Trong bối cảnh nền kinh tế và ngành thép có nhiều biến động, ba công ty thép được coi là lớn nhất trên sàn Chứng khoán Việt Nam: Tập đoàn Hòa Phát (HPG), Tập đoàn Hoa Sen (HSG), và Công ty Cổ phần Thép Nam Kim (NKG) đang bước vào trận chiến lớn. Cuộc chiến trên thương trường của ba ông lớn trên khá giống với cuộc chiến Ngụy, Thục, Ngô trong tiểu thuyết Tam Quốc Diễn Nghĩa của La Quán Trung. Cuộc đối đầu này không chỉ diễn ra trên chiến trường nội địa mà còn trên thị trường quốc tế, đối mặt với nhiều thách thức và cơ hội.
Ngụy Phát (HPG)
Hòa Phát, giống như nhà Ngụy mạnh mẽ và bền bỉ, tiếp tục là người khổng lồ dẫn đầu trong ngành thép. Doanh thu và lợi nhuận của Hòa Phát cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ trong quý 2/2024. Khi giá thép tăng trở lại, Hòa Phát hưởng lợi nhiều nhất nhờ vào sức mạnh nội tại và thị trường xây dựng nội địa đang phục hồi.
Với dự án Dung Quất 2, Hòa Phát (HPG) dự kiến sẽ nâng cao sản lượng HRC một cách mạnh mẽ, mở ra cơ hội lớn vào năm 2026. Giống như nhà Ngụy luôn tìm cách củng cố vị thế của mình, Hòa Phát đã chuẩn bị cho mình một nền tảng vững chắc để thống lĩnh thị trường thép trong nước, tận dụng sự phục hồi của nền kinh tế và nhu cầu trong ngành xây dựng.
Thục Sen (HSG)
Hoa Sen, giống như nhà Thục, tuy nhỏ hơn nhưng luôn biết cách tận dụng lợi thế của mình trong chiến trận. Với lợi thế xuất khẩu sang các thị trường lớn như EU và Mỹ, Hoa Sen như Lưu Bị tìm kiếm sự hợp tác từ các liên minh bên ngoài. Dù đối mặt với hạn ngạch và thuế suất tại EU, Hoa Sen vẫn có thể tăng trưởng nhờ giá bán HRC tăng tại các thị trường quốc tế.
Dự đoán lợi nhuận ròng của Hoa Sen trong năm 2024 - 2025 có thể tăng trưởng ngoạn mục, như cú vươn lên mạnh mẽ của nhà Thục sau những chiến dịch thành công.
Ngô Kim (NKG)
Ngô Kim, với đặc tính giống nhà Ngô kiên cường, tập trung vào thị trường Châu Âu một chiến lược khôn ngoan khi thị trường này dự kiến có nhu cầu thép tăng cao. Dưới áp lực từ các biện pháp bảo hộ của EU, Ngô Kim như Ngô trong Tam Quốc, phải tìm cách vượt qua những thách thức này để duy trì vị thế của mình. Dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, Ngô Kim vẫn thể hiện sự kiên cường, phục hồi mạnh mẽ về mức đỉnh lịch sử từng đạt được trong giai đoạn 2021 - 2022.
Ngô Kim có thể tận dụng cơ hội tăng trưởng từ sự phục hồi của thị trường xuất khẩu, nhưng cần cẩn trọng với những biến động chính sách, đặc biệt từ Ấn Độ, khi thị trường này áp thuế lên thép nhập khẩu.
Sau một quãng thời gian dài nằm chờ thời thì cả ba ông lớn trên đều đang đón những ngọn gió đông về chính sách cũng như tình hình kinh tế chung:
Nguỵ Phát với việc chống đỡ khối ngoại bán ròng cả năm trời là thể hiện sự bền bỉ và nguồn lực to lớn. Nhờ vào quyết định của Trung Quốc giảm sản lượng và tăng thuế xuất khẩu thép, HPG có cơ hội gia tăng thị phần và cải thiện biên lợi nhuận từ giá thép tăng.
Thục Sen cũng hưởng lợi từ nhu cầu thép gia tăng trên thị trường, đặc biệt khi Trung Quốc thắt chặt nguồn cung.Điều này sẽ giúp công ty duy trì đà hồi phục sau giai đoạn khó khăn.
Ngô Kim cũng đang dần phục hồi về vùng đỉnh lịch sử giai đoạn 2021-2022, với tiềm năng tăng trưởng xuất khẩu nhờ vào các đơn hàng lớn từ thị trường Châu Âu, dù đối mặt với các biện pháp bảo hộ.
Về cơ bản, giống như trong Tam Quốc Diễn Nghĩa, Ngụy Phát vẫn là đế chế lớn nhất trong ngành thép Việt Nam, thậm chí là cả khu vực. Tuy nhiên, không thể coi thường Thục Sen và Ngô Kim. Ngụy Phát có thể chiếm ưu thế về thị phần và kinh doanh, nhưng trên chiến trường chứng khoán, HSG và NKG hoàn toàn có thể mang lại lợi nhuận vượt trội cho nhà đầu tư.
Công trình đường sắt cao tốc Bắc Nam là công trình thế kỷ của Việt Nam, hứa hẹn sẽ là “Cơn gió Đông” mạnh nhất cho ngành thép từ trước đến nay. Những nhà đầu tư kiên trì nắm giữ cổ phiếu thép đến thời điểm đó sẽ thu được thành quả, lợi nhuận không nhỏ. Trong quá trình chờ đợi, nếu cảm thấy quá nhàm chán, có thể tham gia vào các con sóng nhỏ của thị trường, nhưng cần bảo toàn nguồn lực cho trận chiến lớn của ngành thép sắp tới.