Tân Tổng giám đốc Nam Long Group: “Bất động sản Việt Nam đang ở giai đoạn chín hơn khi không còn phát triển ồ ạt như trước nữa”

Ông Lucas Ignatius Loh Jen Yuh – Tân Tổng giám đốc Tập đoàn Nam Long nhấn mạnh, những vấn đề còn tồn đọng trên thị trường bất động sản hiện nay chỉ mang tính ngắn hạn. Cơ hội vẫn còn khi thị trường đang chuyển sang giai đoạn “trưởng thành” hơn, có “độ chín” hơn khi không còn phát triển ồ ạt như trước.

Mới đây, khi chính thức gia nhập vào Tập đoàn Nam Long, ông Lucas Ignatius Loh Jen Yuh - người có hơn 30 năm kinh nghiệm làm việc tại các tổ chức và Tập đoàn châu Á đã có những chia sẻ liên quan đến cơ hội cũng như thách thức tại thị trường bất động sản Việt Nam.

Đặc biệt, đảm nhận vai trò tân Tổng Giám đốc của một doanh nghiệp bất động sản Việt Nam trong bối cảnh thị trường còn nhiều biến động về nguồn cung và thanh khoản, vị này đã có những góc nhìn mới về bức tranh bất động sản hiện tại.

Ông đánh giá thế nào về cơ hội của thị trường bất động sản Việt Nam ở thời điểm hiện tại?

Ông Lucas Ignatius Loh Jen Yuh: Tôi đánh giá nền kinh tế Việt Nam khá tiềm năng và lĩnh vực bất động sản tại đây đang ở giai đoạn đầu của tăng trưởng.

Chỉ dấu tích cực là tốc độ đô thị hóa tại các thành phố lớn. Tỷ lệ này đạt khoảng 38-40%, tương tự mức ghi nhận ở Trung Quốc vào những năm 2000.

Với tốc độ đô thị hóa hiện tại, nhu cầu về nhà ở, văn phòng, khu mua sắm và trung tâm thương mại tại Việt Nam rất lớn. Số lượng khu công nghiệp cũng như cơ sở hạ tầng quan trọng cho lĩnh vực kho vận vẫn chưa nhiều. Sự phát triển cơ sở hạ tầng sẽ kéo theo sự phát triển của các đô thị, mở ra khả năng thu hút lượng lớn dân cư. Do đó, các thành phố như Hà Nội và Tp.HCM còn rất nhiều dư địa để phát triển, đồng nghĩa với cơ hội dành cho lĩnh vực bất động sản.

Ông Lucas Ignatius Loh Jen Yuh, Tân Tổng giám đốc Tập đoàn Nam Long.

Ông gặp khó khăn gì khi đảm nhận vai trò tân Tổng giám đốc của một doanh nghiệp bất động sản Việt Nam giữa bối cảnh chung thị trường địa ốc còn nhiều biến động về dòng tiền, thanh khoản?

Ông Lucas Ignatius Loh Jen Yuh: Tôi đánh giá những vấn đề trên thị trường bất động sản hiện nay chỉ mang tính ngắn hạn. Cơ hội vẫn còn khi lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam chuyển sang giai đoạn “trưởng thành” hơn. Bất động sản không còn phát triển ồ ạt mà đã có “độ chín”. Điều này đòi hỏi rất cao sự chỉn chu trong nghiên cứu và phát triển sản phẩm từ các chủ đầu tư để đáp ứng đúng nhu cầu thật của thị trường, giúp cung – cầu cân đối. Diễn biến này giống như ở Singapore, Mỹ, Trung Quốc và các nước phát triển khác trước đây.

Khó khăn là có, nhưng tôi kỳ vọng sẽ dẫn dắt doanh nghiệp nắm bắt cơ hội tăng trưởng để vượt khó giữa thời kỳ thị trường nhiều biến động.

Ông nói: Bất động sản Việt Nam đang ở giai đoạn đầu tăng trưởng. Vậy thì, trong thời gian tới sự cạnh tranh của doanh nghiệp địa ốc có khốc liệt hơn không, thưa ông?

Ông Lucas Ignatius Loh Jen Yuh: Trong tương lai, quỹ đất và nguồn cung nhà ở tăng lên sẽ đánh dấu giai đoạn cạnh tranh mới giữa các nhà phát triển bất động sản. Các doanh nghiệp sẽ tìm cách để thu hút người mua nhà bằng cách đa dạng hóa sản phẩm, khi đó các khía cạnh như dịch vụ, trải nghiệm mua hàng và thương hiệu trở nên quan trọng. Thay vì cạnh tranh hoàn toàn về giá, các doanh nghiệp sẽ định hướng tạo ra khác biệt về mặt sản phẩm và dịch vụ.

Đồng thời, doanh nghiệp phải định hướng phát triển bền vững để tồn tại lâu dài. Tính bền vững này liên quan đến các khía cạnh về môi trường, xã hội và quản trị (ESG). Đối với ngành bất động sản, phát triển bền vững rất quan trọng.

Tính bền vững xuất hiện ngay từ bước đầu tiên, từ lập quy hoạch tổng thể, phát triển quỹ đất, thực hiện tái định cư, động thổ công trình cho đến thay đổi cảnh quan. Khi nhu cầu của nhà đầu tư thay đổi, phát triển bền vững không còn là vấn đề lựa chọn đối với doanh nghiệp mà trở thành một yêu cầu của thị trường và là một yếu tố không thể bỏ qua.

Theo ông Lucas, nhu cầu về nhà ở lớn đang là động lực cho sự tăng trưởng của thị trường bất động sản Việt Nam.

Như ông biết, thị trường bất động sản Việt Nam đang chứng kiến sự lệch pha cung – cầu trong thời gian dài. Trong đó, nhà ở vừa túi tiền có nhu cầu cao nhưng thiếu hụt nguồn cung mới. Ông có nghĩ điều này sẽ được cải thiện trong giai đoạn sắp tới khi mà Chính phủ chủ trương tập trung phát triển mạnh nhà giá mềm?

Ông Lucas Ignatius Loh Jen Yuh: Như tôi đã nói, thị trường bất động sản Việt Nam còn nhiều cơ hội. Đầu tiên Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng rất nhanh nên nhu cầu ở thật vẫn còn rất nhiều. Năm 2024 cũng mở ra những cơ hội như các phân khúc nhà ở vừa túi tiền, nhà ở xã hội. Đồng thời, lãi suất cho vay giảm, các luật mới được ban hành và nỗ lực của Chính phủ sẽ là động lực thúc đẩy thị trường.

Chúng tôi đánh giá, nhu cầu thị trường Việt Nam lớn, dân số trẻ, dân nhập cư nhiều. Nam Long phát triển dòng sản phẩm này trên 14 năm nhận thấy, nhà vừa túi tiền chính là nhu cầu của đại chúng. Nhu cầu vẫn đủ cho doanh nghiệp phát triển mảng kinh doanh này trong 10-20 năm tới.

Tôi nghĩ, việc định hướng phát triển nhà ở vừa túi tiền cũng là cách để doanh nghiệp bất động sản tạo khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững, lâu dài trên thị trường.

Vào đầu năm 2025, các bộ Luật liên quan đến bất động sản sẽ có hiệu lực. Ông đánh giá thế nào về tác động của các luật này đến bức tranh bất động sản Việt Nam trong giai đoạn tới?

Ông Lucas Ignatius Loh Jen Yuh: Theo tôi, môi trường pháp lý tốt hơn cho phép tạo ra những thay đổi tích cực cho thị trường trong dài hạn, góp phần cải thiện tính minh bạch và mở ra sân chơi bình đẳng hơn cho tất cả thành phần kinh doanh.

Dẫu vậy, quan trọng là các doanh nghiệp phải tối ưu hóa sức mạnh nội tại, lên kế hoạch quản trị tối ưu hiệu quả để thay đổi linh hoạt và phù hợp với môi trường mới. Điều đó đảm bảo sự tồn tại cũng như thịnh vượng của doanh nghiệp.

Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

Hạ Vy

Link gốc

https://markettimes.vn/tan-tong-giam-doc-nam-long-group-bat-dong-san-viet-nam-dang-o-giai-doan-chin-hon-khi-khong-con-phat-trien-o-at-nhu-truoc-nua-55579.html