TGĐ Berjaya Việt Nam Nguyễn Hoài Nam nói về vụ đầu tư vào Vincom Retail và 'bí kíp': Điều quan trọng nhất khi đầu tư đa ngành là dám bỏ, và phải bỏ quyết liệt

“Tôi nhớ rất rõ ai bên cạnh tôi những lúc thất bại và âm thầm có bài học cho bản thân. Thất bại, thì người đầu tiên sai là mình. Đó là nguyên tắc đầu tiên” – Ông Nguyễn Hoài Nam chia sẻ

VRE:

Giá hiện tại
Thay đổi
Xem hồ sơ doanh nghiệp

Đại hội đồng cổ đông thường niên của CTCP Vincom Retail (mã chứng khoán VRE ) đã bầu ông Nguyễn Hoài Nam (sinh năm 1970) làm Thành viên HĐQT công ty. Ông Nam hiện đang là Tổng giám đốc tập đoàn Berjaya Việt Nam - một chi nhánh của tập đoàn đa ngành Berjaya Corporation Berhad thuộc Malaysia. Đây là công ty đang sở hữu nhiều bất động sản nổi tiếng như Sheraton Hà Nội, Long Beach Phú Quốc, Hà Nội City Garden, Biên Hòa City...

Ông Nam đồng thời giữ vị trí lãnh đạo tại nhiều doanh nghiệp khác, đơn cử như Chủ tịch HĐQT của CTCP Truyền thông và Đầu tư Nam Hương, CTCP Đầu tư Kinh doanh NP, công ty TNHH JVA TP.HCM (Jeep Việt Nam).

TGĐ Berjaya Việt Nam Nguyễn Hoài Nam nói về vụ đầu tư vào Vincom Retail và 'bí kíp': Điều quan trọng nhất khi đầu tư đa ngành là dám bỏ, và phải bỏ quyết liệt- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Hoài Nam - TGĐ Berjaya Việt Nam

Việc ứng cử vào HĐQT của Vincom Retail diễn ra sau khi Tập đoàn Vingroup thoái vốn và có 4 doanh nghiệp tại TP.HCM mua vào tổng cộng 55% cổ phần của công ty TNHH SDI - đơn vị sở hữu trên 99% vốn điều lệ của CTCP Kinh doanh thương mại Sado (đơn vị trực tiếp nắm giữ 41,5% vốn của VRE).

Trong số 4 công ty này, CTCP Đầu tư Kinh doanh NP nắm 16% là pháp nhân do ông Hoài Nam sở hữu 90% vốn.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Hoài Nam cho biết việc đầu tư của cá nhân và các cổ đông mới vào Vincom Retail lúc này là "đúng chỗ - đúng thời điểm".

"TÔI KHÔNG THAM GIA VINCOM RETAIL VỚI TƯ CÁCH BERJAYA NHƯ NHIỀU NGƯỜI HIỂU LẦM"

Tại sao ông quyết định đầu tư vào Vincom Retail khi Vingroup thoái vốn, thưa ông?

Vincom Retail là nhà phát triển bất động sản bán lẻ hàng đầu Việt Nam, đang quản lý và vận hành 83 trung tâm thương mại tại các vị trí tốt nhất ở hơn 40 tỉnh thành. Trong thời gian tới, công ty còn tiếp tục phát triển nhanh chóng lên 89 trung tâm thương mại phủ khắp 48 tỉnh thành vào cuối năm 2024.

Tôi tin rằng độ phủ của Vincom Retail sẽ còn gia tăng trong tương lai. Do đó, tôi đánh giá thời điểm này là cơ hội tốt để tham gia đầu tư và đồng hành lâu dài với Vincom Retail. Tôi tin quyết định của mình sẽ cho quả ngọt.

Theo quy định, các cổ đông nắm giữ từ 10% trở lên cổ phần công ty được đề cử thành viên vào HĐQT. Tôi may mắn được các cổ đông mới mua cổ phần từ Vingroup tín nhiệm đề cử vào vị trí này.

Cá nhân tôi là một trong những nhà đầu tư mới mua lại phần vốn góp của Vingroup trong công ty SDI. Tôi không tham gia với tư cách đại diện của Berjaya như một số báo có hiểu lầm.

Cổ đông của Vincom Retail vừa thông qua kết quả kinh doanh năm 2023 và kế hoạch kinh doanh năm 2024. Ông kỳ vọng điều gì trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình và ông sẽ đóng góp gì vào công tác quản trị công ty?

Cá nhân tôi đánh giá Vincom Retail là một công ty tốt, có nhiều lợi thế cạnh tranh, được vận hành bài bản nên giá trị của công ty sẽ không ngừng gia tăng trong tương lai. Đó cũng là lý do tôi tham gia đầu tư với kỳ vọng là một phần trong hành trình gia tăng giá trị của Vincom Retail.

Tôi dự kiến sẽ chia sẻ kinh nghiệm đầu tư và kinh nghiệm trong ngành bất động sản và bán lẻ của mình với các lãnh đạo công ty và hỗ trợ Vincom Retail làm việc thêm với các đối tác quốc tế cũng như trong nước, từ đó đóng góp cho việc hoàn thành các mục tiêu đã đề ra.

Năm 2023, Vincom lại tiếp tục không chia cổ tức. Là một nhà đầu tư mới và cổ đông lớn, ông có ý kiến gì về việc này?

Như tôi đã chia sẻ, Vincom Retail là công ty có rất nhiều triển vọng và sẽ không ngừng gia tăng giá trị trong tương lai. Việc không chia cổ tức cũng đã được HĐQT thống nhất và trình cổ đông tại đại hội, thể hiện mong muốn muốn giữ lại lợi nhuận để tiếp tục tái đầu tư, phục vụ cho các kế hoạch kinh doanh, phát triển của Vincom Retail trong thời gian tới. Tôi rất tin tưởng vào điều này và sẵn sàng đồng hành cùng công ty.

Thị trường BĐS bán lẻ Việt Nam hiện rất cạnh tranh và có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp lớn nước ngoài. Có ý kiến cho rằng, khi Vingroup thoái vốn, Vincom Retail sẽ thất thế trước các công ty nước ngoài, quan điểm của ông như thế nào?

Tôi đánh giá dung lượng thị trường còn lớn và các vị trí trung tâm thương mại của Vincom Retail khá độc tôn, khác biệt với các chủ đầu tư khác. Ví dụ trong các dự án Vinhomes từ trước đến giờ luôn có Vincom Plaza hay Vincom Mega Mall. Ở Hà Nội, TP.HCM hay các thành phố khác thì Vincom có mặt gần như đầu tiên nên có những vị trí rất tốt. Tôi không quan ngại về vấn đề cạnh tranh.

Tôi đánh giá dung lượng thị trường còn lớn và các vị trí trung tâm thương mại của Vincom Retail khá độc tôn, khác biệt với các chủ đầu tư khác.

ĐẦU TƯ: PHẢI DÁM BỎ VÀ BỎ QUYẾT LIỆT

Thông tin về ông trên truyền thông rất nhiều, trong đó nổi bật là các thương vụ "khủng" mà Berjaya đã thực hiện ở Việt Nam. Trước hết xin hỏi ông đã đến với tập đoàn Berjaya như thế nào?

Lúc đó tôi 35 tuổi và tập đoàn Berjaya chưa có dự án nào ở Việt Nam. Vô tình qua một công ty tư vấn, tôi tiếp xúc với Chủ tịch Berjaya. Trước đó tôi chưa hề quen biết với ông. Vị doanh nhân ấy đã hỏi nhiều điều về Việt Nam và tôi cũng trả lời theo cảm nhận riêng của mình.

Một tuần sau, ông ấy mời tôi về làm việc. Tôi nhận lời vì thấy được thử thách rất nhiều.

Ở vị trí này chỉ có một nỗi niềm, ấy là CEO các tập đoàn không bao giờ hết cô đơn cả, lại có nhiều lo lắng, trăn trở và ít được chia sẻ. Tôi điều hành tập đoàn nước ngoài, một người làm thuê chuyên nghiệp nên tham gia hiệp hội doanh nghiệp Malaysia cũng không trọn vẹn và tham gia Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam lại càng sai, nên có thể nói là càng cô đơn hơn.

Hoạt động đa ngành có ưu điểm là 'ngành nọ gánh ngành kia" lúc khó. Tuy nhiên hoạt động đa ngành lại chịu áp lực phân tán nguồn lực và bằng chứng là nhiều doanh nhân lớn tại Việt Nam đã từ bỏ tham vọng đa ngành để tập trung vào lĩnh vực cốt lõi. Làm thế nào ông quản lý sự nghiệp kinh doanh đa ngành của mình?

Tôi cho rằng dù bạn làm ngành gì, cũng sẽ có lúc này lúc khác, lúc cao trào lúc thoái trào. Không có bí quyết chung cho tất cả mọi người nhưng tôi nghĩ quan trọng nhất là dám bỏ, và phải bỏ quyết liệt. Ví dụ khi thấy không triển vọng, tiềm năng là tôi sẽ rút một cách dứt khoát.

TGĐ Berjaya Việt Nam Nguyễn Hoài Nam nói về vụ đầu tư vào Vincom Retail và 'bí kíp': Điều quan trọng nhất khi đầu tư đa ngành là dám bỏ, và phải bỏ quyết liệt- Ảnh 3.

Đó là điều ông đã nghĩ khi bán chuỗi Shop&Go với giá 1 USD cho Vingroup?

Shop&Go là một thất bại nhưng tôi nghĩ lúc ấy quyết định bán vẫn đúng. Vì nếu không có thương vụ đó, chúng tôi sẽ quyết định quá muộn và có thể thất bại nặng nề hơn.

Tôi thấy rằng thị trường bán lẻ Việt Nam rất tiềm năng do dân số lớn, năng động nhưng không dễ để tìm công thức phù hợp. Tôi đang gói gọn câu chuyện về chuỗi bán lẻ tiện ích chứ không phải là bán lẻ nói chung.

Ông có thể chia sẻ về một trong những thương vụ rất lớn mà Berjaya đã thực hiện tại Việt Nam, ví dụ dự án Khu đô thị đại học quốc tế Việt Nam (VIUT) là dự án FDI có vốn đăng ký lớn nhất từ trước đến nay tại TP. HCM hay dự án dự án Trung tâm tài chính, hay vụ bán Intercontinental Hà Nội…?

Về các thương vụ của tập đoàn Berjaya tại Việt Nam, chúng tôi chỉ đơn giản là chọn đối tác có tiềm lực, hiểu đặc tính địa phương, có cùng tầm nhìn và cam kết nó sẽ thành hiện thực, cho dù có muộn hơn dự kiến. Bản chất các tập đoàn nước ngoài khi đầu tư vẫn là "Đầu tư - Phát triển - Thoái vốn". Nếu không thực hiện được điều lý tưởng đó thì chúng tôi sẽ thảo luận về phương án "hợp tác và bảo toàn vốn".

Bản chất các tập đoàn nước ngoài khi đầu tư vẫn là "Đầu tư - Phát triển - Thoái vốn". Nếu không thực hiện được điều lý tưởng đó thì chúng tôi sẽ thảo luận về phương án "hợp tác và bảo toàn vốn".

DÙ THẾ NÀO, CHÚNG TA VẪN PHẢI YÊU THƯƠNG CUỘC SỐNG NÀY

Ông là người rất chăm chia sẻ trên Facebook cá nhân và kết thúc các status luôn là câu "Cuộc sống tươi đẹp". Lý do là gì vậy?

Với tôi, cho dù thế nào, chúng ta vẫn phải yêu thương cuộc sống này và hình hài, trí tuệ do cha mẹ và các thầy cô cho mình. Cuộc sống cũng là một người thầy của chúng ta.

Ông từng nói rằng: "Tôi thích chơi với những doanh nhân từng gặp thất bại, bởi cách mà họ lấy lại cân bằng sau những vấp váp sẽ là một trải nghiệm vô cùng quý báu. Những cú sốc làm tôi hiểu rõ mình hơn và trân trọng những gì mình đang có." Ông có thể chia sẻ về một thất bại và lấy lại cân bằng từ đó?

Tôi thất bại rất nhiều, rất lớn nên không còn nhớ được nhiều. Nhưng tôi nhớ rất rõ ai bên cạnh tôi những lúc đó và âm thầm có bài học cho bản thân. Thất bại, thì người đầu tiên sai là mình. Đó là nguyên tắc đầu tiên.

Trong một bài phỏng vấn được ông chia sẻ là bài tâm đắc nhất, có câu hỏi rằng: "Nếu chỉ còn một mình trên thế giới, anh sẽ làm gì? Không mặc quần áo và lái xe thể thao hết tốc độ trên các bãi biển như Nha Trang, Hawaii…". Vì thế giới luôn đông người, nên điều "điên rồ" nhất mà ông từng làm là gì?

Độc lập là một từ tôi rất thích. Bài phỏng vấn đó 20 năm rồi. Nó là một sự tưởng tượng. Nhưng nếu được hỏi câu trước đây, tôi vẫn trả lời như vậy thôi. Thế giới luôn đông ngưòi, nhưng cô đơn luôn tồn tại khắp nơi. Nó tạo ra thơ ca, nhạc họa.

Khi bạn có thể một mình mà vẫn vui và hạnh phúc, thì lúc đó bạn đã ở một ngưỡng tuyệt vời.

Cảm ơn ông về những chia sẻ này!


Trọng Hiếu

An ninh Tiền tệ

https://cafef.vn/tgd-berjaya-viet-nam-nguyen-hoai-nam-dieu-quan-trong-nhat-khi-dau-tu-da-nganh-la-dam-bo-va-phai-bo-quyet-liet-188240429221815953.chn