Đặc biệt, quốc gia có gần 670.000 dân này luôn có GDP bình quân đầu người cao nhất thế giới 10 năm qua.
Mới đây, tạp chí Global Finance (trụ sở tại Mỹ) điểm qua các quốc gia, vùng lãnh thổ giàu nhất thế giới năm 2024 dựa trên GDP (PPP). Danh sách này có một số nước, vùng lãnh thổ như Macau (Trung Quốc), Singapore, Qatar, Thụy Sĩ…
Theo Global Finance , GDP đầu người theo sức mua tương đương (PPP - Đô la quốc tế hiện hành) của Luxembourg là 143.743, lớn nhất thế giới. Trong đó, Đô la quốc tế là một đơn vị tiền tệ giả định. Nó có sức mua ngang bằng sức mua của đô la Mỹ tại một thời điểm nhất định, là đô la Mỹ quy đổi theo tỷ giá hối đoái sức mua tương đương. Con số này cho thấy một đơn vị tiền tệ nội địa có giá trị quốc tế thế nào trong phạm vi biên giới của một quốc gia.
Trong đó, theo dữ liệu của Global Finance, GDP (PPP) của Việt Nam là 15.578 . Như vậy, về chỉ số này, Luxembourg gấp nước ta hơn 9 lần. Trong khi đó, diện tích Luxembourg là 2.586 km2, nhỏ hơn khá nhiều so với Hà Nội (3.324,92 km2)
“Bạn có thể ghé thăm Luxembourg để chiêm ngưỡng những lâu đài và vùng nông thôn xinh đẹp, những lễ hội văn hóa hoặc đặc sản ẩm thực”, tạp chí này mở đầu giới thiệu Luxembourg.
Luxembourg nằm ở trung tâm châu Âu, có gần 670.000 dân.
Luxembourg nằm ở trung tâm châu Âu, có gần 670.000 dân, có rất nhiều điều để khám phá, cho cả khách du lịch và người dân. Luxembourg sử dụng phần lớn tài sản để cung cấp nhà ở, dịch vụ chăm sóc sức khỏe và giáo dục cho người dân, những người cho đến nay được hưởng mức sống cao nhất trong khu vực đồng Euro.
Quốc gia này đã vượt qua đại dịch tốt hơn hầu hết các nước láng giềng châu Âu. Nền kinh tế của nước này phục hồi từ mức tăng trưởng -0,9% vào năm 2020 lên mức tăng trưởng hơn 7% vào năm 2021.
Tuy nhiên, do lãi suất cao, xung đột ở Ukraine và bối cảnh điều kiện kinh tế ở Eurozone suy thoái, sự phục hồi đó không kéo dài lâu: nền kinh tế chỉ tăng trưởng 1,3% vào năm 2022 và thậm chí giảm 1% vào năm 2023. Luxembourg được dự đoán sẽ tăng 1,2% trong năm nay.
Dù cho có nhiều biến động, Luxembourg vẫn đứng đầu, với hơn 100.000 USD, về GDP bình quân đầu người vào năm 2014.
Theo dữ liệu từ IMF, Luxembourg có dự trữ quốc tế vào khoảng 2,92 tỷ USD (năm 2021).
Luxembourg sử dụng phần lớn tài sản để cung cấp nhà ở, dịch vụ chăm sóc sức khỏe và giáo dục cho người dân.
Người dân Đại công quốc Luxembourg được hưởng mức sống cao nhất trong khu vực đồng Euro.
Đầu tư tư nhân tại Luxembourg bị chậm
“Hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ tài chính và bảo hiểm quan trọng đang suy yếu và các điều kiện tài chính thắt chặt đang làm chậm đầu tư tư nhân. Tiêu dùng trong nước sẽ duy trì vào năm 2023 và 2024, đồng thời xuất khẩu ròng và đầu tư phục hồi một phần sẽ thúc đẩy tăng trưởng vào năm 2024”, bài viết trên Thư viện của Tổ chức OECD nhận định về kinh tế Luxembourg.
Cũng theo bài viết này, rủi ro có xu hướng giảm do sự điều chỉnh thị trường nhà ở sắp xảy ra có thể có tác động lớn hơn dự kiến đối với tiêu dùng tư nhân. Thị trường nhà được cho là có tác động lớn đến giá cả và sự phát triển của thị trường tài chính.
Chính phủ nước này mặc dù có một số biện pháp mở rộng tài chính có thể đảm bảo duy trì mức tiêu thụ trong ngắn hạn, nhưng cần loại bỏ dần các hỗ trợ liên quan đến năng lượng và lập trường tài chính thắt chặt khi nền kinh tế phục hồi.
“Nhìn về phía trước, cải cách hệ thống lương hưu để đảm bảo tính bền vững tài chính lâu dài phải là ưu tiên hàng đầu. Cũng cần xem xét cải cách hệ thống chỉ số tiền lương để hạn chế chỉ số hóa đối với lạm phát giá phi năng lượng”, bài viết của OECD đánh giá.
Việt Nam - Luxembourg thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 15/11/1973. Tính đến tháng 3/2023, Luxembourg có 64 dự án đầu tư với tổng số vốn là 2,6 tỷ USD, đứng vị trí thứ 3/24 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu và đứng thứ 17/139 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Năm 2022, tổng trao đổi thương mại song phương giữa hai nước đạt 187,1 triệu USD, tăng 69% so với năm 2020 (xuất khẩu đạt 130,14 triệu USD và nhập khẩu đạt 56,96 triệu USD).
Theo Dy Khoa
Đời sống pháp luật