Tập đoàn Xây dựng 168: 'Kép phụ' xuất chúng ở những gói thầu ngàn tỷ

Quan hệ thân tình giữa ông Nguyễn Ngọc Hòa và lãnh đạo Tập đoàn Thuận An góp phần giải thích lý do Tập đoàn Xây dựng 168 dễ dàng lọt vào những gói thầu ngàn tỷ.

"Kép phụ" kiệt xuất

Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng 168 Việt Nam (viết tắt là Tập đoàn Xây dựng 168) đang là cái tên thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận. Âm thầm và lặng lẽ trong hoạt động kinh doanh, tầm vóc thật sự của Tập đoàn Xây dựng 168 đến giờ vẫn là dấu hỏi lớn.

Người ta chỉ biết, đã không ít lần nhìn thấy sự xuất hiện của Tập đoàn Xây dựng 168 bên cạnh những "ông trùm" xây dựng nổi đình nổi đám như Tập đoàn Thuận An, Tập đoàn Xây dựng miền Trung... trên cương vị là nhà thầu phụ, cùng liên danh góp sức làm nên những gói thầu vài ngàn tỷ đồng.

Tháng 8/2023, Tập đoàn Xây dựng 168 là thành viên trong Liên danh do Tập đoàn Thuận An làm thủ lĩnh (cùng Công ty Cổ phần Xây dựng hạ tầng Bắc Trung Nam).

Theo tìm hiểu, Tập đoàn Xây dựng 168 thành lập ngày 27/12/2012, tiền thân là Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và Xuất nhập khẩu 168 Việt Nam. Trước tháng 7/2015, doanh nghiệp xây dựng này chỉ có vốn điều lệ 6 tỷ đồng, do ông Phùng Tuấn Anh (SN 1984) làm người đại diện theo pháp luật.

Ông Tuấn Anh là 1 trong 5 cổ đông sáng lập, các thành viên còn lại bao gồm ông Đinh Tuấn Hưng (SN 1973), ông Ngô Vi Việt Cường (SN 1982), bà Lê Thu Hiền (SN 1990) và bà Hoàng Diệu Linh (SN 1992).

Sau đó, Tập đoàn Xây dựng 168 đã đổi chủ từ tháng 6/2016, thời điểm ông Nguyễn Ngọc Hòa (SN 1973, trú tại quận Đống Đa, Hà Nội) xuất hiện đảm trách vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) và nâng vốn điều lệ lên 150 tỷ đồng, gấp 25 lần thời điểm một năm về trước. Bấy giờ, 3 cổ đông sáng lập của doanh nghiệp đã lần lượt thoái sạch vốn khỏi doanh nghiệp, chỉ còn ông Đinh Tuấn Hưng và ông Phùng Tuấn Anh ở lại và được chia 5% cổ phần (tương đương 7,5 tỷ đồng mỗi người).

Mặt khác, trụ sở chính mới của Tập đoàn Xây dựng 168 được đặt ở đường Trần Quang Diệu, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa thay cho địa chỉ cũ nằm ở phía xa khu ngoại ô thành phố.

Hiện, ông Nguyễn Ngọc Hòa vẫn tiếp tục giữ trọng trách dẫn dắt Hội đồng quản trị. Giúp đỡ công việc điều hành cho ông Hòa, còn có Tổng giám đốc Huỳnh Tiến Phong (SN 1963), một doanh nhân sinh sống tại quận Tây Hồ (Hà Nội). Mặc dù về tay chủ mới tương đối lâu, nhưng mãi đến tháng 1/2023, Tập đoàn Xây dựng 168 mới chính thức khoác áo mới với danh xưng "tập đoàn".

Trong số hàng loạt gói thầu xây dựng "khổng lồ" tạo nên tên tuổi cho Tập đoàn Xây dựng 168 nói chung hay cá nhân ông Nguyễn Ngọc Hòa nói riêng, phải kể đến là Gói thầu số 12-XL: Thi công xây dựng đoạn Km24+900 - Km47+000 (bao gồm khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công do Ban Quản lý dự án 85 (PMU85) thuộc Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư, trực tiếp mời thầu.

Gói thầu trị giá gần 3.000 tỷ đồng này được chỉ định cho Liên danh có sự góp mặt của Tập đoàn Thuận An và Tập đoàn Xây dựng 168 (cùng Công ty Cổ phần Xây dựng Trung Nam 18 E&C, Công ty Cổ phần Xây dựng dịch vụ và Thương mại 68, Công ty Cổ phần Hải Đăng) làm nhà thầu thực hiện, gây xôn xao dư luận thời điểm cuối năm 2022.

Đến tháng 8/2023, Tập đoàn Xây dựng 168 tiếp tục là thành viên trong Liên danh do Tập đoàn Thuận An làm thủ lĩnh (cùng Công ty Cổ phần Xây dựng hạ tầng Bắc Trung Nam). Họ đã được Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Khánh Hòa chỉ định làm Gói thầu xây lắp số 2: Thi công xây dựng 10km của dự án thành phần 1 thuộc dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1, trị giá hơn 2.000 tỷ đồng, thời gian thực hiện hợp đồng 3 năm.

Trước đó, tháng 6/2022, bộ ba Tập đoàn Thuận An - Tập đoàn Xây dựng 168 và Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính với lợi thế là nhà thầu duy nhất tham gia nộp hồ sơ dự thầu Gói thầu số 07: Thi công xây dựng công trình của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Bắc Giang và được duyệt trúng thầu với giá 1.132 tỷ đồng, thấp hơn 1,2 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ giảm giá chưa nổi 0,8%.

Theo thống kê từ Hệ thống mạng đầu thầu quốc gia, Tập đoàn Xây dựng 168 đến nay đã thắng được tối thiểu 21 gói thầu xây dựng với giá trị "khủng", lên tới 16.000 tỷ đồng. Dĩ nhiên, đa số trong đó là gói thầu liên danh nên phần khối lượng công việc của nhà thầu sẽ không quá lớn, nhưng cũng là con số đủ gây choáng ngợp cho các nhà thầu cùng thời khác.

Người đi giữa hai đại án

Ít khi bỏ lỡ cơ hội làm ăn béo bở với Tập đoàn Thuận An hay một số nhà thầu danh tiếng khác, công chúng không khỏi ngưỡng mộ tài năng nhạy bén trong kinh doanh của ông Nguyễn Ngọc Hòa, vị thuyền trưởng đã và đang chèo lái Tập đoàn Xây dựng 168 suốt gần 10 năm qua.

Tuy nhiên, không nhiều người biết rằng, doanh nhân tuổi Quý Sửu còn là một trong những cánh tay đắc lực, hỗ trợ công việc cho Chủ tịch Thuận An - Nguyễn Duy Hưng trên chặng đường phát triển sự nghiệp.

Tháng 4/2015, ông Nguyễn Duy Hưng bắt tay cùng ông Trần Quang Tuấn (SN 1965) và bà Dương Thị Bích Liên (SN 1973), thành lập Công ty Cổ phần Đầu tư xuất nhập khẩu Thuận An với số vốn điều lệ 10 tỷ đồng, trong đó ông Hưng nắm 70%, ông Tuấn 25% và bà Liên 5%.

Ông Nguyễn Sỹ Đức (SN 1983) được giới chủ giao làm Giám đốc, người đại diện pháp luật cho thành viên mới lập, phụ trách mảng vận tải, xuất nhập khẩu của Tập đoàn Thuận An này. Vậy nhưng tới tháng 5/2022, nhận chỉ đạo từ lãnh đạo tập đoàn, ông Nguyễn Ngọc Hòa đã được tin tưởng, tín nhiệm cho cương vị Chủ tịch HĐQT doanh nghiệp, trở thành đại diện pháp luật thay thế cho ông Nguyễn Sỹ Đức.

Đồng thời, ông Hòa có quyết định đầu tiên trên vai trò mới, đó là đổi tên Công ty Cổ phần Đầu tư xuất nhập khẩu Thuận An sang Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Thuận An và duy trì đến thời điểm hiện tại. Nhìn chung, quan hệ thân tình giữa ông Hòa và lãnh đạo Tập đoàn Thuận An đã góp phần giải thích lý do Tập đoàn Xây dựng 168 có thể lọt vào những gói thầu vài ngàn tỷ đồng một cách dễ dàng.

Chưa dừng lại ở đó, ông Nguyễn Ngọc Hòa còn là một "mắt xích" quan trọng liên quan đến hoạt động sau cổ phần hóa của Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 - Cienco1. Ông Hòa chính là người được bầu làm Chủ tịch HĐQT Cienco1 tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2015 - phiên họp mang tính "bước ngoặt" của Tổng công ty ngay khi kết thúc đợt IPO rất được mong chờ.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Cienco1 phát biểu trong cuộc họp diễn ra ngày 25/1/2019

Ông Hòa đã gánh vác trọng trách thay người tiền nhiệm Phạm Dũng. Thời đại của ông Nguyễn Ngọc Hòa kéo dài nhiều năm trước bị miễn nhiệm. Đến ngày 17/5/2021, Cienco1 có quyết định tạm bãi nhiệm chức vụ Thành viên HĐQT nhiệm kỳ từ 2019 - 2024 đối với ông Nguyễn Ngọc Hòa. Cùng với đó, HĐQT đã quyết định bổ nhiệm tạm thời ông Trần Văn Trải giữ chức vụ thành viên HĐQT thay thế ông Nguyễn Ngọc Hòa từ ngày 14/5/2021.

Nên biết, Cienco1 là doanh nghiệp nhà nước bị Đinh Ngọc Hệ (tức Út trọc) thâu tóm tới 90% cổ phần thông qua 4 công ty thành viên, là một trong những vụ án chấn động cả nước giai đoạn 2021. Ông Phạm Dũng, Cấn Hồng Lai và một số các lãnh đạo khác của Cienco 1 đều bị khởi tố, bắt giam vì những sai phạm liên quan.

Đáng lưu tâm, thời gian qua dư luận đồn đoán rằng Tập đoàn Xây dựng 168 có dấu hiệu đăng ký vốn điều lệ "ảo", "phông bạt" để tham gia đấu thầu. Theo thông tin đang lưu trữ tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ ngày 24/6/2016, Tập đoàn Xây dựng 168 đăng ký thay đổi vốn điều lệ từ 30 tỷ đồng lên 150 tỷ đồng; ngày 3/10/2023, tăng tiếp lên 300 tỷ đồng.

Tuy nhiên, thời điểm cuối 2021, cơ quan thuế ghi nhận vốn điều lệ của Tập đoàn Xây dựng 168 ở mức 75,233 tỷ đồng và tăng lên 110,140 tỷ đồng vào cuối năm 2022. Như vậy mất tận 6 năm, cổ đông Tập đoàn Xây dựng 168 vẫn chưa góp đủ số vốn điều lệ như đã cam kết, trong khi theo quy định pháp luật, thời hạn tối đa chỉ 90 ngày theo khoản 1 Điều 113 Luật Doanh nghiệp 2020.

Vi phạm này, nếu có cũng chỉ dừng ở mức xử phạt hành chính, nhưng lại là chủ đề bán ra tán vào của giới kinh doanh bởi nó gây nhiều lo ngại về tính tuân thủ pháp luật và rủi ro minh bạch đối với những gói thầu có sự tham gia của Tập đoàn Xây dựng 168.

Về hoạt động kinh doanh của Tập đoàn Xây dựng 168, theo tài liệu của Báo Công Thương, các năm 2017 - 2022, doanh thu nhà thầu đạt lần lượt 163,4 tỷ đồng, 283,8 tỷ đồng, 191,4 tỷ đồng, 104,6 tỷ đồng, 201,2 tỷ đồng và 250 tỷ đồng.

6 năm, tổng doanh thu Tập đoàn Xây dựng 168 đạt gần 1.200 tỷ đồng

Doanh thu biến động tương đối ổn định trên 200 tỷ đồng, đổi lại lợi nhuận công bố khá khập khiễng ở mức trên dưới 1 tỷ đồng/năm, cá biệt năm 2018 Tập đoàn Xây dựng 168 đạt kỷ lục về doanh thu thì lại báo lỗ 256 triệu đồng; thậm chí mức lỗ năm 2020 còn lên tới 4 tỷ đồng.

Cuối năm 2022, tổng tài sản nhà thầu đạt 456 tỷ đồng, tăng gấp rưỡi so với năm 2021. Trong đó, lượng tiền mặt "nhàn rỗi" lên tới 56 tỷ đồng, chiếm 13% tài sản; 107 tỷ đồng phải thu ngắn hạn của khách hàng và 108 tỷ đồng trả trước cho người bán ngắn hạn... Có thể thấy, việc tích trữ lượng lớn tiền mặt của Tập đoàn Xây dựng 168 là chi tiết khá kỳ lạ, bởi ngành xây dựng bản chất thâm dụng vốn, nhà thầu cần phải tận dụng tối đa nguồn lực sẵn có để phục vụ cho các dự án, chi trả nợ nần.

Trong khi đó, cùng khung thời gian, vốn chủ sở hữu của Tập đoàn Xây dựng 168 là 110 tỷ đồng và 339 tỷ đồng nợ phải trả. Chiếm 158,7 tỷ đồng tổng nợ là khoản mục người mua trả tiền trước ngắn hạn, đồng thời dư nợ vay gần 90 tỷ đồng, với 56,8 tỷ đồng là nợ vay ngắn hạn. Như vậy, đang đi vay số tiền ngang ngửa vốn điều lệ, nhưng nhà thầu lại giữ 56 tỷ đồng "trong két" là thông tin tiếp tục cho thấy sự khác biệt trong sử dụng nguồn lực tài chính ở Tập đoàn Xây dựng 168 so với mặt bằng chung.

Hoa Đông

Link gốc

https://congthuong.vn/tap-doan-xay-dung-168-kep-phu-xuat-chung-o-nhung-goi-thau-ngan-ty-319917.html