Một số ý kiến quan ngại, trong trường hợp Việt Nam tăng nhập khẩu vàng, duy trì dài hạn việc đấu thầu vàng sẽ ảnh hưởng lớn tới ngoại hối và công tác điều hành tỷ giá.
Kể từ Tết Nguyên đán tới nay, giá vàng trong nước liên tục “phá đỉnh”, thậm chí có thời điểm giá vàng vượt mốc 90 triệu đồng/lượng, đây được coi là mức giá chưa từng có của loại mặt hàng đặc biệt này.
Nguyên nhân được giới chuyên gia xác định là do cầu vượt cung. Vì vậy, một số ý kiến đề xuất tăng nhập khẩu vàng, từ đó tăng các phiên đấu thầu nhằm “ghìm cương” giá vàng trong nước. Tuy nhiên, một số ý kiến khác quan ngại, việc tăng nhập khẩu vàng sẽ ảnh hưởng lớn tới ngoại hối và công tác điều hành tỷ giá.
Trong trường hợp Việt Nam tăng nhập khẩu vàng, duy trì dài hạn việc đấu thầu vàng sẽ ảnh hưởng lớn tới ngoại hối và công tác điều hành tỷ giá. (Ảnh: BTT)
Ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO của AFA Capital cho rằng: Nếu nhập khẩu vàng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ phải tính đến bài toán về tỷ giá. Bởi nếu áp dụng giải pháp tăng nhập khẩu để bình ổn giá vàng trong nước, NHNN cần đến USD để nhập vàng. Như vậy, dự trữ ngoại hối sẽ giảm và làm gia tăng sức ép tỷ giá. Điều này lý giải tại sao ngay khi có tin đấu thầu vàng, tỷ giá lập tức tăng nóng.
“Theo quan điểm của tôi, vẫn cần phải thận trọng với việc nhập khẩu, đấu thầu vàng, vì năm 2013, NHNN tổ chức đấu thầu khi giá vàng đang đi xuống, nhưng ở hiện tại giá vàng thế giới đang lên, và nhu cầu người dân cũng đang cao, trong khi đó, sức ép về tỷ giá cũng vẫn đang cao”, ông Tuấn nói.
Trong khi đó, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế đánh giá: Bên cạnh yếu tố cầu vượt cung, giá vàng trong nước tăng mạnh còn chịu một yếu tố khác, đó là giá vàng thế giới cũng đang tăng.
Từ đầu năm đến nay, giá vàng quốc tế đã tăng gần 20%, trong nước tăng 12-13% và chủ yếu do địa chính trị, rủi ro tăng lên, xung đột ở Trung Đông và một số khu vực khác.
“Vì vậy, thị trường vàng còn phụ thuộc vào câu chuyện quốc tế, các xu hướng xung đột trên thế giới. Sắp tới, nếu thị trường ngoại hối biến động mạnh thì NHNN cũng sẵn sàng can thiệp bằng cách dùng nhiều nguồn lực khác nhau trong đó có việc sử dụng dự trữ ngoại hối”, TS Cấn Văn Lực nhận xét.
Cũng theo ông Lực, trong ngắn hạn áp lực trong điều hành tỷ giá sẽ vẫn còn, song sẽ giảm dần từ cuối quý 2 năm nay.
Về lo ngại việc NHNN dùng dự trữ ngoại hối để nhập khẩu vàng, TS Cấn Văn Lực đánh giá không quá đáng lo ngại.
Bởi chắc chắn NHNN không thể và cũng không nên tự “bỏ tiền túi” ra để nhập khẩu vàng. Thay vào đó, có những phương án khác được tính đến, trong đó có việc huy động từ các nguồn lực xã hội, từ tư nhân, từ doanh nghiệp.
“NHNN đã có kinh nghiệm để xử lý vấn đề này như việc phát hành tín phiếu NHNN để tăng lãi suất liên ngân hàng qua đó giảm lãi suất USD/VND chẳng hạn, thời gian qua đã phát huy hiệu quả, qua đó giảm áp lực tỷ giá tương đối đáng kể”, ông Lực lập luận.