Thấy gì từ kỳ họp đại hội bất ổn của Bidiphar

Mặc dù được thông qua toàn bộ nhưng đại hội Bidiphar đã trải qua nhiều tranh luận, lộ diện những bất ổn. HĐQT bất ngờ thay đổi và bổ sung nội dung tờ trình khiến cổ đông đặt nghi ngờ vấn đề đã được xem xét thấu đáo để đưa ra quyết định đúng đắn.

HĐQT Bidiphar đã có những thay đổi bất ngờ trong nội dung trình tại kỳ họp ĐHCĐ 2024. Ảnh minh họa: Bidiphar

Công ty cổ phần Dược – Trang thiết bị Y tế Bình Định – Bidiphar (mã: DBD) đã trải qua cuộc họp ĐHCĐ căng thẳng với nhiều vấn đề bất ổn lộ diện, từ việc bầu cử HĐQT cho đến phương án đầu tư lô đất cho chi nhánh Hồ Chí Minh, phân phối lợi nhuận 2023 và kế hoạch 2024.

Cụ thể, năm 2024 là năm kết thúc nhiệm kỳ HĐQT và Bidiphar tiến hành bầu cử cho nhiệm kỳ mới 2024 – 2029 với 7 thành viên, trong đó ít nhất 2 thành viên độc lập.

Vào ngày 17/4, công ty đã công bố Nghị quyết HĐQT thông qua danh sách 7 ứng cử viên gồm ông Nguyễn Tiến Hải, bà Phạm Thị Thanh Hương, ông Trương Thanh Liêm, ông Nguyễn Ngọc Dũng, bà Nguyễn Thị Minh Giang, ông Phan Tấn Thư và ông Tạ Nam Bình. Trong đó, hầu hết là người cũ bầu lại, người mới gồm bà Nguyễn Thị Minh Giang – Giám đốc TIM Việt Nam JSC và ông Phan Tấn Thư – Tổng Giám đốc, Thành viên HĐQT Chứng khoán Bảo Minh.

Theo các cổ đông có mặt tại đại hội, cho đến 1 ngày trước khi đại hội diễn ra (26/4), danh sách ứng cử viên vẫn là 7 người. Tuy nhiên, vào ngày diễn ra đại hội (27/4), danh sách bầu cử chỉ 6 ứng viên. Người bị loại khỏi danh sách đột ngột là ông Tạ Nam Bình – vốn là Phó Chủ tịch HĐQT/ Thành viên độc lập không điều hành cho nhiệm kỳ trước. Việc này khiến bà Nguyễn Thị Minh Giang - đại diện cổ đông nước ngoài không đồng tình và yêu cầu đại hội dành nhiều thời gian xem xét, hoặc hoãn lại đến cuộc họp cổ đông gần nhất bởi các quyết định đưa ra đột ngột sẽ không có thời gian xem xét thấu đáo để đưa ra quyết định đúng đắn.

Ông Bình cho biết theo cuộc họp ngày 17/4 và 26/4, số phiếu HĐQT bỏ cho ông là 4/7. Song, HĐQT kết luận ông Bình không được bỏ cho bản thân nên là 3 phiếu bỏ và 3 phiếu đồng tình. Với trường hợp đều phiếu bầu, ông Nguyễn Tiến Hải dùng quyền Chủ tịch HĐQT phủ quyết việc tham gia HĐQT nhiệm kỳ 2024 – 2029 của ông Bình.

Sau những tranh luận và 2 lần kiểm đếm số phiếu biểu quyết, cổ đông đã phủ quyết việc giảm số lượng thành viên HĐQT từ 7 về 6 và ông Bình được đưa vào lại danh sách (nhờ sự ủng hộ của đại diện ủy quyền Quỹ đầu tư Bảo Việt). Đáng chú ý, kết quả cuối cùng, ông Tạ Nam Bình – người thiếu chút nữa bị loại lại trở thành Chủ tịch HĐQT công ty.

Một vấn đề khác cũng được trình tại đại hội chỉ sau cuộc họp HĐQT ngày 26/4 thông qua là tờ trình đầu tư lô đất cho chi nhánh Hồ Chí Minh. Tờ trình này không được công khai trước đó.

Ông Lê Trung Hậu – đại diện cổ đông vốn nhà nước nêu ý kiến việc triển khai thực thi chủ trương không phù hợp. Đây là một việc cụ thể, nên trách nhiệm của HĐQT và Ban điều hành cần tìm phương án giải quyết, không nên đưa ra ĐHCĐ bàn vì ĐHCĐ quyết định những vấn đề lớn.

“Vấn đề này cổ đông biết, cổ đông theo dõi và mong rằng trong thời gian sớm nhất HĐQT và Ban điều hành có phương án giải quyết, báo cáo lại trong ĐHCĐ gần nhất”, ông Hậu nói.

Ông Nguyễn Tiến Hải – cựu Chủ tịch Bidiphar chia sẻ đưa ra trong cuộc họp ĐHCĐ năm 2024 vì thông báo về đất nằm trong dự án quy hoạch được thông báo năm 2023. Đây là việc vượt qua thẩm quyền của HĐQT nên cần đưa ra ĐHCĐ.

Song, trước ý kiến của cổ đông nhà nước, Bidiphar đã bỏ qua vấn đề này chờ HĐQT trả lời sau.

Vào năm 2021, ban lãnh đạo cho biết công ty còn một số chi nhánh ngoài tỉnh chưa có văn phòng làm việc và đang thuê nhà để sử dụng. Công ty tiến hành đánh giá khả năng phát triển chung về doanh thu, thị trường… tại các chi nhánh và lên kế hoạch đầu tư nhà văn phòng/kho. Trong năm 2021, các chi nhánh Đà Nẵng, Tiền Giang (đã mua đất) dự trù tiến hành xây dựng nhà văn phòng và kho hàng. Riêng chi nhánh Hồ Chí Minh có văn phòng làm việc, tuy nhiên phải thuê kho cách khá xa nên trong năm cũng tiến hành mua đất mới và xây dựng.

Theo đó, công ty đưa ra hạng mục đầu tư mua đất, xây dựng văn phòng/kho các chi nhánh Đà Nẵng, Tiền Giang (xây nhà văn phòng, kho), chi nhánh Hồ Chí Minh (mua đất và xây nhà văn phòng/kho) khoảng 45 tỷ đồng. Thực tế, công ty đã chi 24,8 tỷ đồng trong năm 2021.

Cũng từ 2021, báo cáo tài chính của Bidiphar xuất hiện khoản chi phí xây dựng cơ bản dở dang 24,8 tỷ đồng cho văn phòng làm việc chi nhánh Hồ Chí Minh. Đến cuối năm 2022, hạng mục này tăng lên 24,9 tỷ đồng, tại kỳ BCTC gần nhất (quý I/2024) vẫn được duy trì.

Ngoài ra, trong khi các vấn đề khác đều nhận được sự đồng thuận 100% của cổ đông thì riêng tờ trình phương án phân phối lợi nhuận năm 2023 và kế hoạch năm 2024 chỉ được thông qua với tỷ lệ đồng thuận 85,53%, tỷ lệ không tán thành là 14,47%.

Năm nay, Bidiphar đề xuất chia cổ tức cổ phiếu tỷ lệ 25%. Đại diện cổ đông nhà nước cho biết lợi nhuận còn lại sau khi chia cổ tức khi xin ý kiến biểu quyết của UBND tỉnh căn cứ theo Nghị định 140 năm 2020 trong đó Chính phủ quy định các công ty có vốn nhà nước dưới 36% toàn bộ các lợi nhuận sau phải chia hết cổ tức không chuyển sang năm 2024.

Bà Phạm Thị Thanh Hương, Tổng Giám đốc lý giải quỹ vốn rất ít trong khi công ty có nhu cầu đầu tư rất lớn. Khi công ty phát triển bền vững thì cổ phiếu mới tăng. Do vậy, trả cổ tức bằng cổ phiếu để có lợi cho 2 bên.

Ngay sau đại hội, ngày 7/5, HĐQT công bố Nghị quyết HĐQT triển khai phương án phát hành 18,7 triệu cổ phiếu trả cổ tức cho cổ đông, tăng vốn lên 936 tỷ đồng.

Vào năm 2022, công ty đề xuất chia cổ tức cổ phiếu năm 2021 tỷ lệ 20% nhưng cổ đông nhà nước muốn tăng lên 30% và đề nghị nên chia 10% tiền mặt, 20% cổ phiếu. Sau đó, Bidiphar chốt nâng tỷ lệ 30% và chia hoàn toàn bằng cổ phiếu. Phương án được thông qua với tỷ lệ đồng thuận 78,71% và có 21,4% không tán thành.

Bidiphar là doanh nghiệp dược phẩm lớn tại Bình Định, vốn điều lệ gần 749 tỷ đồng. Công ty được hình thành từ 1976, lên sàn chứng khoán vào 2018. Theo số liệu công khai, cơ cấu cổ đông Bidiphar khá phân mảnh và chỉ có 2 cổ đông lớn. Đó là cổ đông nhà nước - Quỹ đầu tư phát triển tỉnh Bình Định sở hữu 13,34% vốn, nhà đầu tư nước ngoài KWE Beteiligungen AG (Thụy Sĩ) nắm giữ 7,29% vốn. KWE Beteiligungen AG thành cổ đông lớn Bidiphar từ đầu 2023 và đang miệt mài gom thêm.

Thùy Yên

https://nhadautu.vn/thay-gi-tu-ky-hop-dai-hoi-bat-on-cua-bidiphar-d85808.html