Ngành vận tải biển, đã và đang phát triển nhờ vào nhu cầu vận chuyển hàng hóa tăng mạnh, kéo theo sự gia tăng giá cước container và cước tàu. Đây chính là động lực để doanh nghiệp như HAH mở rộng đầu tư và nâng cao năng lực đội tàu, hiện đạt tổng sức chở khoảng 23.000 TEU. Tuy nhiên, để hiểu rõ hơn về cơ hội và thách thức của ngành, cần đi sâu vào hai yếu tố chính ảnh hưởng đến bức tranh thị trường: Thuế quan (Thương chiến) và Tên lửa (Chiến trường)
Thương chiến
“Round 2” của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung được dự báo sẽ diễn ra khi ông Trump trở lại vị trí Tổng thống vào đầu năm 2025. Trong ngắn hạn, các doanh nghiệp có xu hướng tích trữ hàng hóa để giảm thiểu rủi ro chính sách, thúc đẩy nhu cầu vận chuyển đường biển. Tuy nhiên, xét dài hạn, nhiều quan điểm cho rằng tác động thuế quan về lâu dài không nhất thiết làm giảm lượng tiêu thụ hàng hóa bởi:
- Sự thích ứng của thị trường: Khi thuế quan tăng, nhà sản xuất có thể “thoả hiệp” bằng cách giảm biên lợi nhuận để duy trì giá cạnh tranh, qua đó giữ nhu cầu tiêu thụ và vận chuyển hàng hóa ổn định.
- Thay thế nguồn cung: Nếu hàng hóa từ Trung Quốc vào Mỹ giảm, các nước khác như châu Âu hay ASEAN sẽ lấp đầy khoảng trống này khi Mỹ là thị trường quá ngon để các nước xuất khẩu có thể bỏ qua.
- Giới hạn sản xuất nội địa Mỹ: Chi phí nhân công cao khiến Mỹ khó chuyển dịch hoàn toàn sang sản xuất nội địa đối với các mặt hàng tiêu dùng phổ thông và có giá trị gia tăng thấp, do đó việc duy trì nhu cầu nhập khẩu từ các quốc gia khác để đáp ứng nguồn cung là cần thiết.
Kết quả là Mỹ - một trong những thị trường nhập khẩu lớn nhất thế giới - vẫn sẽ đóng góp thúc đẩy nhu cầu vận tải đường biển về dài hạn, khi nền kinh tế nước này vẫn đang khoẻ và nhu cầu tiêu thụ vẫn cực kỳ lớn.
Chiến trường
Căng thẳng tại Trung Đông đã làm phức tạp tuyến đường vận chuyển qua khu vực biển Đỏ và kênh đào Suez. Tàu thuyền buộc phải đi vòng qua Mũi Hảo Vọng khu vực châu Phi, kéo dài thời gian hành trình của tàu. Trong bối cảnh nhu cầu hàng hóa tăng trước khi thương chiến diễn ra, tình trạng này đòi hỏi phải có thêm tàu, tạo áp lực lớn lên thị trường vận tải biển.
Có thể nói, thị trường vận tải biển vẫn sẽ căng như dây đàn ít nhất trong 1 năm tới do:
- Nhu cầu tăng vì tích trữ hàng hoá trước thương chiến, và hàng hoá phải thay đổi lộ trình để né thuế sau thương chiến.
- Tình hình đang căng sẵn của thị trường vận tải biển do địa chính trị.
2 yếu tố này gộp lại làm cho giá cước vận tải biển tính trong năm 2024 (với đại diện là Chỉ số cước container Shanghai SCFI) dù đã rơi khỏi đỉnh nhưng vẫn neo ở vị trí gấp đôi so với năm 2023.
Thách thức
Các triển vọng kể trên phụ thuộc lớn vào tốc độ tăng trưởng GDP toàn cầu. Như chúng ta đã biết thì thương chiến có xu hướng leo thang với việc nước xuất khẩu bị áp thuế sẽ trả đũa bằng cách áp thuế ngược lại. Điều này về lâu dài có thể làm gia tăng lạm phát và sau đó là môi trường lãi suất cao, trực tiếp ảnh hưởng tiêu cực đến tiêu dùng và tiềm năng kéo giảm nhu cầu vận chuyển và giá cước.
Bên cạnh đó thì cũng có những lo ngại về “dư thừa nguồn cung” khi mà đội tàu trên thế giới vào năm 2025 đã nở ra khoảng 40% so với năm 2019. Trước mắt nhu cầu cao đây chưa phải là vấn đề, nhưng nếu nhu cầu sụt giảm thì các doanh nghiệp trong ngành vận tải biển sẽ đối mặt với rủi ro lớn.
Kết luận
Ngành vận tải biển nói chung đang tận hưởng nhu cầu vận chuyển tăng do các yếu tố thương mại và địa chính trị sẽ giữ giá cước cao trong ngắn hạn. Tuy nhiên, để duy trì sự phát triển bền vững, doanh nghiệp cần cảnh giác với các rủi ro tiềm ẩn từ tăng trưởng kinh tế toàn cầu, lạm phát, và nguồn cung tàu dư thừa. HAH, với chiến lược đầu tư hợp lý vào phân khúc nội Á, dường như đang đứng ở vị trí thuận lợi để tận dụng tối đa các cơ hội hiện tại. Việc HAH hưởng lợi như thế nào, tôi sẽ cập nhật thêm, anh em chờ tôi nhé