Thị trường mì ăn liền dự báo đạt gần 100 tỷ USD vào năm 2032

Quy mô thị trường mì ăn liền toàn cầu được định giá ở mức gần 58 tỷ USD vào năm 2023 và dự kiến đạt hơn 98 tỷ USD trong vòng 8 năm tới.

Việt Nam luôn được xếp vào top 3 quốc gia có tổng sản lượng tiêu thụ mỳ ăn liền nhiều nhất thế giới. Ảnh: Văn Nguyễn .

Theo báo cáo mới nhất của Fortune Business Insights, quy mô thị trường mì ăn liền toàn cầu được định giá ở mức gần 58 tỷ USD vào năm 2023 và dự kiến tăng lên hơn 61 tỷ USD vào năm nay. Dự kiến đến năm 2032, quy mô thị trường này sẽ đạt hơn 98 tỷ USD .

Riêng thị trường Châu Á - Thái Bình Dương, quy mô thị trường mì ăn liền ước đạt 49,54 tỷ USD vào năm 2023. Sự tăng trưởng này là nhờ nhu cầu tiêu thụ khổng lồ và thu nhập ngày càng tăng của người dân.

Báo cáo cho biết người tiêu dùng trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương sẵn sàng chi nhiều hơn cho thực phẩm tiện lợi để tránh mất nhiều thời gian cho việc nấu nướng. "Mì ăn liền là một trong những thực phẩm tiện lợi được tiêu thụ nhiều nhất của người dân tại thị trường này, đặc biệt ở các nước đông dân như Trung Quốc, Indonesia và Ấn Độ", báo cáo chỉ rõ.

Việt Nam cũng là một trong những quốc gia tiêu thụ mì ăn liên hàng đầu thế giới. Theo số liệu của Hiệp hội mì ăn liền Thế giới (WINA), trong năm 2022, thị trường Việt Nam đã tiêu thụ khoảng 8,48 tỷ gói mì ăn liền, tiếp tục đứng thứ 3 sau Trung Quốc/Hong Kong (45,07 tỷ gói) và Indonesia (14,26 tỷ gói).

Tại Việt Nam, hiện có khoảng 50 công ty sản xuất mì ăn liền, bao gồm cả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Tuy nhiên, đa số thị phần lại nằm trong tay số ít doanh nghiệp, gồm CTCP Acecook Việt Nam; Tập đoàn Masan; CTCP Thực phẩm Á Châu (Asiafoods).

Các sản phẩm mì ăn liền cũng được phân loại rõ rệt với các phân khúc bình dân có giá dao động khoảng 1.500-3.000 đồng/gói; phân khúc trung cấp với giá 3.500-5.000 đồng/gói và phân khúc cao cấp với giá từ 7.000 đồng/gói trở lên. Tuy vậy, phần lớn thị phần vẫn tập trung ở phân khúc bình dân.

Doanh nghiệp sản xuất mì ăn liền liên tục ra mắt nhiều sản phẩm mới để đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng Việt Nam. Ảnh: Acecook.

Hiện, Acecook cùng thương hiệu mì Hảo Hảo đang là nhà sản xuất chiếm thị phần lớn nhất. Đến nay, bình quân doanh nghiệp này cung ứng ra thị trường khoảng 3 tỷ gói mì mỗi năm và xếp hạng cao nhất về thị phần doanh thu và sản lượng của ngành sợi ăn liền (10/2022-9/2023).

Trong năm 2024, các "ông lớn" sản xuất mì gói cũng đặt ra nhiều tham vọng và kế hoạch kinh doanh mới. Với Acecook, doanh nghiệp cho biết tiếp tục nâng cao chất lượng và đa dạng hóa danh mục sản phẩm với mục tiêu mở rộng thị trường tại Việt Nam.

Theo đó, doanh nghiệp cũng vừa ra mắt sản phẩm mì Hảo Hảo BIG 100g có khối lượng tăng hơn 30%, giá bán lẻ 6.000 đồng/gói với mục đích đáp ứng nhu cầu ăn no, đặc biệt vào bữa chính của người tiêu dùng.

"Nhiều người dùng được khảo sát cho rằng ăn một gói mì 75g chưa đủ no còn 2 gói thì quá no. Đây là lý do cho doanh nghiệp ra mắt sản phẩm với trọng lượng 100g", đại diện Acecook Việt Nam cho biết.

Cùng với việc đa dạng hóa danh mục sản phẩm, doanh nghiệp cũng đẩy mạnh mở rộng quy mô. Hồi tháng 3, doanh nghiệp đã động thổ dự án nhà máy sản xuất các sản phẩm ăn liền có quy mô đầu tư lớn, lên đến 200 triệu USD ở khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long trên diện tích 11 ha.

Trước khi khởi công nhà máy mới tại Vĩnh Long, Acecook Việt Nam sở hữu 11 nhà máy trên toàn Việt Nam, với tổng sản lượng phục vụ mỗi năm cho người tiêu dùng hơn 3,4 tỷ sản phẩm, có hơn 6.000 lao động.

Còn với Masan - chủ thương hiệu mì gói Omachi, Kokomi..., doanh nghiệp này đặt mục tiêu mở rộng thị trường từ 1 tỷ USD của ngành hàng mì ăn lên 17 tỷ USD của ngành hàng thay thế bữa ăn tại nhà. Cùng với việc ra mắt sản phẩm lẩu tự sôi năm ngoái, Masan cũng ra mắt sản phẩm cơm tự chín năm nay.

Thanh Thương

https://znews.vn/thi-truong-mi-an-lien-du-bao-dat-gan-100-ty-usd-vao-nam-2032-post1476015.html