Việt Nam là một trong những nước thuận lợi để phát triển ngành tre công nghiệp với hơn 1,5 triệu ha rừng tre nguyên liệu chủ yếu tập trung ở khu vực miền núi phía Bắc Thanh Hóa, Nghệ An, Hòa Bình, Sơn La… Tuy nhiên, mặc dù đã bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam vào khoảng năm 2005, đến nay ngành sản xuất vật liệu tre công nghiệp ở Việt Nam vẫn còn rất nhỏ. Hiện tại, có 5 doanh nghiệp có thể sản xuất tấm tre ép công nghiệp, trong đó phần lớn là quy mô nhỏ. Chỉ một doanh nghiệp có công suất lớn trên 100.000 m3/năm có thể sản xuất được cả 2 dòng sản phẩm tre ghép thanh và tre ép khối là BWG Mai Châu. Phần lớn các doanh nghiệp này thực hiện toàn bộ công đoạn sản xuất ra sản phẩm cuối cùng, chứ không thực hiện theo chuỗi.
Tiến sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa, nhà sáng lập BWG Mai Châu, nhận định: “Tre công nghiệp ở Việt Nam được dự báo sẽ có những bước phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, khi chuỗi giá trị ngành tre được hình thành. Sự chuyển dịch của chuỗi cung ứng sang Việt Nam kết hợp với sự chuyển dịch mạnh mẽ của việc sử dụng vật liệu tre công nghiệp thay thế gỗ đã và đang tạo cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam. Với cơ sở vật chất hiện có, các doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam có thể sản xuất thêm hoặc chuyển dịch sang sản xuất các sản phẩm từ vật liệu tre theo yêu cầu của khách hàng một cách dễ dàng mà gần như không phải đầu tư thêm. Sự tham gia của các doanh nghiệp chế biến gỗ tại Việt Nam sẽ giúp hoàn thiện chuỗi giá trị phát triển bền vững cho ngành tre công nghiệp Việt Nam, đồng thời giúp hiện thực hóa tiềm năng giá trị nhiều tỉ đô của ngành tre Việt Nam.
Khi rừng ngày càng cạn kiệt thì việc tre ngày càng có tầm quan trọng. “Đó là một thứ cây có thể dùng vào vô vàn việc” – đại diện của tổ chức châu Âu về mây-tre INBAR (thuộc LHQ và châu Âu) tuyên bố. INBAR có dự án xây dựng những ngôi nhà tiền chế bằng tre, thích hợp với khí hậu châu Âu, giá khoảng 100 euro/m2. Những ngôi nhà như thế cũng rất thích hợp với các nước nghèo hay các nước đang phát triển, nơi tre mọc nhiều.
Năng suất của một rừng tre gấp 25 lần so với một khu rừng thông thường. Mỗi năm, một héc ta cho từ 22-44 tấn tre. Chỉ 3-5 năm sau khi trồng, tre đã có thể thu hoạch mà không cần phải trồng mới vì tự mọc lại liên tục.
Tre còn giữ đất khỏi bị xói mòn, hấp thu lượng khí CO2 nhiều gấp 4 lần so với một khu rừng mới, sản sinh lượng khí ôxy nhiều hơn 35%.
Tre ở thời điểm hiện tại chỉ là một vật liệu đầy hứa hẹn cho tương lai của ngành công nghiệp vật liệu. Các nhà nghiên cứu hiện đang tìm ra cách tối ưu hóa cây tre nhằm dùng nó để thay thế sắt thép, ống nhựa, sợi carbon nhân tạo. Không chỉ bảo vệ môi trường, góp phần hạ giá thành của các quy trình sản xuất, mà không một bộ phận nào của tre phải bỏ đi, khiến giá trị và tính sử dụng của nó vốn đã cao nay càng hữu ích hơn.
#BWG #BambooVietnam #SJF #HPG #SDA
https://kinhtemoitruong.vn/thep-xanh-vat-lieu-xay-dung-than-thien-voi-moi-truong-53670.html
Bwg.vn
https://nhipcaudautu.vn/kinh-doanh/cong-nghiep-thep-xanh-tu-cay-tre-3339668/