Châu Đốc Cần Thơ-Sóc Trăng, Biên Hòa-Vũng Tàu, Khánh Hòa-Buôn Ma Thuật và 2 đường vành đai gồm vành đai 4 Hà Nội và vành đai 3 TP.HCM. Các dự án này cần khởi công trước 30/6 năm nay.

Do đó, VnDirect giữ nguyên dự phóng vốn nhà nước thực hiện tăng 25% so với thực tế thực hiện năm 2022.

DOANH NGHIỆP NÀO TIỀM NĂNG?

Hầu hết các công ty xây dựng hạ tầng lớn đều đặt kế hoạch tăng trưởng mạnh doanh thu năm 2023 nhờ giá trị backlog lớn sau khi được chỉ định thầu hàng loạt tại dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2 và Chính phủ thúc đẩy giải ngân đầu tư công trong năm nay sẽ giúp đẩy mạnh tiến độ xây dựng và ghi nhận doanh thu tại các dự án hạ tầng giao thông.

Theo VnDirect, năng lực tài chính sẽ quyết định đến khả năng sinh lời của các công ty hạ tầng xây dựng. Báo cáo tài chính của 8 công ty niêm yết mới được chỉ định thầu đầu năm 2023 tại cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2. Trong đó, 7/8 công ty ghi nhận khoản mục người mua trả tiền trước tăng so với đầu năm.

Xu hướng này đến chủ yếu nhờ nỗ lực đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, các chủ đầu tư đã chủ động giải ngân khoản vốn đối ứng thực hiện dự án cho các nhà thầu.

Kết quả là, áp lực vốn lưu động đối với các công ty xây dựng hạ tầng đã giảm đáng kể giúp tỷ lệ nợ vay ròng/vốn chủ sở hữu của nhóm các công ty này giảm tại cuối Q1/23.

Trung bình tỷ lệ nợ vay ròng/vốn chủ sở hữu của các công ty xây dựng hạ tầng là 1,1x tại cuối Q1/23, đặc biệt, LCG gần như không có nợ vay ròng. Do phải hợp nhất nhiều dự án BOT (thường có dư nợ vay và trả lãi vay hàng năm lớn, thực hiện trong suốt vòng đời dự án, có thể kéo dài lên tới 10-20 năm), tỷ lệ nợ vay ròng/vốn chủ sở hữu của HHV và C4G đang cao hơn so với trung bình ngành, đạt lần lượt 2,4x và 1,3x tại cuối Q1/23.

Mặc dù vậy, C4G vẫn đang có sức khỏe tài chính tốt nhờ dự án BOT duy nhất được hợp nhất của công ty là Nam Bến Thủy 2 vẫn đang có dòng tiền hàng năm dương. Nếu loại bỏ dư nợ vay tại dự án, tỷ lệ nợ vay ròng/vốn chủ sở hữu của C4G chỉ là 0,5x tại cuối Q1/23, thấp hơn đáng kể so với trung bình ngành. Lưu ý rằng C4G đã phát hành và huy động thành công 1.123 tỷ đồng từ cổ đông hiện hữu trong tháng 4/2023, từ đó giúp vốn chủ sở hữu của công ty tăng 44% so với cuối Q1/23.

Chỉ những doanh nghiệp xây dựng với năng lực thi công tốt, khả năng huy động máy móc thiết bị hợp lí và nguồn vốn dồi dào mới có hiệu quả sinh lời tốt tại dự án cao tốc Bắc-Nam do (1) yêu cầu thời gian thi công ngắn và (2) Chính phủ đã ấn định mức biên lợi nhuận cố định so với giá thầu tại các dự án.

Theo VnDirect, các doanh nghiệp xây dựng hạ tầng sẽ được hưởng lợi lớn từ xu hướng đẩy mạnh giải ngân đầu tư công trong giai đoạn 2023-25. C4G và LCG sẽ là những doanh nghiệp hưởng lợi hàng đầu.

Đúng là sóng đầu tư công có lợi cho các cổ đầu tư công.

Tuy nhiên các cổ đầu tư công được lợi 1 thì có một số cổ được lợi 2, ví dụ các dự án bất động sản nghỉ dưỡng du lịch vốn dĩ ở những nơi xa khu đông dân cư, nay cơ sở hạ tầng cao tốc dẫn đến các dự án này khiến các đất ở các dự án này tăng vọt mà chủ dự án không phải bỏ tiền ra. Rồi khách hàng đến mua bất động sản hay đến nghỉ dưỡng sẽ đông hơn giúp các dự án này tăng doanh thu lợi nhuận.

Vì vậy các cổ được lợi nhiều hơn cả đầu tư công là các cổ thuộc dạng bất động sản nghỉ dưỡng IDJ, EVG, BCG, API, CEO…

3 Likes

Mấy công ty xây dựng cho đầu tư công không thể bán các cơ sở hạ tầng, cao tốc mà họ xây dựng được. Trong khi các cổ như IDJ, EVG, BCG, API, CEO… thì được bán sản phẩm bất động sản của họ.

Vì vây đầu tư công được lợi thì mấy cổ này còn được lợi nhiều hơn.

3 Likes

Vndirect là cổ đông lớn của C4G, thậm chí có thể thâu tóm, nên họ khen C4G chưa chắc đã khách quan. Minh thấy FCN, HHV, LCG, PLC… còn ngon hơn C4G.

3 Likes

ngon hay ko ngon còn phụ thuộc vào lái nữa. cổ đểu mà lái ngon thì vẫn lên ầm ầm như thường

2 Likes
1 Likes