Mảng bảo hiểm vốn là “át chủ bài” trong thu dịch vụ của nhiều ngân hàng vẫn chưa có sự khởi sắc, thu nhập lãi thuần tiếp tục gặp áp lực do tín dụng tăng trưởng yếu, thế nhưng lợi nhuận quý I/2024 của nhiều ngân hàng vẫn ghi nhận tăng trưởng khả quan, thậm chí có ngân hàng tăng tới 165%.
Trong báo cáo vừa công bố, SSI Research cho biết lợi nhuận sau thuế quý I/2024 của các ngân hàng niêm yết tăng 9,6% so với cùng kỳ, chiếm 49,2% tổng lợi nhuận toàn sàn. Trong đó, thu nhập từ kinh doanh ngoại hối phần nào đã san sẻ bớt sự sụt giảm mạnh từ hoạt động phân phối bảo hiểm và thu hồi nợ xấu.
Thu nhập từ kinh doanh ngoại hối tăng mạnh
Theo thống kê kết quả kinh doanh của 28 ngân hàng niêm yết, có tới 18 ngân hàng ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng dương, mặc dù có sự phân hoá mạnh khi có ngân hàng chỉ tăng nhẹ gần 0,3%, có ngân hàng lại tăng trưởng ở mức 2-3 con số.
Chẳng hạn, BVBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế quý I đạt 69,3 tỷ đồng, tăng 165% so với cùng kỳ năm ngoái, hoàn thành 35% kế hoạch lợi nhuận năm; LPBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 2.886 tỷ đồng, tăng tới hơn 84%; VPBank có lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 4.182 tỷ đồng, tăng 64%; Techcombank có lợi nhuận trước thuế đạt 7.802 tỷ đồng, tăng 38,7%…
Theo thống kê kết quả kinh doanh của 28 ngân hàng niêm yết, có tới 18 ngân hàng ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng dương.
Trong báo cáo vừa công bố, SSI Research cho biết lợi nhuận sau thuế quý I/2024 của các ngân hàng niêm yết tăng nhẹ 9,6% so với cùng kỳ, chiếm 49,2% tổng lợi nhuận toàn sàn.
Các chuyên gia chỉ ra, thu nhập từ kinh doanh ngoại hối phần nào đã san sẻ bớt sự sụt giảm mạnh từ hoạt động phân phối bảo hiểm và thu hồi nợ xấu.
Trên thực tế, tăng trưởng tín dụng 2 tháng đầu năm âm so với cuối năm 2023 và đến tháng 3 mới “nhúc nhích” tăng trở lại đã khiến lợi nhuận mảng tín dụng - mảng kinh doanh cốt lõi của các nhà băng sụt giảm, và các nhà băng phải đẩy mạnh thu nhập từ mảng dịch vụ để bù đắp.
Chẳng hạn, đà tăng mạnh của BVBank đến từ thu nhập của hoạt động kinh doanh cốt lõi (tăng 65% so với cùng kỳ, đạt 472 tỷ đồng), lãi từ hoạt động kinh doanh ngoại hối (tăng trưởng 76% do doanh số mua bán ngoại tệ trong quý I/2024 tăng gấp 1,5 lần so với cùng kỳ). Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ giảm nhẹ do tác động phần nào của bảo hiểm liên kết. Đây có thể nói là mức tăng trưởng “đột biến” của ngân hàng này bởi kết thúc năm 2023, lợi nhuận trước thuế của BVBank chỉ đạt 72 tỷ đồng, giảm 84% so với năm trước và thực hiện được 55% kế hoạch đề ra.
Tương tự, tại LPBank, trong tổng thu thuần từ các hoạt động kinh doanh, lãi thuần từ dịch vụ chiếm 18,29%, tăng 2,6 lần so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, mảng kinh doanh ngoại hối chiếm 3,31%. Lãnh đạo LPBank lý giải, lợi nhuận ngân hàng bứt tốc nhờ lãi thuần từ mảng dịch vụ cao đột biến, gấp gần 4 lần cùng kỳ năm 2023, đặc biệt phải kể đến sản phẩm kinh doanh ngoại tệ, kiều hối, xuất nhập khẩu… Bên cạnh đó, thu nhập lãi thuần tăng mạnh, đi cùng việc kiểm soát chi phí hoạt động hợp lý là những yếu tố giúp lợi nhuận của LPBank tăng trưởng mạnh.
Kết quả kinh doanh quý I/2024 của các ngân hàng thương mại ghi nhận đà tăng trưởng khả quan.
Trong quý đầu năm nay, VietinBank báo lãi trước thuế hơn 6.210 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ. Đóng góp vào kết quả kinh doanh của ngân hàng là mảng kinh doanh ngoại hối tăng 15% và lãi từ mua bán chứng khoán kinh doanh tăng 37%.
Hay MSB ghi nhận khoản lãi hơn 550 tỷ đồng từ kinh doanh ngoại hối, tương đương 54% lãi thuần hoạt động này trong cả năm 2023.
Nhiều tín hiệu khả quan
Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng việc kiểm soát tốt chi phí hoạt động là một yếu tố khác hỗ trợ cho kết quả kinh doanh của các ngân hàng.
Ông Jens Lottner, Tổng giám đốc Techcombank, năm 2024, ngân hàng đã cụ thể hoá mục tiêu tăng trưởng bằng các dự án đầu tư cho nền tảng công nghệ, nhờ đó số lượng nhân viên không thay đổi nhưng giá trị tạo ra tăng lên, chi phí hoạt động giảm đáng kể. Ngoài ra, Techcombank cũng cố gắng đa dạng hoá danh mục tín dụng, tập trung vào khách hàng bán lẻ, doanh nghiệp nhỏ và vừa… Hiện nay, Techcombank đặt ra 4 trụ cột chính trong chiến lược phát triển là CASA 55%, vốn hoá 20 tỷ USD, thu nhập từ phí chiếm 30% tổng thu nhập, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) là 20%.
Theo nhận định của các chuyên gia, mặc dù một số nguồn thu từ dịch vụ như thu nợ ngoại bảng, bancassurance (bán chéo bảo hiểm) - vốn là “át chủ bài” trong thu dịch vụ của nhiều ngân hàng - vẫn chưa có sự khởi sắc, nhưng một số mảng dịch vụ khác như thanh toán, dịch vụ ngân hàng số, kinh doanh ngoại hối, kinh doanh từ mảng chứng khoán… khả quả hơn, sẽ giúp tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng tốt hơn.
Đặc biệt, thanh khoản sẽ bớt dư thừa trong năm 2024, do tín dụng tăng trưởng tốt hơn, dẫn đến chênh lệch lãi suất đầu ra - đầu vào có xu hướng tăng nhẹ, giúp NIM tăng nhẹ, nhờ đó lợi nhuận tăng trưởng tốt hơn.
Tuy nhiên, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cảnh báo tăng trưởng lợi nhuận ngành ngân hàng năm 2024 vẫn còn nhiều trở ngại, thể hiện qua áp lực trích lập dự phòng rủi ro cao hơn do nợ xấu gia tăng và giá trị tài sản đảm bảo giảm xuống hoặc còn ở mức thấp.
“Đồng thời, chi phí quản lý có xu hướng tăng do đầu tư vào công nghệ và chi phí lương tăng theo lộ trình của Nhà nước cũng như nhằm tăng cạnh tranh về nguồn nhân lực”, ông Lực nêu quan điểm.
Dù vậy, bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán MB (MBS) nhấn mạnh: “Những ngân hàng có mảng tín dụng tăng trưởng tốt và ổn định nhờ có tệp khách hàng riêng và những ngân hàng có chất lượng tài sản cải thiện mạnh mẽ cùng gia tăng trích lập lớn trong năm 2023 sẽ giảm được áp lực trích lập trong năm 2024, từ đó giúp lợi nhuận sau thuế gia tăng đáng kể hơn so với toàn ngành”.
Còn theo nhận định của các ngân hàng, tình hình kinh doanh tổng thể và lợi nhuận trước thuế của hệ thống ngân hàng trong quý II/2024 sẽ tốt hơn. Cụ thể, theo kết quả điều tra của Ngân hàng Nhà nước, có 70,9 - 72,7% các tổ chức tín dụng kỳ vọng tình hình kinh doanh sẽ khả quan hơn trong quý II/2024 và cả năm 2024.
https://vnbusiness.vn/ngan-hang/that-thu-tu-ban-bao-hiem-ngan-hang-vi-sao-van-lai-cao-1099751.html