Tháng 3 - Tháng của ngành Bất động sản!

, , , , , , ,

Giá nhà ở liên tục tăng

Giá căn hộ tại Hà Nội ghi nhận liên tục tăng trên cả thị trường sơ cấp lẫn thứ cấp. Trong khi đó, giá căn hộ tại TP.HCM cũng bắt đầu bước vào chu kỳ tăng trở lại…

Ảnh minh họa.

Nền kinh tế phát triển, đô thị hóa diễn ra nhanh chóng đã kéo nhu cầu về nhà ở tăng vọt trong khi quỹ đất dần cạn kiệt, nguồn cung nhà ở liên tục sụt giảm, khiến giá bán liên tục tăng cao.

ĐÀ GIẢM GIÁ CHẬM DẦN

Dữ liệu nghiên cứu của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (Vars) cho thấy, chỉ số giá căn hộ tại Hà Nội năm 2023 tăng khoảng 38 điểm phần trăm so với năm 2019, còn tại TP. HCM tăng 16 điểm phần trăm. Theo đó, giá căn hộ tại Hà Nội ghi nhận liên tục tăng trên cả thị trường sơ cấp lẫn thứ cấp. Còn giá căn hộ sơ cấp tại TP.HCM cũng bắt đầu bước vào chu kỳ tăng trở lại, cùng với đà giảm chậm dần ở các dự án cao cấp, hạng sang trên thị trường thứ cấp.

Trong khi đó, lực cầu mua nhà tăng mạnh không chỉ bởi nhu cầu ở từ sự chuyển dịch của các hộ gia đình thành phố, sự gia tăng không ngừng của lực lượng lao động, sinh viên đổ về thành phố để làm việc và học tập, mà còn được đóng góp bởi lượng lớn nhu cầu đầu tư tăng lên. Theo thống kê của Batdongsan.com.vn, mức độ quan tâm chung cư bán toàn quốc tháng 1/2024 tăng 66% so cùng kỳ 2023, lượng tin đăng bán bất động sản tăng 46%. Cụ thể, lượng tìm kiếm chung cư tháng 1/2024 tại Hà Nội tăng 71% so cùng kỳ và tại TP. HCM, nhu cầu tìm kiếm chung cư tăng 59%. Xu hướng này cũng diễn ra trên hầu hết các tỉnh, thành khác.

Vars nhận định, bất chấp sự tăng lên mạnh mẽ từ nhu cầu của người mua nhà, nguồn cung căn hộ vẫn phát triển không tương xứng. Tại Hà Nội, nguồn cung căn hộ mới trong năm ngoái ước đạt 10.500 căn, giảm khoảng 31% so với năm trước. Tại TP.HCM, nguồn cung căn hộ mới ước đạt gần 7.500 căn, giảm hơn 50% so với cùng kỳ 2022. Đơn vị này cho rằng, nguồn cung căn hộ sụt giảm thời gian qua do số lượng dự án bất động sản được phê duyệt mới ngày càng khan hiếm, trong khi các dự án đang triển khai “chật vật” bởi những vướng mắc liên quan đến pháp lý và nguồn vốn.

Đánh giá thị trường bất động sản năm qua, Bộ Xây dựng thừa nhận vẫn có nhiều tồn tại như: giá cả neo cao, thiếu nguồn cung, cơ cấu không phù hợp, thiếu phân khúc nhà ở cho người có thu nhập thấp. Thị trường xuất hiện tình trạng lệch pha cung - cầu vì thiếu nguồn cung dự án dẫn đến thiếu nguồn cung nhà ở…

CẦN ĐA DẠNG HÓA VÀ CƠ CẤU LẠI SẢN PHẨM

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Vars nhận định, sau một thời gian dài sụt giảm, nguồn cung căn hộ ở hai đô thị đặc biệt dự kiến sẽ tăng trở lại nhờ sự phục hồi của thị trường cùng nỗ lực gỡ vướng pháp lý cho các dự án của cơ quan quản lý Nhà nước. Đặc biệt là nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Nhưng nguồn cung này cần thời gian hoàn thành thủ tục pháp lý trước khi chính thức đưa ra thị trường và chủ yếu đến từ khu vực xa trung tâm. Do đó, dự báo trong ngắn hạn, giá căn hộ tại trung tâm các thành phố lớn tiếp tục duy trì đà tăng.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM cho rằng, việc nguồn cung sản phẩm nhà ở giá thấp chưa đáp ứng so với nhu cầu và do nhiều chủ đầu tư dự án muốn tối đa hóa lợi nhuận nên giá bị đẩy lên, khiến giá nhà luôn có xu thế tăng. Thậm chí, thời gian qua, một số chủ đầu tư bất động sản còn đẩy biên độ lợi nhuận lên tới 30 - 40%. Nhưng việc đẩy giá về lâu dài sẽ gây nhiều hệ lụy tiêu cực cho thị trường, khi nhu cầu về nhà ở của đa số người dân không được đáp ứng. Do đó, muốn kéo giảm giá nhà, trước hết, thủ tục hành chính cần nhanh hơn, giúp giảm chi phí để doanh nghiệp tạo ra sản phẩm có lợi, đúng với nhu cầu thật của người dân hiện nay.

Cũng đưa ra ý kiến, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính nhấn mạnh các doanh nghiệp bất động sản cũng cần xem xét đa dạng hóa và tiếp tục cơ cấu lại sản phẩm nhà ở, chuyển hướng mạnh sang phân khúc nhà ở thương mại có giá vừa túi tiền, nhà ở thương mại giá thấp… Đây là lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản vừa đảm bảo hiệu quả kinh tế, vừa có ý nghĩa xã hội nhân văn. Tuy tỷ suất lợi nhuận thấp nhưng ít rủi ro, đồng thời có lợi cho việc xây dựng uy tín thương hiệu của doanh nghiệp.

Chuyên gia kỳ vọng cùng với nền tảng của hàng loạt các yếu tố tích cực của thị trường hiện tại, đến năm 2025, khi các bộ Luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản mới đã được thông qua theo hướng gỡ khó cho chủ đầu tư và người mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân chính thức có hiệu lực. Nguồn cung nhà ở xã hội sẽ bật tăng, mặt bằng giá căn hộ sẽ xuống mức phù hợp hơn cho người dân có nhu cầu ở thực.

Dự báo năm 2024, Vars cho biết, đây có thể là năm cuối cùng của quá trình “vượt chướng ngại vật” của thị trường bất động sản. Mặc dù khó “bùng nổ” song thị trường sẽ đi dần vào ổn định. Nửa đầu năm, thị trường tiếp tục duy trì tín hiệu tốt từ thời điểm cuối năm 2023, nhưng từ cuối quý 3/2024 trở đi, sự phục hồi mới thể hiện rõ rệt.

Nguồn: Giá nhà ở liên tục tăng - Nhịp sống kinh tế Việt Nam & Thế giới

Thủ tướng ‘lệnh’ giảm lãi suất cho vay

TPO - Thủ tướng lưu ý bảo đảm cung cấp đủ vốn tín dụng phục vụ nền kinh tế và an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, tuyệt đối không để ách tắc, chậm trễ, không đúng thời điểm.

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 18/CĐ-TTg ngày 5/3/2024 về điều hành tăng trưởng tín dụng năm 2024. Công điện được ban hành trong bối cảnh mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm nhưng chưa tương xứng với mức giảm của mặt bằng lãi suất huy động; tăng trưởng tín dụng 2 tháng đầu năm giảm so với cuối năm 2023.

Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương rà soát toàn diện kết quả cấp tín dụng của hệ thống các tổ chức tín dụng đối với nền kinh tế, từng ngành, từng lĩnh vực; kết quả cấp tín dụng của từng tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại đến thời điểm hiện tại để có biện pháp điều hành tăng trưởng tín dụng, lãi suất năm nay hiệu quả, khả thi, kịp thời hơn nữa.

Thủ tướng 'lệnh' giảm lãi suất cho vay ảnh 1
Bảo đảm cung cấp đủ vốn tín dụng phục vụ nền kinh tế và an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (ảnh minh họa).

Thủ tướng lưu ý, bảo đảm cung cấp đủ vốn tín dụng phục vụ nền kinh tế và an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, tuyệt đối không để ách tắc, chậm trễ, không đúng thời điểm. Trường hợp có nội dung vượt thẩm quyền, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng nhà nước kịp thời báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền theo quy định; chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc điều hành chính sách tiền tệ và tăng trưởng tín dụng.

Ngân hàng nhà nước phải theo dõi sát diễn biến, tình hình kinh tế thế giới, trong nước để điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; điều hành linh hoạt, hài hòa, hợp lý giữa lãi suất và tỷ giá phù hợp với tình hình thị trường, diễn biến kinh tế vĩ mô và mục tiêu chính sách tiền tệ. Tăng trưởng tín dụng hiệu quả, đáp ứng ngoại tệ cho sản xuất, kinh doanh, gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, an toàn hoạt động ngân hàng và hệ thống các tổ chức tín dụng, đảm bảo thực hiện được các chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đã đề ra trong năm 2024.

Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu thực hiện ngay các giải pháp điều hành để tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay gắn với tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, bảo đảm cung cấp đủ vốn tín dụng, ngoại tệ lành mạnh, có trọng tâm, trọng điểm, phục vụ, đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế và an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.

Thủ tướng yêu cầu nghiêm cấm việc cấp tín dụng không đúng quy định pháp luật, không đúng đối tượng, việc cấp tín dụng cho ban lãnh đạo, ban điều hành và người có liên quan của các tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái, doanh nghiệp sân sau… với lãi suất ưu đãi trong khi người dân, doanh nghiệp có nhu cầu chính đáng, hợp pháp lại gặp khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng, ngoại tệ. Đồng thời thực hiện các công cụ kiểm soát lạm phát và giảm thiểu, hạn chế gia tăng nợ xấu đối với các tổ chức tín dụng.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo, yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay; công bố công khai lãi suất cho vay bình quân để người dân, doanh nghiệp thuận lợi trong việc tiếp cận tín dụng, lựa chọn ngân hàng để vay vốn.

Tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ hôm 2/3, trả lời câu hỏi của phóng viên, ông Phạm Thanh Hà - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước - lý giải nguyên nhân tăng trưởng tín dụng thấp thời gian qua, đầu tiên là tính thời vụ. Thường những tháng đầu năm tăng trưởng thấp, do nhu cầu vay vốn giảm, doanh nghiệp hạn chế vay nợ đầu năm mới. Mặt khác, năm nay có thêm yếu tố khách quan khi tình hình kinh tế thế giới chưa khởi sắc. Các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam chưa phục hồi mạnh mẽ, ảnh hưởng đầu ra xuất khẩu. Ngoài ra, cầu tín dụng suy giảm do khó khăn kinh tế trong nước.

Để thúc đẩy tín dụng, ông Hà cho biết, đầu tháng 2, cơ quan này đã yêu cầu các nhà băng đơn giản thủ tục cho vay để tăng tiếp cận vốn khách hàng. Về phía doanh nghiệp, ông Hà cho rằng, họ cũng cần tích cực có thêm dự án khả thi, minh bạch năng lực tài chính để các ngân hàng thẩm định, cung ứng vốn.

Nguồn: Thủ tướng 'lệnh' giảm lãi suất cho vay

Đấu giá đất “vàng” và hàng ngàn căn hộ ở Thủ Thiêm

(NLĐO) - TP HCM sẽ tổ chức đấu giá 3 lô đất “vàng” ở khu đô thị mới Thủ Thiêm để rút kinh nghiệm và triển khai kế hoạch chi tiết các lô đất còn lại.

Sở Tài nguyên- Môi trường TP HCM cho biết đã báo cáo UBND TP HCM về việc điều chỉnh thời điểm thực hiện kế hoạch chi tiết tổ chức công tác đấu giá đất và 3.790 căn hộ chung cư ở khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức).

TP HCM: Đấu giá đất

Năm 2018, UBND TP HCM tổ chức đấu giá 3.790 căn hộ nhưng không có tổ chức nào đăng ký tham gia đấu giá nên cuộc đấu giá không thành.

Sở Tài nguyên và Môi trường cũng gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện thủ tục lập, trình phê duyệt chủ trương chấp thuận đầu tư đối với lô đất 1-2, 1-3 và 3-5; đồng thời xây dựng dự thảo phương án đấu giá quyền sử dụng 3 lô đất này để gửi thành viên Tổ công tác 3588 (Tổ công tác tham mưu UBND TPHCM) góp ý trước khi báo cáo UBND TP HCM phê duyệt.

Những mốc thời gian đáng chú ý

Cụ thể, lô 1-2 và 1-3 (thuộc khu chức năng số 1) có diện tích lần lượt là 7.886 m2 và 5.006 m2, quy hoạch khu dân cư đa chức năng. Thời gian thực hiện hồ sơ pháp lý để phục vụ đấu giá trước ngày 14-5, thời gian đấu giá dự kiến trước ngày 31-7.

Lô 3-5 (khu chức năng số 3) diện tích 6.446 m2, quy hoạch khu nhà ở chung cư sử dụng hỗn hợp (đất dân cư đa chức năng) kết hợp chức năng thương mại-dịch vụ. Hồ sơ chuẩn bị phục vụ đấu giá phải hoàn thành trước ngày 18-6, dự kiến tổ chức đấu giá trước ngày 10-9.

Lô đất 7-1 (thuộc khu chức năng số 7) diện tích 74.393m2, quy hoạch khách sạn nghỉ dưỡng theo tiêu chuẩn quốc tế, được xây dựng trên cù lao nhỏ, hài hòa với cảnh quan sông nước, thảm thực vật. Thời gian chuẩn bị hồ sơ và chọn đơn vị thực hiện đấu giá trước ngày 15-10, dự kiến đấu giá trước ngày 20-11. Thời gian dự kiến này có thể điều chỉnh theo tình hình kết quả đấu giá của các 3 lô đất nêu trên.

Bên cạnh đó, nhiều lô đất khác cũng được lên kế hoạch đấu giá, trong đó có 4 lô đất (khu chức năng số 1) là lô 1-5, 1-6 (cùng quy hoạch dân cư đa chức năng), lô 1-9, 1-10 (cùng quy hoạch thương mại đa chức năng) có tổng diện tích 35.700 m2. Các lô đất này dự kiến tổ chức đấu giá trước ngày 5-9-2025.

3 lô đất (thuộc khu chức năng số 3) dự kiến đấu giá trước ngày 28-11-2025. Cụ thể là lô 3-8, diện tích 8.568 m2 với chức năng quy hoạch khu nhà ở chung cư, không có bố trí chức năng thương mại dịch vụ; lô 3-9 diện tích 5.009 m2, chức năng khu nhà ở bố trí thương mại dịch vụ; lô 3-12 diện tích 10.059m2, chức năng nhà ở kết hợp thương mại dịch vụ…

Ngoài ra, 6 lô đất khu phức hợp thể thao, giải trí cũng sẽ được đưa ra đấu giá.

Với 3.790 căn hộ (lô R1, R2, R3, R4, R5 khu 38,4 ha, phường An Khánh) thuộc chương trình xây dựng 12.500 căn hộ tái định cư cho người dân bị giải tỏa tại khu đô thị mới Thủ Thiêm, thời gian chuẩn bị hồ sơ phục vụ đấu giá trước ngày 7-7, thời gian thực hiện đấu giá dự kiến trước ngày 26-9.

Rút kinh nghiệm để đấu giá hàng loạt

Về kế hoạch tổ chức đấu giá các lô đất và 3.790 căn hộ tại khu đô thị mới Thủ Thiêm, trong báo cáo gửi Thành ủy TP HCM, Bí thư Ban cán sự đảng UBND TP HCM Phan Văn Mãi nêu rõ sau khi có kết quả đấu giá thành đối với 3 lô đất (1-2, 1-3, 3-5), UBND TP HCM sẽ chỉ đạo các cơ quan tiếp thu, rút kinh nghiệm và triển khai kế hoạch chi tiết đấu giá các lô đất còn lại.

Riêng 3.790 căn hộ tại khu đô thị mới Thủ Thiêm, tài sản đấu giá được tạo lập bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Để đảm bảo chặt chẽ về trình tự, thủ tục và thẩm quyền quyết định bán tài sản công theo quy định pháp luật, UBND TP HCM chỉ đạo các sở, ngành và đơn vị liên quan tiếp tục tham mưu đề xuất các thủ tục pháp lý theo quy định. Vì vậy, cần có thời gian hoàn thành các thủ tục pháp lý liên quan trước khi tổ chức đấu giá dự kiến vào tháng 9-2024.

UBND TP HCM chỉ đạo các đơn vị tham mưu, đề xuất báo cáo về chuyển đổi từ mục tiêu quỹ nhà tái định cư sang nhà ở thương mại; xác lập sở hữu toàn dân đối với các hạng mục công trình sử dụng chung, hành lang, cầu thang, công viên, lối đi, công viên và trình UBND TP HCM xác lập quyền sở hữu toàn dân với tài sản công để đấu giá.

Nguồn: Đấu giá đất "vàng" và hàng ngàn căn hộ ở Thủ Thiêm