Mức độ cạnh tranh cao trong ngành dệt may
Ngành may mặc của Việt Nam có lịch sử phát triển lâu đời, có tác động đáng kể đến nền kinh tế và xã hội. Tuy nhiên, ngành này phải đối mặt với một số thách thức và mối đe dọa trên thị trường toàn cầu ảnh hưởng đến sức hấp dẫn và lợi nhuận của ngành. Công ty may mặc của Việt Nam đứng trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt, không chỉ với các quốc gia khác mà còn giữa những doanh nghiệp nội địa. Điều này hàm ý, khả năng sinh lời không có nhiều dư địa để mở rộng đối với các doanh nghiệp trong ngành ở thời điểm hiện tại.
Trong dài hạn, cơ hội tăng trưởng sẽ đến với các doanh nghiệp áp dụng công nghệ tiên tiến để cải thiện năng suất, hoặc định hướng sản phẩm có giá trị gia tăng cao như hàng thiết kế, tạo ra sự khác biệt nhằm cạnh tranh về chất lượng thay vì giá.
VDSC sử dụng mô hình phân tích Năm nhân tố (Five – Forces Model) đánh giá năng lực cạnh tranh hiện tại của ngành may mặc. Phân tích Năm nhân tố cho thấy ngành phải đối mặt với mối đe dọa cao từ những người mới tham gia, khả năng thương lượng cao của người mua, mối đe dọa cao về sản phẩm thay thế và sự cạnh tranh cao giữa các đối thủ hiện tại
Rào cản gia nhập ngành
-
Vốn đầu tư:
Chi phí đầu tư phần lớn dành cho thiết bị như máy may, máy cắt, máy giặt là,… trong khi nhà xưởng sản xuất có thể thuê ngoài tại các khu công nghiệp. So với một số ngành công nghiệp khác như cảng biển, hàng không, vận tải, công nghệ chế biến, chế tạo, dược phẩm, viễn thông, bất động sản,… thì chi phí đầu tư nhà máy sản xuất hàng may mặc ở Việt Nam không đòi hỏi quá nhiều về vốn. Ngành may mặc có tính thâm dụng lao động so với các ngành khác, nhưng yêu cầu về chuyên môn không phức tạp, thời gian đào tạo khoảng từ 3 – 6 tháng là có thể làm việc độc lập. => Rào cản gia nhập ngành không quá cao. -
Lợi ích kinh tế theo quy mô:
Ngành may mặc của Việt Nam có lợi thế quy mô nhờ chi phí lao động thấp, năng lực sản xuất được đơn hàng lớn và áp dụng công nghệ tiên tiến. So với các quốc gia khác trong khi vực như Campuchia, Lào, Bangladesh thì Việt Nam là quốc gia dẫn đầu về việc tận dụng công nghệ để thực hiện một số giai đoạn như sử dụng CAD thiết kế 3D, khâu, cắt vải, may tự động và quản lý hàng tồn kho bằng AI. => Việt Nam có thể sản xuất với chi phí trên mỗi đơn vị thấp hơn, giúp gia tăng năng lực có thể cạnh tranh về giá so với các quốc gia khác trong khu vực. -
Chính sách hỗ trợ:
Chính phủ Việt Nam đã thực hiện các hiệp định thương mại song phương (VD: EVFTA, Việt Nam – Hàn Quốc, Việt Nam – Nhật Bản,…) và đa phương (VD: các hiệp định thương mại của khu vực như CPTPP, RCEP) để hỗ trợ và thúc đẩy ngành may mặc. Các hiệp định giúp giảm thuế quan và tăng khả năng tiếp cận thị trường cho hàng may mặc của Việt Nam => Khiến chúng trở nên cạnh tranh hơn trên toàn cầu. -
Sự trung thành của khách hàng:
Các doanh nghiệp dệt may lớn tại Việt Nam đều xây dựng được tập khách hàng thân thiết. Nhờ đó mà họ sở hữu lợi thế cạnh tranh lớn hơn so với những doanh nghiệp mới tham gia, những người phải xây dựng danh tiếng và niềm tin của mình trên thị trường.
Năng lực đàm phán đối với khách hàng
-
Số lượng và mức độ tập trung của người mua hàng:
Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đang là công xưởng sản xuất hàng may mặc cho các hãng thời trang nước ngoài. Chủ yếu sản xuất theo đơn đặt hàng từ các thương hiệu lớn. Mỗi doanh nghiệp trong ngành thường sẽ chịu sự phụ thuộc vào nhóm khách hàng lớn, chiếm tổng tỷ trọng doanh thu trên 50% => Khả năng mặc cả sẽ thuộc về phía của đối tác. -
Khả năng khách hàng chuyển đổi sang nhà cung cấp khác:
Các tiêu chí để lựa chọn nhà cung cấp được sắp xếp theo yếu tố giá cả, chất lượng, thời gian giao hàng, linh hoạt trong kế hoạch sản xuất và tiêu chuẩn xã hội, môi trường, chính trị. Hầu hết các doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc theo phương thức CMT hoặc FOB đơn giản => Các đơn vị đặt hàng có thể dễ dàng chuyển đổi sang đơn vị sản xuất khác với chi phí thấp. -
Sự khác biệt trong sản phẩm:
Sản phẩm không có khác biệt vượt trội, chưa có nhiều hãng thời trang mang bản sắc riêng. Điểm khác biệt của sản phẩm gia công tại Việt Nam so với các quốc gia trong khu vực thuộc về nhóm sản phẩm cao cấp và có giá trị gia tăng cao như áo Vest do cần trình độ của thợ may. Tuy nhiên, xu hướng chuyển dần sang thời trang nhanh sẽ thu hẹp sự khác biệt về trình độ giữa Việt Nam so với các quốc gia khác.=> Bên mua có thể dễ dàng chuyển đặt hàng sang doanh nghiệp khác trong ngành hoặc doanh nghiệp ở nước khác.
Năng lực đàm phán đối với nhà cung cấp
-
Số lượng và mức độ tập trung của nhà cung cấp:
Hiện tại nhà cung cấp chủ yếu cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam là các công ty tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan với số lượng nhà cung cấp tương đối lớn. Lũy kế 9T2024, tổng giá trị nhập khẩu vải đạt 11 tỷ USD (+15% YoY), trong đó nguồn nguyên liệu phụ thuộc phần lớn vào Trung Quốc, chiếm tỷ trọng 71%. Về lao động, do đặc điểm lao động trong ngành chủ yếu là lao động phổ thông với kỹ năng không cao, mặt khác lực lượng lao động dồi dào => Khả năng mặc cả của doanh nghiệp tương đối cao. -
Sự sẵn có của các nguyên liệu thay thế:
Trên thị trường có nhiều sản phẩm thay thế làm nguyên liệu cho ngành may mặc. Ví dụ, sản phẩm thay thế là giữa các loại sợi khác nhau, quần áo cotton có thể được thay thế bằng quần áo làm từ sợi tổng hợp (như polyester). Nguyên liệu vải cũng rất đa dạng, có nguồn gốc từ các vật liệu thân thiện với môi trường như tre, cây gai dầu hoặc vật liệu tái chế (bông hữu cơ, Tencel, Polyester tái chế). -
Khả năng khách hàng chuyển đổi nhà cung cấp:
Nguồn cung nguyên liệu đa dạng giúp các doanh nghiệp dệt may thuận lợi trong việc lựa chọn nhà cung cấp nhưng khả năng chuyển đổi bị hạn chế vì mối quan hệ, niềm tin đã được xây dựng lâu dài. Ở Việt Nam chủ yếu sản xuất theo hình thức CMT, FOB nên nguyên liệu đa phần được chỉ định bởi khách hàng => Quyền lực chủ yếu thuộc về phía nhà cung cấp. -
Chất lượng nguyên liệu đầu vào:
Đối với các sản phẩm cơ bản và có giá trị gia tăng thấp, chẳng hạn như áo phông và quần jean, đầu vào không có nhiều điểm khác biệt. Tuy nhiên, đối với các sản phẩm cao cấp và có giá trị gia tăng cao**, chẳng hạn như vest và váy, đầu vào rất quan trọng** vì chúng yêu cầu loại vải, màu sắc, hoa văn và phụ kiện cụ thể và tùy chỉnh. => Quyền lực của nhà cung cấp sẽ cao hơn đối với những nhà cung cấp cung cấp đầu vào quan trọng và duy nhất cho người mua của họ.
Sản phẩm thay thế
-
Các sản phẩm thay thế sẵn có:
Ngành may mặc của Việt Nam phải đối mặt với sự sẵn có cao của các sản phẩm thay thế từ các quốc gia khác sản xuất có sản phẩm tương tự, với chi phí sản xuất giá thấp hơn (nhân công rẻ hơn, hưởng ưu đãi thuế quan), chất lượng cao hơn hoặc thời gian giao hàng nhanh hơn. Các quốc gia này bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Thổ Nhĩ Kỳ, Campuchia, Lào… Mỗi quốc gia có lợi thế cạnh tranh riêng so với Việt Nam, nhưng nhìn chung Việt Nam được đánh giá có tính hài hòa về chi phí, chất lượng, công nghệ mới và chính trị ổn định. -
Chi phí chuyển đổi sang các sản phẩm thay thế:
Các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất theo đơn đặt hàng từ các thương hiệu lớn, sự chuyển đổi phụ thuộc vào các yếu tố như hợp đồng, tiêu chuẩn chất lượng, thời gian giao hàng và các mối quan hệ. => Nguy cơ bị thay thế thấp hơn nhờ đã thiết lập được mối quan hệ lâu năm với những khách hàng.
Mức độ cạnh tranh trong thị trường nội địa
-
Số lượng doanh nghiệp trong ngành:
Theo niên giám thống kê 2023, tại Việt Nam có 9.600 doanh nghiệp may mặc, tốc độ tăng trưởng kép 6% trong giai đoạn 2018 – 2022, chiếm tỷ trọng khoảng 8% tổng số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến, chế tạo, xếp thứ 3 sau ngành sản xuất kim loại đúc sẵn và chế biến thực phẩm. Điều này cũng bắt nguồn bởi rào cản gia nhập thấp, rào cản rút lui cao và mức độ khác biệt hóa thấp. => Các doanh nghiệp phải cạnh tranh để giành thị phần và thu về lợi nhuận hạn chế. -
Tính đa dạng của đối thủ cạnh tranh:
Ngành dệt may Việt Nam có rất nhiều đối thủ cạnh tranh có cơ cấu sở hữu khác nhau (nhà nước, tư nhân, hợp tác xã, hộ kinh doanh), nguồn gốc (nội địa, nước ngoài), quy mô (nhỏ, vừa, lớn). Năm 2023, tổng giá trị xuất khẩu hàng dệt may đạt 33 tỷ USD (-11% YoY) nhưng đóng góp chính đến từ khối FDI với tỷ trọng là 61%. => Các doanh nghiệp trong nước không những phải cạnh tranh lẫn nhau mà còn phải đối đầu với khối FDI có lợi thế về vốn và đơn hàng. -
Mức độ khác biệt của sản phẩm:
Ngành may mặc của Việt Nam có mức độ khác biệt thấp giữa các sản phẩm hoặc dịch vụ của mình. Các doanh nghiệp chủ yếu lựa chọn làm sản phẩm cơ bản và có giá trị gia tăng thấp, dễ dàng có sẵn và được tiêu chuẩn hóa. Mức độ cạnh tranh trong ngành rất cao, các đối thủ cạnh tranh phải cạnh tranh chủ yếu về giá hơn là về chất lượng hoặc sự đa dạng.