Bà Lê Thị Hương Trà – Chuyên gia Viện NCKH Ngân hàng (HVNH) dự báo tăng trưởng GDP quý II/2024 sẽ tiếp tục có những kết quả tích cực. Tuy nhiên, áp lực từ lạm phát tăng cao có thể ảnh hưởng đến xu hướng chính sách tiền tệ vốn đang duy trì trạng thái nới lỏng để hỗ trợ nền kinh tế.
Nhiều điểm sáng với kết quả tăng trưởng GDP quý I/2024 của Việt Nam. Ảnh minh họa: Cảng vụ Hải Phòng.
Vừa qua, Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã công bố Báo cáo kinh tế - xã hội quý I/2024. Theo đó, tổng sản phẩm trong nước (GDP) trong quý I/2024 tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng quý của các năm trong giai đoạn 2020-2023. Đây là tín hiệu cho thấy nền kinh tế Việt Nam đang có sự phục hồi mạnh mẽ.
Để có cái nhìn tổng quan về kết quả tăng trưởng kinh tế quý I/2024, cũng như những triển vọng/thách thức nền kinh tế đối mặt trong phần còn lại của năm, Nhadautu.vn đã có cuộc trao đổi với bà Lê Thị Hương Trà – Chuyên gia Viện NCKH Ngân hàng, Học viện Ngân hàng.
PV: Tăng trưởng kinh tế quý I/2024 của Việt Nam được đánh giá là có sự bứt phá mạnh mẽ so với năm trước. Bà nhận định như thế nào về điều này?
Bà Lê Thị Hương Trà: Nhìn chung, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong 3 tháng đầu năm đã đạt kết quả tương đối tích cực. GDP quý I/2024 của Việt Nam ước tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cũng là mức cao nhất trong 5 năm gần đây. Mức tăng trưởng thậm chí còn vượt mức mục tiêu trong kịch bản tăng trưởng trong Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 5/1/2024 (5,2 - 5,6%). Xét theo khu vực, công nghiệp và xây dựng đã đạt mức tăng cao nhất (6,28%), là kết quả tốt hơn so với dự kiến. Tuy nhiên, khu vực dịch vụ dù tăng nhưng chưa thực sự bứt phá và chưa đạt được kết quả như kịch bản đề ra. Mặc dù vậy, trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị và xã hội của thế giới còn nhiều biến động phức tạp, mức tăng trưởng GDP kể trên đã là một khởi đầu tích cực của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2024.
Bà Lê Thị Hương Trà, chuyên gia Viện NCKH Ngân hàng, Học viện Ngân hàng
PV: Theo bà, những động lực nào đã thúc đẩy sự tăng trưởng mạnh mẽ của kinh tế quý I/2024?
Bà Lê Thị Hương Trà: Theo tôi, kết quả tăng trưởng kinh tế khả quan trong những tháng đầu năm chủ yếu được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố, trong đó có thể kể đến một số yếu tố điển hình.
Trước hết là việc kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, giúp ổn định đầu tư, sản xuất kinh doanh, tiêu dùng và tạo dư địa để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tiếp theo là chú trọng thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; thu hút vốn FDI quý I/2024 đạt khá, trong đó vốn FDI thực hiện đạt mức kỷ lục.
Cùng với đó, cầu tiêu dùng duy trì khá, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý 1 tăng trên 8%, du lịch tăng trưởng mạnh, cao hơn 72% so với cùng kỳ năm trước, tạo động lực lan tỏa tới tăng trưởng của nhiều ngành dịch vụ thị trường khác. Ngoài ra, chính sách giảm thuế VAT của Chính phủ tiếp tục được duy trì, cùng các chính sách như giảm lãi suất, giảm thuế thu nhập cá nhân, tăng cho vay tiêu dùng; đồng thời giãn, khoanh nợ và tăng hỗ trợ an sinh xã hội,…
PV: Xuất nhập khẩu trong năm 2023 chưa thực sự khả quan do những biến động tiêu cực của kinh tế thế giới năm vừa qua, bà đánh giá tình hình xuất nhập khẩu đầu năm 2024 đã có chuyển biến tích cực hơn so với năm trước chưa?
Bà Lê Thị Hương Trà: Kim ngạch xuất nhập khẩu và xuất siêu sang nhiều thị trường trong năm 2023 có xu hướng giảm so với năm trước đó. Bước sang quý I/2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 178 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ 2023, cán cân thương mại ước xuất siêu 8,08 tỷ USD, là mức cao nhất trong quý I kể từ 2020. Cùng với đó, xuất siêu sang các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU có xu hướng tăng.
Như vậy, bước sang quý I/2024, tình hình xuất nhập khẩu nhìn chung tương đối khả quan khi các chỉ tiêu đều gia tăng so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, nền kinh tế mới chỉ đi qua 3 tháng đầu năm, do đó, chưa thể dự báo chính xác tình hình xuất nhập khẩu của Việt Nam trong cả năm 2024 liệu có tích cực hơn so với 2023 hay không, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn tồn tại rất nhiều biến động khó lường, có thể ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam.
PV: Bà có dự báo như thế nào về triển vọng kinh tế Việt Nam trong những tháng còn lại của năm 2024?
Bà Lê Thị Hương Trà: Nhìn chung, kịch bản tăng trưởng cho các quý tiếp theo cho thấy kinh tế sẽ vẫn đi theo xu hướng phục hồi, tuy nhiên quá trình phục hồi sẽ mất nhiều thời gian do động lực tăng trưởng đến từ doanh nghiệp và người dân vẫn còn khá yếu. Ngoài ra, những thay đổi sắp tới trong chính sách lãi suất tại Mỹ, EU và áp lực giảm phát tại Trung Quốc cũng sẽ ảnh hưởng đến quá trình phục hồi của Việt Nam.
Tăng trưởng GDP quý II sẽ tiếp tục khả quan, giúp GDP nửa đầu năm 2024 tăng 5,8 - 6,2% và cả năm 2024 có thể tăng 6-6,5% theo kịch bản cơ sở do Quốc hội và Chính phủ đề ra. Lạm phát trong những tháng tiếp theo có thể sẽ tiếp tục tăng do ảnh hưởng của xu hướng tăng của giá một số mặt hàng như xăng, điện và thịt heo, do đó áp lực lạm phát sẽ tăng cao và có thể ảnh hưởng đến xu hướng chính sách tiền tệ – vốn đang duy trì trạng thái nới lỏng để hỗ trợ nền kinh tế.
Để ứng phó với những khó khăn trước mắt của nền kinh tế, các cơ quan quản lý nhà nước cần có sự chuẩn bị tốt nhất để triển khai các chính sách, biện pháp linh hoạt nhằm duy trì ổn định thị trường, thúc đẩy phát triển kinh tế.
Xin trân trọng cảm ơn!
An Nhiên
https://nhadautu.vn/tang-truong-gdp-quy-ii-se-tiep-tuc-kha-quan-d85507.html