Thị trường chứng khoán trong nước tuần qua chỉ diễn ra 2 phiên giao dịch sau kỳ nghỉ lễ dài 30/4 - 1/5. Áp lực bán giảm đáng kể giúp chỉ số VN-Index tiếp tục duy trì đà tăng của tuần trước đó. Tuy nhiên, dòng tiền trên thị trường vẫn cho thấy sự thận trọng đáng kể khi thanh khoản chưa tăng trở lại mà vẫn giảm và ở mức thấp.
Thị trường chứng khoán trong nước chỉ giao dịch có 2 phiên sau tuần nghỉ lễ 30/4 - 1/5. Đà tăng của chỉ số VN-Index được duy trì so với tuần trước lễ, nhưng mức tăng không mạnh và chủ yếu là do bên bán đã giảm hoạt động. Thị trường chứng khoán chỉ có 2 phiên nên chưa thể so sánh mang tính bao quát và tương quan với các tuần bình thường, tuy nhiên, sự thận trọng vẫn hiện hữu khi thanh khoản còn ở mức thấp.
Trong tuần, chỉ số VN-Index có cả 2 phiên đều tăng điểm. Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, chỉ số VN-Index đạt mức 1.221,03 điểm, tăng +11,51 điểm, tương đương +0,95% so với cuối tuần trước. Như vậy, chỉ số VN-Index tiếp tục củng cố được mốc tâm lý quan trọng 1.200 điểm trong tuần.
Trên sàn Hà Nội, hai chỉ số chính cũng diễn biến tương tự khi đều duy trì đà tăng nhẹ so với tuần trước. Đóng cửa phiên cuối tuần, chỉ số HNX-Index đạt 228,22 điểm, tăng +0,62% và chỉ số UPCoM-Index đạt 89,78 điểm, tăng +1,15% so với phiên cuối cùng trước kỳ nghỉ.
Trên thị trường chứng khoán trong tuần, hầu hết các nhóm ngành đều tăng giá so với tuần trước đó, mặc dù mức tăng không lớn và biến động trong biên độ hẹp, phân hóa. Ngoại trừ nhóm cổ phiếu ngành dược phẩm và y tế giảm nhẹ, thì các ngành còn lại đều tăng, trong đó dẫn đầu là nhóm ngành dịch vụ tiêu dùng, công nghiệp, viễn thông, công nghệ thông tin…
Trong tuần, GVR (-2,0%); CTG (-1,2%) và LPB (-3,4%)… gây áp lực lên chỉ số chung. Ngược lại, VCB (+1,4%); TCB (+3,4%) và MSN (+3,9%)… là các nhân tố chính hỗ trợ lên đà tăng của thị trường.
Chẳng hạn như trong phiên cuối tuần, nhóm xuất khẩu đá, gỗ, hay điện có sự tăng trưởng về giá và nhận được thanh khoản tốt như: PTB (+6,6%), VCS (+3,67%), VSH (+2,94%), REE (+2,65%), PPC (+2,09%)... Nhóm cổ phiếu công nghệ, viễn thông bắt đầu có diễn biến phân hóa hơn, nhiều mã chịu áp lực điều chỉnh sau giai đoạn tăng giá mạnh như: VGI (-4,07%), CMG (-2,28%), FPT (-1,10%)... trong khi FOX (+9,68%), VTP (+2,34%), CTR (+1,96%)... vẫn tăng giá tích cực.
Các cổ phiếu ngân hàng tiếp tục phân hóa phiên cuối tuần cũng có diễn biến kém tích cực hơn thị trường chung, đa số biến động hẹp, chịu áp lực điều chỉnh, thanh khoản suy giảm dưới mức trung bình với VBB (-5,51%), LPB (-1,46%), VIB (-0,93%)... Bên cạnh đó, cũng có một số mã tăng giá khá tích cực như HDB (+3,38%), TCB (+2,88%), VAB (+2,30%)...
Các cổ phiếu nhóm dịch vụ tài chính, chứng khoán cũng có diễn biến kém tích cực, đa số biến động trong biên độ hẹp, thanh khoản suy giảm dưới mức trung bình trong bối cảnh thanh khoản thị trường đang ở mức thấp.
Nhóm cổ phiếu bất động sản cũng phân hóa mạnh, đa số chịu áp lực điều chỉnh, thanh khoản dưới mức trung bình như QCG (-4,66%), NVL (-2,34%), TDC (-1,69%), SJS (-1,30%)... Bên cạnh đó, nhóm này vẫn có một số mã tích cực khá nổi bật như: NLG (+3,95%), FIR (+3,08%), PDR (+2,67%), KDH (+2,57%)...
Thanh khoản bình quân thị trường chứng khoán tiếp tục xu hướng giảm so với tuần trước nghỉ lễ. Theo đó, tổng giá trị giao dịch bình quân toàn thị trường trong tuần chỉ đạt 17.498 tỷ đồng/phiên, giảm khoảng -2,4% so với con số 18.432 tỷ đồng tuần trước đó. Tính cụ thể trên từng sàn, thanh khoản bình quân phiên trên HOSE còn 15.675 tỷ đồng, giảm -2,5% so với tuần trước; trên HNX còn 1.215 tỷ đồng/phiên, giảm -6,7% so với tuần trước; trong khi đó, thanh khoản tăng trên UPCoM với 609 tỷ đồng/phiên, tăng +15,4% so với tuần trước.
Khối ngoại mặc dù mua ròng trở lại trong phiên cuối tuần, nhưng tính chung cả tuần vẫn bán ròng -378 tỷ đồng trên toàn thị trường. Tính riêng từng sàn, khối ngoại bán ròng -313 tỷ đồng trên HOSE, mua ròng nhẹ +11 đồng trên HNX, và bán ròng -76 tỷ đồng trên UPCoM. Lũy kế tính từ đầu năm, khối ngoại đã bán ròng khoảng 17.244 tỷ đồng trên toàn thị trường.
Thị trường chứng khoán trong nước tuần qua đón nhận chủ yếu là thông tin tích cực. Ở trên thế giới, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã chính thức giữ nguyên lãi suất trong kỳ họp đầu tháng 5 và cũng đã bác bỏ khả năng tăng lãi suất trong tháng 6 tới.
"Thị trường có thể đang trong vùng tích lũy nên chưa thể dự báo chính xác hơn về xu hướng ngắn hạn. Thị trường tuần tới nhiều khả năng sẽ kiểm định vùng cản trung hạn ở 1.250 điểm và sau đó sự vận động của chỉ số ở khu vực này sẽ có tín hiệu rõ hơn về xu hướng. Thị trường vẫn vài nhịp biến động mạnh hơn để kích thích dòng tiền trở lại."
Ở trong nước, số liệu kinh tế vĩ mô cho thấy sự tích cực hơn, như CPI tháng 4/2024 tăng 0,07% theo tháng, tăng 1,19% so với cuối năm trước và tăng 4,4% so với cùng kỳ. Thông tin được cho là quan trọng với thị trường là tình hình sản xuất của Việt Nam hồi trở lại khi chỉ số PMI đã tăng trở lại lên trên ngưỡng 50 điểm trong tháng 4, ở mức 50,3 điểm.
Bên cạnh đó, trong tháng 4, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) ước tính tăng 0,8% so với tháng trước và tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 61,20 tỷ USD, giảm 5,2% so với tháng trước và tăng 15% so với cùng kỳ năm trước….
Thị trường chứng khoán trong nước đang cho thấy nỗ lực phục hồi, tuy nhiên lực hồi đó chưa mạnh. Tâm lý nhà đầu tư còn khá thận trọng khi thanh khoản vẫn duy trì ở mức thấp. Thị trường vẫn đang trong 2 luồng quan điểm rằng: có thể đã xác lập vùng đáy ngắn hạn và hồi phục dần; chỉ là nhịp hồi kỹ thuật, thị trường cần củng cố vùng đáy và xác định vùng cân bằng mới. Với những biểu hiện như hiện tại về điểm số và thanh khoản, xu hướng hồi phục trung hạn của thị trường chứng khoán trong nước vẫn chưa thể chắc chắn.
Thị trường có thể đang trong vùng tích lũy nên chưa thể dự báo chính xác hơn về xu hướng ngắn hạn. Thị trường tuần tới nhiều khả năng sẽ kiểm định vùng cản trung hạn ở 1.250 điểm và sau đó sự vận động của chỉ số ở khu vực này sẽ có tín hiệu rõ hơn về xu hướng.
Thị trường vẫn cần một vài nhịp biến động mạnh hơn để kích thích dòng tiền trở lại. Do vậy, trong bối cảnh thị trường chưa rõ ràng, sự thận trọng vẫn nên được ưu tiên. Cũng không loại trừ quan điểm, nhiều mã đã về mức hấp dẫn và có thể mua gom, nhưng quản trị an toàn danh mục nên là ưu tiên hàng đầu./.
Thái Duy