Sản lượng và lượng tiêu thụ nhựa toàn cầu đến năm 2040 sẽ tăng 70%, đòi hỏi các nước trên thế giới phải khẩn trương đạt được thỏa thuận giải quyết rác nhựa trước khi quá muộn.
Trong bối cảnh sản xuất và nhu cầu dùng nhựa ngày càng tăng, thế giới cần khẩn trương đạt được một thỏa thuận giải quyết rác nhựa - Ảnh: REUTERS
Phiên đàm phán thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) về rác nhựa đã kết thúc vào ngày 30-4 tại Ottawa (Canada) với dự thảo kỹ thuật mang tính bước ngoặt nhằm tiến tới một thỏa thuận quốc tế có tính ràng buộc pháp lý đối với vấn đề rác nhựa ở INC-5 tại Hàn Quốc vào cuối năm nay.
Nghiêm túc hơn với rác nhựa
INC-4 tại Canada là cuộc họp lớn nhất và toàn diện nhất của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC) cho đến nay, với sự tham gia của hơn 2.500 đại biểu là đại diện của 170 thành viên và hơn 480 các tổ chức quan sát quốc tế. Số quan sát viên trong phiên họp lần này cũng tăng gần 50%.
Ông Lê Ngọc Tuấn - vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài nguyên và Môi trường), trưởng đoàn đàm phán Việt Nam tại INC-4 - cho biết phiên bế mạc đã kéo dài hơn dự kiến. Lý do vì các bên cần thống nhất được chủ đề cho các thảo luận, nội dung kỹ thuật cho quá trình đàm phán lần tới tại Hàn Quốc nhằm đạt được thỏa thuận toàn cầu sắp tới khi còn quá nhiều cách hiểu khác nhau cần được thống nhất.
Các nước đã thảo luận về thỏa thuận nhằm chấm dứt ô nhiễm rác nhựa tại các phiên INC-1 tại Uruguay vào tháng 11-2022, phiên INC-2 tại Pháp vào tháng 5 và tháng 6-2023, phiên INC-3 tại Kenya vào tháng 11-2023, phiên INC-4 tại Canada. Phiên cuối cùng (INC-5) sẽ diễn ra tại Hàn Quốc vào tháng 11-2024 tới.
Tại INC-4, lần đầu tiên các nước bắt đầu đàm phán về nội dung của văn bản được cho là sẽ trở thành một thỏa thuận toàn cầu về rác nhựa. Các nước đã đồng ý sẽ tiếp tục làm việc về thỏa thuận này từ nay cho đến phiên INC-5.
Theo đó, sẽ có các công việc xen kẽ như nhiều cuộc họp giữa các chuyên gia diễn ra từ nay cho đến INC-5. "Chúng ta đang nỗ lực hướng tới một thế giới mà ở đó sẽ không còn rác nhựa ở bất cứ đâu trong hệ sinh thái. Ở đó có năng lượng, có ý chí và tôi biết chúng ta sẽ có một công cụ (thỏa thuận) vào cuối năm nay" - Hãng tin AP dẫn lời bà Jyoti Mathur-Filipp, thư ký điều hành của INC.
Sau khi INC-5 kết thúc, thỏa thuận đạt được có thể được thông qua trong năm 2025 tại một hội nghị ngoại giao.
Nguồn: Carmen Morales-Caselles và cộng sự. (2021) - Đồ họa: TUẤN ANH
Vấn đề tài chính
Nhật báo Deccan Herald (Ấn Độ) đưa tin các thảo luận tại Canada vừa qua cũng nhấn mạnh về hàng tỉ USD cần thiết để tài trợ cho các chính sách chống ô nhiễm và các giải pháp thay thế nhựa.
Để giải quyết vấn đề nhựa, Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP) ước tính cho đến năm 2040 thế giới sẽ cần khoảng 1,64 ngàn tỉ USD để thúc đẩy các chính sách mới, đồng thời tạo ra các hệ thống nhằm đo lường và giảm ô nhiễm.
"Với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam, một mặt chúng tôi mong muốn có thỏa thuận toàn cầu để giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa, thỏa thuận này cũng cần bao gồm cả trách nhiệm của các quốc gia phù hợp với trình độ và năng lực phát triển của họ", ông Tuấn nói.
"Việt Nam mong muốn có một sự cân bằng bởi bên cạnh những biện pháp kiểm soát, cũng phải tính tới phương pháp thực hiện bao gồm tài chính, công nghệ hay năng lực", ông Tuấn nhấn mạnh quan điểm của Việt Nam.
Trong khi đó, sản lượng nhựa toàn cầu đang trên đà tăng gấp ba vào năm 2060, khiến nhiệm vụ này trở nên cấp bách hơn. "Với số lượng nhựa đang được tạo ra, không ai đủ khả năng chi trả cho nó" - Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Global Alliance for Incinerator Alternatives, một liên minh tìm kiếm giải pháp thay thế cho phương pháp đốt rác, cho biết.
Các nước giàu muốn tài trợ cho những chương trình về nhựa thông qua Quỹ Môi trường toàn cầu của Liên Hiệp Quốc (GEF), trong khi các nước đang phát triển lo ngại khi phải dựa vào quỹ này, cho rằng nguồn vốn rất khó tiếp cận và có thể buộc các nước phải cạnh tranh với nhau.
Trưởng đoàn đàm phán của Fiji Sivendra Michael tại INC-4 cho rằng các cơ chế tài trợ cho các thỏa thuận môi trường đa phương đang không có hiệu quả với nước này. "Chúng ta cần thiết kế một gói tài trợ mới, toàn diện, đồng thời có nguồn tài chính đầy đủ, có thể dự đoán, bền vững và dài hạn", đại diện của Fiji nói.
Theo báo cáo năm 2021 của Tập đoàn Tài chính quốc tế (IFC) - thành viên của Ngân hàng Thế giới (World Bank), tại các nước đang phát triển, ngân sách ở các đô thị cần khoảng 40 tỉ USD để giải quyết vấn đề rác nhựa.
Đông Nam Á siết quy định nhập khẩu rác nhựa
Theo Đài CNN, thế giới thải ra khoảng 400 triệu tấn rác nhựa mỗi năm. Mỗi ngày có khoảng 2.000 xe tải đầy rác được đổ vào các đại dương, sông hồ.
Indonesia và một số nước Đông Nam Á đã thắt chặt quy định về nhập khẩu rác nhựa, nỗ lực tránh trở thành bãi rác nhựa cho các nước như Trung Quốc, Mỹ và châu Âu.
Indonesia sẽ chỉ cho phép các lô rác có thể được tái chế hoàn toàn, trong khi Thái Lan từ năm 2025 sẽ bắt đầu cấm toàn bộ các lô rác nhựa nhập khẩu.
Liên minh châu Âu cũng đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu rác nhựa đến các nước đang phát triển vào năm 2026. Nhưng trớ trêu là lệnh cấm này đã làm tăng lượng rác thải nhựa từ EU đến Đông Nam Á, khi các công ty châu Âu lo giải quyết rác trước thời hạn có hiệu lực của lệnh cấm đó.
NGHI VŨ
https://tuoitre.vn/the-gioi-som-luat-hoa-xa-rac-nhua-20240501231555596.htm