Thành tựu kinh tế ấn tượng sau 49 năm 'non sông thu về một mối'

Từ khi đất nước thống nhất (ngày 30/4/1975) đến nay, Việt Nam đã đạt những thành tựu kinh tế đáng khâm phục.

Vào năm 1974 quy mô nền kinh tế của cả miền Bắc và miền Nam cộng lại chưa đầy 22 tỷ USD. Trong giai đoạn 1976-1980 GDP chỉ tăng trung bình 1,4%. Đến năm 2023, quy mô GDP ở mức 430 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 5,05%. Trong quý I năm 2024 nền kinh tế đạt mức tăng trưởng 5,66%.

Việt Nam được đánh giá là nước tăng trưởng xuất khẩu vượt bậc trong khu vực trong năm 2023. Ảnh: TTXVN

Hành trình hướng tới nền kinh tế thứ 20 thế giới

Tính từ thời điểm năm 1975, Việt Nam có xuất phát điểm là bị hai cuộc chiến tranh lớn tàn phá, nền kinh tế lạc hậu, phụ thuộc vào viện trợ và nông nghiệp. Các khoản vay nợ và viện trợ nước ngoài chiếm hơn 63% ngân sách.

Trong giai đoạn 1976-1980 tốc độ tăng GDP chỉ đạt 1,4%, thậm chí năm 1980 mức tăng GDP là âm 1%. Cũng trong năm này chúng ta nhập khẩu 1,57 triệu tấn lương thực.

Việc thực hiện kế hoạch kinh tế 5 năm 1976-1980 gặp khó khăn. Nguồn viện trợ từ các nước xã hội chủ nghĩa giảm sút rất mạnh, Trung Quốc ngừng viện trợ hoàn toàn cho Việt Nam từ năm 1977.

Hai cuộc chiến tranh biên giới ở phía Nam và phía Bắc năm 1979 khiến chi phí quốc phòng của đất nước tăng vọt trong khi nguồn viện trợ từ bên ngoài bị đình lại.

Cũng trong năm này Đảng và Nhà nước ta bắt đầu đưa ra một số thay đổi về chính sách quản lý kinh tế.

Tháng 9/1979, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IV tiến hành hội nghị lần thứ 6, ra Nghị quyết số 20-NQ/TW với nội dung: Cho phép kết hợp cơ chế kế hoạch hóa với cơ chế thị trường; sử dụng lại kinh tế tư nhân bao gồm cả tư bản tư nhân dưới sự quản lý của Nhà nước… Đây được xem là bước đột phá thứ nhất về tư duy và quan điểm kinh tế.

Tiếp đó, Hội nghị Trung ương 9 khóa IV (tháng 12/1980) quyết định mở rộng thực hiện và hoàn thiện khoán sản phẩm trong nông nghiệp. Ngày 13/1/1981, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị 100-CT/TW về Cải tiến công tác khoán, mở rộng "khoán sản phẩm đến nhóm lao động và người lao động" trong hợp tác xã nông nghiệp. Chỉ thị này cho phép áp dụng chế độ khoán trong toàn bộ nền nông nghiệp cả nước, gọi tắt là Khoán 100.

Từ năm 1981 kinh tế Việt Nam khởi sắc. Sản lượng lương thực tăng mạnh, giá trị sản lượng công nghiệp tăng khá, thâm hụt thương mại giảm đáng kể.

Tuy nhiên, đến cuối năm 1985 và trong năm 1986 kế hoạch cải cách giá - lương - tiền không đạt kết quả do sự chắp vá giữa cải cách với mô hình cũ, gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Mặt khác, chính sự khủng hoảng này đã làm cho Đảng và Nhà nước ta nhận ra rằng đã cải cách là phải cải cách triệt để.

Đại hội lần thứ VI của Đảng (tháng 12/1986) đã đưa ra những chủ trương cải cách, đổi mới mang tính lịch sử - chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp sang nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, hoạt động theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước và định hướng xã hội chủ nghĩa.

Trong giai đoạn 1986-2000 tổng sản phẩm trong nước bình quân mỗi năm tăng 6,51%. Cơ cấu kinh tế từng bước chuyển dịch theo hướng đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hoá.

Giai đoạn từ năm 2001 đến nay là thời kỳ Việt Nam phát triển kinh tế mạnh mẽ và hội nhập quốc tế sâu rộng. GDP năm 2019 tăng gấp 12,5 lần so với năm 2001. Tốc độ tăng GDP bình quân năm trong giai đoạn 2001-2010 đạt 7,26%.

Từ năm 2008 nước ta đã ra khỏi nhóm nước có thu nhập thấp để gia nhập nhóm nước có thu nhập trung bình thấp. GDP bình quân đầu người năm 2019 đạt 2.715 USD, gấp 15 lần so với năm 1990. Tỷ lệ nghèo chung của Việt Nam tính theo cách của Ngân hàng Thế giới (WB) ở mức là 28,9% vào năm 2002, đến năm 2018 đã giảm xuống 6,7%.

Năm 2019, Việt Nam đứng thứ 8 thế giới và thứ 2 trong khu vực ASEAN về tốc độ tăng trưởng GDP, là một trong 30 nước có mức tăng trưởng xuất, nhập khẩu cao và là nền kinh tế có quy mô xuất khẩu thứ 22 trên thế giới.

Đến năm 2023, số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, quy mô GDP theo giá hiện hành đạt hơn 10.221 nghìn tỷ đồng, tương đương 430 tỷ USD. Như vậy, quy mô kinh tế Việt Nam trong năm ngoái xếp thứ 34 trên thế giới theo bảng xếp hạng của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh (CEBR) có trụ sở ở Anh.

Còn tính theo GDP PPP (GDP theo sức mua tương đương) thì thành tựu kinh tế của nước ta còn ấn tượng hơn nhiều.

Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết, trong năm 2023 Việt Nam xếp thứ 3 Đông Nam Á với quy mô GDP PPP đạt khoảng 1.438 tỷ USD, sau Indonesia (4.391 tỷ USD), Thái Lan (1.563 tỷ USD), xếp thứ 25 trên thế giới. Như vậy, quy mô GDP PPP của Việt Nam đã vượt Hà Lan và Thụy Sỹ.

Đến năm 2026, quy mô GDP PPP của Việt Nam được dự báo sẽ đạt khoảng 1.833 tỷ USD, vượt qua Thái Lan và xếp thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á, sau Indonesia.

Còn đến năm 2029, quy mô GDP PPP của Việt Nam được dự báo sẽ đạt 2.343 tỷ USD, vượt qua Ôxtrâylia và Ba Lan, xếp thứ 20 trên thế giới.

“Thành đồng Tổ quốc" trong phát triển kinh tế

Nam Bộ nói chung và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nói riêng được Chủ tịch Hồ Chí Minh gọi là “Thành đồng Tổ quốc", là nơi “đi trước về sau” trong chiến tranh chống Mỹ, cứu nước. Khi chiến tranh kết thúc, miền đất cực Nam hội đủ những yếu tố cần thiết để trở thành một trong những vùng kinh tế trọng điểm của cả nước.

Tuy nhiên, đồng bằng sông Cửu Long hiện tại vẫn còn nhiều cơ hội phát triển so với tiềm năng, lợi thế. Để giải quyết các điểm nghẽn về kết cấu hạ tầng, Bộ Giao thông Vận tải đã triển khai kế hoạch đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông ở đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2021 – 2025. Kế hoạch này cũng là nhằm hiện thực hóa Quyết định số 287/QĐ-TTg ngày 28/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Vốn ngân sách Trung ương đầu tư cho vùng tăng lên mức 86.000 tỷ đồng, bằng 22% của cả nước, tăng gấp 2,6 lần so với giai đoạn 2016 – 2020. Riêng vốn đầu tư hệ thống đường cao tốc lên tới 42.647 tỷ đồng, chiếm 20% vốn đầu tư đường cao tốc của cả nước, gấp 14 lần so với giai đoạn 2016 - 2020.

Năm 2023 là thời điểm các dự án cao tốc mới đồng loạt được khởi công, gồm các tuyến Cần Thơ - Cà Mau dài 111 km, tuyến cao tốc trục ngang Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dài 188 km.

Các tuyến trục ngang Mỹ An - Cao Lãnh và Cao Lãnh - An Hữu sẽ được khởi công trong năm 2024. Hai tuyến Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương và Trung Lương - Mỹ Thuận đang được đầu tư mở rộng.

Dự án cầu Rạch Miễu 2 nối Tiền Giang - Bến Tre đi các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đang được thi công, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2026. Dự án cầu Mỹ Thuận 2 (cầu cao tốc) đã hoàn thành cùng với đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ vào cuối năm 2023.

Dự án cầu Đại Ngãi qua sông Hậu nối Trà Vinh với Sóc Trăng trên tuyến Quốc lộ 60 đi các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long với tổng mức đầu tư hơn 8.000 tỷ đồng đã được khởi công vào ngày 15/10/2023 và dự kiến hoàn thành năm 2026...

Theo Trần Quang Vinh

Báo tin tức

https://cafef.vn/thanh-tuu-kinh-te-an-tuong-sau-49-nam-non-song-thu-ve-mot-moi-188240429084059511.chn