Trong khoảng thời gian gần đây, sau khi Quốc Hội thông qua dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam và cả khởi động lại dự án điện hạt nhân đã khiến mọi người bàn tán xôn xao. Trọng tâm của 2 dự án này đó là việc phát triển nguồn năng lượng tại Việt Nam cũng như là xây dựng một tuyến đường sắt nối liền từ Bắc tới Nam, giúp làm mới lại ngành đường sắt vốn đã không được để tâm đến trong thời gian tương đối dài.
Giai đoạn này cũng chứng kiến việc đưa vào vận hành đường sắt Cát Linh – Hà Đông tại Hà Nội và tuyến Metro số 1 tại Tp.HCM. Có thể thấy, việc đưa vào vận hành 2 dự án dù thời gian thi công và thử nghiệm có phần kéo dài, nhưng những gì có thể nhận thấy đó là việc giảm tải từ các tuyến đường giao thông đường bộ, đặc biệt là khu vực nội đô và thành phố khi mật độ dân cư và phương tiện ngày một tăng lên, đòi hỏi phải có một phương thức giao thông khác tốt hơn. Không chỉ thế, việc xây dựng 2 dự án này phần nào giúp chúng ta có thêm kinh nghiệm từ việc xây dựng một thứ khác với quy mô và tầm cỡ cao hơn: đường sắt cao tốc Bắc – Nam. Đây được xem như phần “khởi động” làm nóng chân tay trước khi chạy đường dài, nhằm có được sự chuẩn bị tốt cho giai đoạn sắp tới.
Về việc xây dựng tuyến đường sắt cao tốc, thì đầu tiên và trước nhất đó là nguyên vật liệu để xây dựng, cũng như một lượng lớn nhân công lao động cho đại dự án này. Nếu nói về đường sắt mà đặc biệt hơn là đường sắt cao tốc thì chất lượng và tiêu chuẩn của loại thép này cần phải được làm bởi những doanh nghiệp có kinh nghiệm trong lĩnh vực chế biến và sản xuất thép. Những doanh nghiệp như thế đa phần đến từ các quốc gia với nền công nghiệp nặng phát triển hoặc đến từ những quốc gia vốn đã quen với việc sử dụng đường sắt trong giao thông như Đức, Trung Quốc, Nhật Bản. Tuy nhiên, từ 2 dự án trước đó, chúng ta đều đã nhìn thấy quá trình mà các doanh nghiệp này hoạt động, và giờ với dự án lớn thế này thì việc chỉ cho doanh nghiệp nước ngoài tham gia dự án sẽ có phần lệ thuộc, khi mà công nghệ đường sắt cao tốc do họ nắm, trong khi để phát triển dài hạn thì chính chúng ta cần phải làm chủ công nghệ này. Vì thế, hợp tác giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước sẽ là ưu tiên cao, khi mà kinh nghiệm từ những doanh nghiệp nước ngoài kết hợp với lượng lao động lớn tại Việt Nam sẽ tạo nên sự kết hợp tối ưu, giúp chúng ta học hỏi thêm công nghệ này nhằm xây dựng thêm nhiều dự án hơn trong tương lai và tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho lực lượng lao động trên cả nước, giúp giảm thiểu tỉ lệ thất nghiệp. 1 ví dụ cho luận điểm này đó là dự án cầu Mỹ Thuận 2, một công trình cầu dây văng 100% là vốn và công sức của doanh nghiệp Việt Nam, cho thấy khả năng học tập của chúng ta là không hề thấp và sẵn sàng để tự chủ về mặt xây dựng.
Kế đến đó là chi phí xây dựng, việc này đòi hỏi một lượng ngân sách khổng lồ của Nhà nước để thực hiện, khi dự án này cần phải tốn đến 10 năm trở lên để hoàn thành, đó là chưa kể đến những phát sinh bất ngờ trong quá trình xây dựng và cả việc thâm hụt ngân sách trong những năm tới, việc này đòi hỏi một sự kiểm soát ngân sách đến mức gắt gao, hoặc đơn giản hơn và vay vốn ODA hoặc đầu tư FDI từ nước ngoài. Với việc nợ công tại Việt Nam đang ở dước mức 50% GDP, 1 ngưỡng tương đối an toàn thì đây là việc có thể an tâm. 1 thông tin gần đây là việc tinh gọn lại bộ máy nhà nước cũng là một nước đi mang tính đột phá, khi mà giờ đây bộ máy Nhà nước được tinh gọn hơn trước, giúp giảm 1 lượng công nhân viên chức không đủ chất lượng hoặc dư thừa nhằm tiết kiệm ngân sách. Có thể nói, việc chỉ số lạm phát, chỉ số nợ công và cả tinh gọn bộ máy đang khiến ngân sách của Việt Nam trong những năm tới sẽ tăng lên, giúp tăng khả năng tự chủ của Nhà nước trong những dự án sắp tới ngày càng tăng cao.
Bên cạnh dự án đường sắt cao tốc đó là dự án điện hạt nhân. Năm 2017 khi được trình ra trước Quốc Hội thì yêu cầu đã bị từ chối bởi đại đa số đại biểu, trong bối cảnh khi nền kinh tế vẫn được cho là tăng trưởng 7% thì việc đầu tư sẽ gây ra những khó khăn. Tuy nhiên, trong năm 2023, khi mà hạn hán gia tăng và nhu cầu năng lượng ngày càng gia tăng, chính phủ đã phải suy nghĩ lại về dự án điện hạt nhân này, và đi đến quyết định tái khởi động dự án điện hạt nhân. Đây là một quyết định quan trọng khi mà các doanh nghiệp trong nước đang dần hồi phục sau một thời gian dài chống chọi với dịch COVID-19. Đây là cơ hội lớn cho Việt Nam khi mà tổng thống Trump trở lại nhà Trắng và tiến hành chính sách gia tăng các loại thuế với các nước trong đó đặc biệt là Trung Quốc, đó sẽ là sự chuyển dịch dây chuyền sản xuất của các doanh nghiệp nước ngoài sang Việt Nam nhằm hạn chế thuế quan cao khi Mỹ đánh vào hàng hóa Trung Quốc trong 4 năm tới. Như vậy việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân sẽ như có thêm một trái tim nữa giúp cung cấp năng lượng cho cơ thể mà ở đây là toàn bộ đất nước hình chữ S trong 5 đến 10 năm tới.
Cả 2 đều là những dự án lớn mang tầm cỡ quốc gia, vậy thì lợi ích mang lại từ chúng là gì? Theo tôi thì có rất nhiều điều cần bàn đến ở đây:
- Trước hết là tuyến đường sắt cao tốc Bắc-Nam, đây là dự án với mục đích kết nối các tỉnh thành từ Bắc chí Nam, giúp người dân có thêm phương tiện để di chuyển qua lại giữa các tỉnh thành với tốc độ cao, qua đó tạo ra nhu cầu đi lại mới trong bối cảnh việc lựa chọn hiện nay hầu như phổ biến nhất là đường hàng không và đường sắt kiểu cũ.
- Việc thúc đẩy người dân sử dụng loại phương tiện này chỉ là phụ, với tôi thì việc vận chuyển hàng hóa mới là yếu tố quan trọng nhất thúc đẩy dự án này được triển khai. Nguyên do là bởi khi so sánh 2 hình thức vận tải chính là đường bộ và đường hàng không, thì cả 2 đều có những ưu và nhược điểm cụ thể, chẳng hạn như chi phí cao của hàng không hay tốn thời gian của đường bộ. Việc thay thế 2 hình thức vận tải này bằng đường sắt cao tốc sẽ giúp hạn chế điểm yếu của 2 hình thức vận tải trên, thậm chí sẽ thay thế tuyến đường sắt truyền thống trong tương lai.
- Logicstic sẽ là ngành được hưởng lợi chính từ dự án này khi mà tốc độ cao sẽ giúp rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa đi rất nhiều, tuy nhiên cũng sẽ phải đòi hỏi ngành logicstic cần phải cải thiện và tối ưu về mặt thuật toán và kho bãi khi phải đối mặt với tốc độ lưu thông hàng hóa nhanh chóng một khi dự án đường sắt cao tốc được đưa vào hoạt động.
- Dự án điện hạt nhân được kỳ vọng sẽ là nguồn năng lượng thiết yếu cho các hoạt động sản xuất trong nước trong tương lai, khi nhu cầu về điện được dự báo là sẽ tăng 10% mỗi năm và sẽ tăng gấp đôi vào năm 2035 khi so sánh với hiện tại. Đó là điều tất yếu khi chúng ta cần phải có một nguồn năng lượng bên cạnh các nguồn năng lượng khác như nhiệt điện, điện than, hay năng lượng tái tạo như thủy điện, điện mặt trời và điện gió.
- Một khía cạnh khác cần nên chú tâm đó là sự trổi dậy của xe điện và các phương tiện di chuyển dùng điện. Khi mà biến đổi khí hậu đang buộc các quốc gia hướng đến một nền kinh tế sử dụng năng lượng sạch thì đây gần như là bắt buộc kể cả Việt Nam. Việc thay thế nhiên liệu hóa thạch bằng nhiên liệu sạch như điện sẽ giúp Việt Nam giảm thiểu tác động xấu đến môi trường cũng như thúc đẩy việc thay thế xe xăng bằng xe điện trong thời gian tới. Ngoài ra, việc này còn giúp thúc đẩy tín chỉ carbon của Việt Nam khi Việt Nam vẫn còn tiềm năng phát triển lĩnh vực này, khi việc bán tín chỉ carbon chỉ dừng ở mức tự nguyện và còn nhiều dư địa phát triển
- Sẽ có một số ý kiến cho rằng việc dùng điện hạt nhân vẫn là rất nguy hiểm khi mà thảm họa Chernobyl tại Nga và thảm họa Hiroshima tại Nhật Bản vẫn còn khiến người ta bàng hoàng và sợ hãi về nó bởi rủi ro và tính chất phóng xạ một khi xảy ra thảm họa. Tuy nhiên, những năm gần đây thì tiêu chuẩn về điện hạt nhân đã dần được nâng cao đòi hỏi các yêu cầu cao hơn trong việc đảm bảo an toàn khi sản xuất điện hạt nhân. Việt Nam hoàn toàn có thể tự tin khi mà việc này đảm bảo bởi sự hợp tác của các doanh nghiệp đứng đầu trong lĩnh vực hạt nhân, đồng thời là đội ngũ những người đã từng được học tập về điện hạt nhân trước đó.
Tổng quan từ những gì đã được trình bày, tôi cảm thấy rằng giai đoạn 10 năm sắp tới sẽ là sự chuyển mình của Việt Nam, là giai đoạn tạo đà để trong tương lai có thể khai thác kỷ nguyên vàng về dân số của Việt Nam. Đó sẽ là một bài toán vừa khó và lâu dài để có thể giải hết. Tuy nhiên, với những tiềm lực hiện có cũng như là tình hình địa chính trị phức tạp hiện nay, đó sẽ là cơ hội hiếm có để giúp Việt Nam vươn mình, vượt qua bẫy thu nhập trung bình và hướng tới quốc gia với thu nhập trung bình cao. Trên đây là những ý kiến và góc nhìn của tôi về câu chuyện đầu tư đường sắt cao tốc và điện hạt nhân, hy vọng sẽ nhận ý kiến đóng góp cũng như là góc nhìn khác từ mọi người, qua đó có cái nhìn toàn cảnh hơn về chủ đề này. Trân trọng cảm ơn vì đã dành thời gian để xem qua bài viết này, và tôi là Novares, thành viên Team Liquid Economic.