1. Tổng quan doanh nghiệp
Tổng công ty Khí Việt Nam - CTCP (GAS) là đơn vị thành viên thuộc Tập Đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam. GAS chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực thu gom, vận chuyển, lưu trữ, chế biến, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh khí và các sản phẩm khí. Công ty hiện đang vận hành 3 hệ thống đường ống khí Cửu Long, Nam Côn Sơn ở miền Đông Nam và PM3 ở vùng Tây Nam và 2 nhà máy chế biến khí là Dinh Cổ và Nam Côn Sơn ở khu vực Đông Nam và hệ thống Kho LPG rộng khắp cả nước. GAS có năng lực sản xuất 450.000 - 500.000 tấn LPG/năm và 70.000 tấn condensate/năm. Tổng Công ty giữ vị thế số 1 về cung cấp LPG với hơn 70% thị phần trên thị trường LPG Việt Nam.
2. Bức tranh doanh thu
Báo cáo tài chính quý 2/2024 ghi nhận doanh thu thuần của GAS đạt 30,052 tỷ đồng tăng 25% svck. Lãi gộp tăng mạnh, nhưng biến động ở các chỉ tiêu khác đã thu hẹp lợi nhuận của GAS. Trong đó, doanh thu tài chính đi lùi 26%, còn 445 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng mạnh lên 229 tỷ đồng, gấp 2.4 lần cùng kỳ, do lỗ chênh lệch tỷ giá. Ngoài ra, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng lên gần 1.2 ngàn tỷ đồng, tăng 286% so với cùng kỳ, chủ yếu do ghi nhận hơn 815 tỷ đồng chi phí dự phòng (cùng kỳ chỉ hơn 100 tỷ đồng).
Lũy kế 6 tháng, GAS báo doanh thu hơn 53 ngàn tỷ đồng, tăng trưởng 18%; lãi ròng hơn 5.8 ngàn tỷ đồng, thấp hơn cùng kỳ 10%. Giá dầu Brent bình quân 6 tháng là 84.09 USD/thùng, tăng khoảng 5% so với cùng kỳ, trong khi sản lượng khí khô giảm 16% kéo lùi lợi nhuận.
3. Cơ hội cho ông lớn ngành dầu khí?
Trong bối cảnh thị trưởng đang chưa ổn định, GAS đã làm yên lòng các NĐT với việc tăng mạnh cổ tức tiền mặt. Đại hội cổ đông đã thống nhất kế hoạch chi cổ tức tiền mặt 6,000 VND/cổ phiếu
(cao hơn 100% so với kỳ vọng của chúng tôi), tương đương với mức tỷ suất cổ tức đạt 7.44% so với mức giá đóng cửa 80,600 VND/cổ phiếu vào ngày 05/06/2024. Cho năm 2024, GAS đặt kế hoạch chi cổ tức tiền mặt 2,000 VND/cổ phiếu và tăng vốn điều lệ thêm 2% thông qua trả cổ tức bằng cổ phiếu
Với các tình hình địa chính trị đang căng thẳng tại Trung Đông, giá dầu có thể tiếp tục leo thang dù trong 6 tháng đầu năm, giá dầu Brent đã giảm từ mức cao nhất xuống 91 USD/ thùng. Dự phóng cuối năm 2024 và sang năm 2050, thị trường dầu thế giới nhìn chung sẽ cân bằng hơn ngay khi OPEC+ tiếp tục chính sách cắt giảm tự nguyện. Nguồn cung dầu thế giới dự kiến tăng 580,000 thùng/ngày trong năm nay lên mức kỷ lục 102,7 triệu thùng/ngày, với sản lượng ngoài OPEC+ tăng 1,4 triệu thùng/ngày trong khi sản lượng OPEC+ giảm 840,000 thùng/ngày.
GAS là công ty độc quyền cung cấp khí cho các nhà máy điện, ure và KCN. Lợi nhuận của nhóm vận chuyển phân phối dầu khí tại Việt Nam được tác động có phần khác nhau phụ thuộc vào sản phẩm vận chuyển và phân phối. Với nhóm dầu khí, lợi nhuận công ty đến từ phí vận chuyển khí và chênh lệch giá khí khô tiêu thụ và khí ẩm mua vào, hưởng lợi khi giá dầu tăng cao do giá khí có mức tương quan lớn với giá dầu Brent. Trong bối cảnh quý 2/2024 nhu cầu tăng trong khi nguồn cung dầu thắt chặt từ OPEC, giá khí vốn được neo theo giá dầu dự kiến sẽ tăng trong nửa sau năm nay. Triển vọng kinh doanh GAS hi vọng được phục hồi nhờ giá khí khô và LPG phục hồi trong năm 2024.
GAS còn được hưởng lợi từ dự án Lô B- Ô môn. Dự án Lô B- Ô Môn là một chuỗi sản xuất điện-khí lớn, dự kiến cung cấp 5,06 tỷ m3 khí tự nhiên mỗi năm trong thời gian 23 năm (dự kiến khai thác dòng khí đầu tiên vào năm 2026) và cung cấp cho tổ hợp 4 nhà máy điện khí (Ô Môn 1, 2, 3, 4) với tổng công suất 3,8 GW. Dự án bao gồm phần thượng nguồn (khai thác và xử lý khí Lô B), phần trung nguồn (đường ống dẫn khí vận chuyển khí) và phần hạ nguồn (4 nhà máy điện). Các chủ đầu tư chính của dự án bao gồm: PVN (thượng nguồn và các nhà máy điện Ô Môn 3 và 4 vừa được chuyển giao từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam), PVEP, MOECO, PTTEP (thượng nguồn), PV GAS (trung nguồn), Marubeni (nhà máy điện Ô Môn 2), và Tập đoàn Điện lực Genco 2 (Nhà máy điện Ô Môn 1).