Báo The National News của Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) vừa đăng bài viết đánh giá tác động từ quyết định của Thổ Nhĩ Kỹ nhằm đình chỉ quan hệ thương mại với Israel.
Người tị nạn Palestine nhận hàng viện trợ của UNRWA tại thành phố Rafah, Dải Gaza ngày 28/1/2024. Ảnh: AFP/TTXVN
Quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm đình chỉ mọi quan hệ thương mại với Israel liên quan đến xung đột Israel-Hamas đang gây trở ngại cho các nhà nhập khẩu Israel, những doanh nghiệp vốn ngày càng phụ thuộc vào thị trường Thổ Nhĩ Kỳ trong thời kỳ hậu COVID-19.
Trong tuyên bố đưa ra ngày 2/5, Bộ Thương mại Thổ Nhĩ Kỳ nêu rõ: "Các giao dịch xuất nhập khẩu hàng hóa liên quan đến Israel đã bị dừng. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thực hiện nghiêm túc và dứt khoát biện pháp mới này cho đến khi Chính phủ Israel cho phép dòng viện trợ nhân đạo đầy đủ và không bị gián đoạn tới Dải Gaza". Đáp lại động thái mới nhất của Ankara, Bộ trưởng Ngoại giao Israel, ông Israel Katz, đã chỉ đạo Bộ này tìm kiếm các giải pháp thay thế và tập trung vào hoạt động sản xuất trong nước.
Do vị trí địa lý gần gũi, chi phí sản xuất cạnh tranh và chất lượng sản phẩm tốt, Thổ Nhĩ Kỳ đã nổi lên như một nhà xuất khẩu được Israel ưa chuộng trong vài năm qua. Ngoài các sản phẩm và hàng hóa cơ bản như trứng, rau và hàng dệt may, Thổ Nhĩ Kỳ còn là nước xuất khẩu hàng đầu các sản phẩm có giá trị cao như điện tử, sắt, thép và nhựa sang thị trường Israel.
Theo dữ liệu của Trading Economics, sắt thép đứng đầu danh sách hàng hóa xuất khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ sang thị trường Israel trong năm 2022, với kim ngạch đạt 1,19 tỷ USD. Xếp vị trí thứ hai là ô tô với kim ngạch 562,98 triệu USD, tiếp theo là nhựa (516,24 triệu USD) và thiết bị điện tử (384,59 triệu USD).
Sau đại dịch COVID-19, các doanh nghiệp Israel bắt đầu tìm kiếm các lựa chọn thương mại thay thế ngoài Trung Quốc, khiến các cơ sở sản xuất của Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng hấp dẫn. Vào tháng 3/2023, Gaash Worldwide, một công ty cung ứng và dịch vụ hậu cần của Israel, cho biết lợi thế chính của thị trường Thổ Nhĩ Kỳ so với Trung Quốc là các sản phẩm được sản xuất tại các nhà máy ở Thổ Nhĩ Kỳ có chất lượng tốt hơn.
Trong bài phân tích đăng trên trang web của mình, Gaash Worldwide cho rằng các nhà máy ở Trung Quốc có thể sản xuất sản phẩm ở trình độ rất cao, nhưng các nhà máy ở Thổ Nhĩ Kỳ lại sản xuất ra những sản phẩm có chất lượng tốt hơn và có độ bền lâu hơn. Sự gần gũi về địa lý cũng giúp các thương nhân giảm chi phí và thời gian vận chuyển.
Sau khi Thổ Nhĩ Kỳ quyết định đình chỉ quan hệ thương mại song phương với Israel, các nhà xuất khẩu Thổ Nhĩ Kỳ và của nước ngoài khác có đơn hàng được xác nhận đang tìm kiếm lựa chọn thay thế để vận chuyển hàng hóa của họ đến Israel. Ông Anuj Gulati, Tổng giám đốc một công ty gia vị và đóng gói thực phẩm có trụ sở tại Amsterdam (Hà Lan), cho biết: "Chúng tôi đã xác nhận các đơn đặt hàng từ Thổ Nhĩ Kỳ cũng như Israel.
Hiện các lô hàng của chúng tôi đang được thực hiện thủ tục hải quan ở Thổ Nhĩ Kỳ và chúng tôi không rõ tình hình sẽ ra sao. Chúng tôi có thể sẽ phải tìm kiếm các tuyến đường thay thế qua Ai Cập hoặc Liban để cung cấp sản phẩm của mình cho Israel". Ông Gulati cho biết thêm việc đình chỉ quan hệ thương mại cũng sẽ tác động nghiêm trọng đến nguồn hàng hóa dành cho các vùng lãnh thổ của Palestine.
Theo số liệu của Viện Thống kê Thổ Nhĩ Kỳ, trao đổi thương mại song phương giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Israel đạt hơn 6,8 tỷ USD trong năm 2023, trong đó giá trị xuất khẩu hàng hóa của Thổ Nhĩ Kỳ chiếm hơn 75%. Trong khi mặt hàng xuất khẩu lớn nhất từ Thổ Nhĩ Kỳ sang Israel là sắt thép trong năm ngoái, mặt hàng nhập khẩu chính của Thổ Nhĩ Kỳ từ Israel là các sản phẩm dầu tinh chế.
Trong một tuyên bố đăng tải trên mạng xã hội X ngày 3/5, Hồi đồng Kinh doanh Thổ Nhĩ Kỳ-Israel có trụ sở tại Istanbul cho biết họ ủng hộ quyết định của Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ về việc ngừng xuất khẩu và nhập khẩu tất cả các sản phẩm với thị trường Israel. Được thành lập vào năm 1993 để thúc đẩy quan hệ thương mại giữa hai nước, Hội đồng Kinh doanh Thổ Nhĩ Kỳ-Israel quy tụ các công ty kinh doanh hàng hóa và dịch vụ từ công nghệ thanh toán kỹ thuật số đến bao bì kim loại.
Thổ Nhĩ Kỳ và Israel đã ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) vào năm 1997. Bất chấp những chỉ trích lẫn nhau kể từ khi cuộc xung đột Gaza nổ ra vào ngày 7/10/2023 và việc tạm dừng các chuyến bay giữa Istanbul và Tel Aviv, Thổ Nhĩ Kỳ và Israel vẫn duy trì quan hệ hợp tác kinh tế và thương mại song phương.
Động thái mới nhất của Ankara diễn ra ngay sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bày tỏ ý định tham gia vụ kiện của Nam Phi chống lại Israel tại Tòa án Công lý Quốc tế của Liên hợp quốc. Tháng trước, Thổ Nhĩ Kỳ thông báo nước này đang hạn chế một số mặt hàng xuất khẩu sang thị trường Israel, trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước ngày càng trở nên căng thẳng.
Hồi tháng 8/2022, Thổ Nhĩ Kỳ và Israel tuyên bố khôi phục quan hệ ngoại giao và bổ nhiệm đại sứ tại mỗi nước sau nhiều năm căng thẳng. Cả hai nước cũng nhất trí thúc đẩy quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực, nhất là kinh tế và thương mại. Tuy nhiên, cuộc xung đột Israel-Hamas nô ra vào ngày 7/10/2023 và các cuộc tấn công quy mô lớn của Israel nhằm vào Dải Gaza đã dẫn đến tình trạng đối nghịch hiện nay giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Israel.
Nguyễn Trường (P/V TTXVN Tại Cairo)
https://bnews.vn/tac-dong-tu-viec-tho-nhi-ky-dinh-chi-quan-he-thuong-mai-voi-israel/332215.html