Thị trường châu Á bật tăng sau dữ liệu lạm phát tích cực của Mỹ

Giá chứng khoán và tiền tệ châu Á đều khởi sắc đi lên sau khi CPI tháng 4 của Mỹ tăng ít hơn so với dự báo. Đồng yen có lúc tăng 1% bất chấp dữ liệu GDP cho thấy nền kinh tế Nhật Bản đã sụt giảm trong quý I.

Bảng điện tử hiển thị chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản và chỉ số Dow tại một công ty chứng khoán ở Tokyo. (Ảnh: AP ).

Thị trường chứng khoán và tiền tệ châu Á bật tăng sau khi dữ liệu lạm phát mới nhất của Mỹ củng cố niềm hy vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ.

Chứng khoán Hàn Quốc, Trung Quốc đại lục và Australia cùng đi lên. Thị trường Hong Kong cũng tăng điểm khi mở cửa trở lại sau kỳ nghỉ lễ. Chứng khoán Nhật Bản để mất một phần mức tăng đạt được trong vài giờ giao dịch đầu tiên.

Bên cạnh đó, cổ phiếu của các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc cũng khởi sắc sau khi có tin Bắc Kinh cân nhắc giải cứu thị trường bất động sản bằng cách để chính quyền địa phương mua hàng triệu căn nhà.

Các hợp đồng tương lai của S&P 500 và Nasdaq 100 cũng tăng điểm sau khi hai chỉ số này lập đỉnh mới vào ngày 15/5. Chỉ số USD do Bloomberg tổng hợp rơi xuống mức thấp nhất trong vòng một tháng, đồng bạc xanh bị yếu đi so với mọi loại tiền tệ khác trong nhóm G-10.

Các đồng tiền châu Á được đà tăng giá, dẫn đầu bởi đồng won của Hàn Quốc. Đồng yen được giao dịch ở mức cao nhất trong hơn một tuần so với USD, đi lên 1% vào ngày 15/5. Các nhà đầu tư có vẻ không bị ảnh hưởng bởi dữ liệu GDP cho thấy nền kinh tế Nhật Bản đã sụt giảm trong quý I.

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đồng loạt giảm. Lợi suất kỳ hạn 10 năm và 2 năm lần lượt sụt 10 và 9 điểm cơ bản trong bối cảnh giới đầu tư khấp khởi kỳ vọng Fed sẽ sớm giảm lãi suất. Thị trường tương lai hiện dự đoán Fed sẽ giảm lãi suất hai lần trong năm 2024, cao hơn dự kiến trước đó một lần, tờ Bloomberg cho hay.

Ông Jun Rong Yeap, chuyên gia về thị trường tại IG Asia, bình luận: “Trước mắt, đà giảm của lợi suất và đồng USD sẽ được đón nhận nồng nhiệt bởi các thị trường tài sản rủi ro trong khu vực châu Á. Thông tin mới nhất về lạm phát tại Mỹ đã cho phép các nhà đầu tư lạc quan trở lại.

Báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 đang tạo điều kiện để Fed cân nhắc hạ lãi suất sớm hơn. Kỳ vọng của thị trường ngày càng nghiêng về kịch bản các quan chức bắt đầu nới lỏng từ tháng 9 năm nay”.

Không tính giá thực phẩm và năng lượng dễ biến động, CPI lõi đi lên 0,3% so với tháng trước, phù hợp với ước tính của các chuyên gia và chấm dứt chuỗi tăng vượt dự báo trong ba tháng liên tiếp. Khi so với cùng kỳ năm trước, CPI lõi đi lên 3,6% - đánh dấu mức tăng nhot nhất trong vòng ba năm qua.

Báo cáo lạm phát mới có thể đem lại cho các nhà hoạch định chính sách Mỹ niềm tin rằng lạm phát đang nối tiếp xu hướng hạ nhiệt, giúp mở đường cho các đợt cắt giảm lãi suất.

Dữ liệu doanh số bán lẻ được công bố riêng biệt báo hiệu nhu cầu tiêu dùng bền bỉ trong thời gian qua đang suy yếu.

Ông Jeffrey Schulze, trưởng phòng chiến lược kinh tế và thị trường tại ClearBridge Investments, nhận xét: “Nền kinh tế Mỹ đang trên đà hạ cánh mềm. Dữ liệu mới nhất sẽ hướng sự chú ý của mọi người vào câu hỏi ‘khi nào Fed hạ lãi suất trong năm 2024?’ thay vì ‘liệu Fed có hạ lãi suất hay không?’”

Báo cáo CPI tiếp theo sẽ được công bố vào 12/6, cùng ngày Fed họp để đưa ra quyết định chính sách.

Ông Neel Kashkari, Chủ tịch Fed chi nhánh Minneapolis, lặp lại rằng nhiều khả năng ngân hàng trung ương Mỹ cần phải duy trì lãi suất ở mức hiện tại “thêm một khoảng thời gian nữa”.

Giang

https://vietnambiz.vn/thi-truong-chau-a-bat-tang-sau-du-lieu-lam-phat-tich-cuc-cua-my-2024516111953970.htm