Thiên kiến xác nhận đã huỷ hoại thành quả của chúng ta như thế nào?

Thiên kiến xác nhận-Confirmation Bias
Thiên kiến xác nhận (Confirmation Bias) là một thuật ngữ trong lĩnh vực tâm lý học nhận thức. Nó mô tả việc con người có khuynh hướng ủng hộ, thiên vị những thông tin nào xác nhận những niềm tin và thành kiến cố hữu trong đầu họ.

Ví dụ, hãy tưởng tượng một người tin rằng người thuận tay trái sáng tạo hơn người thuận tay phải. Bất cứ khi nào người này gặp ai đó vừa thuận tay trái vừa có óc sáng tạo thì họ đặt chú trọng vào “chứng cứ” ủng hộ niềm tin vốn có này của họ hơn. Những người này thậm chí còn tìm thêm “bằng chứng” để củng cố niềm tin này trong khi không ngó ngàng đến những ví dụ không ủng hộ hay phản bác lại ý tưởng này.
Thiên kiến xác nhận tác động lên cách ta thu thập thông tin nhưng hiện tượng này cũng tác động lên chính cách ta phiên giải và nhớ lại thông tin đã có. Ví dụ, người nào ủng hộ một vấn đề cụ thể nào đó sẽ không chỉ tìm những thông tin ủng hộ nó mà còn phiên giải những câu chuyện mới theo hướng ủng hộ những ý tưởng sẵn có. Họ cũng sẽ nhớ một cách có chọn lọc những chi tiết nào củng cố những thái độ này.
Con người biểu hiện thiên kiến hoặc định kiến này khi họ thu thập hoặc ghi nhớ thông tin một cách có chọn lọc theo ý riêng của mình, hay khi họ diễn giải nó một cách thiên vị, thường đi kèm với sự từ chối xem xét các góc nhìn khác.
:bell: Đặc điểm của thiên kiến xác nhận trong đầu tư
Khi nghiên cứu một khoản đầu tư, ai đó có thể vô tình tìm kiếm thông tin hỗ trợ cho niềm tin của mình về khoản đầu tư đó nhưng lại không thấy thông tin thể hiện các thông tin trái ngược.
Tức là chúng ta đi tìm nhiều hơn những thông tin khẳng định quan điểm của chúng ta thay vì tìm những thông tin phủ nhận chúng.
Charlie Munger, đồng sự lâu năm của huyền thoại đầu tư Warren Buffet, đã thể hiện rất rõ điều này trong câu nói lỗi lạc của mình:

“Thật sự đáng ngạc nhiên khi những người có lợi thế lâu dài như chúng tôi đạt được điều này bằng cách tránh đưa ra những quyết định ngu xuẩn, thay vì mải mê tìm kiếm những quyết định khôn ngoan”

Khi bạn cảm thấy thích và tự cho rằng một doanh nghiệp nào đó tốt từ một cái nhìn phiến diện, chủ quan nào đó thì bạn sẽ tìm hiểu thêm thông tin về công ty đó. Hoạt động tìm kiếm thêm thông tin này tưởng chừng rất khách quan nhưng bạn sẽ thường xem nhẹ (bỏ qua) những thông tin cho rằng doanh nghiệp này không thực sự tốt. Bạn sẽ xem trọng (ghi nhớ) những thông tin củng cố ý kiến ban đầu của bạn là doanh nghiệp này tốt.
Điều này hình thành nên một sự nhận thức rất chủ quan và khiến chúng ta rất dễ mắc sai lầm. Chúng ta thấy doanh nghiệp này có doanh thu, lợi nhuận tốt nhưng không quan tâm đến những thông tin xấu như ban lãnh đạo giao dịch nội bộ, thao túng giá, gian lận báo cáo tài chính,… từ đó ta đưa ra quyết định thiếu khách quan và phi lý trí.
:bell: Ví dụ: trong giai đoạn đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Chính phủ nhiều quốc gia ban hành nhiều biện pháp giãn cách xã hội, lĩnh vực hàng không bị ảnh hưởng nặng nề. Một nhà đầu tư A đã từng sử dụng dịch vụ của hãng hàng không X nọ và anh có một trải nghiệm rất tốt chưa kể qua các quảng cáo của công ty anh cũng cảm thấy đây là một doanh nghiệp tốt. Khi thị trường trong giai đoạn điều chỉnh, đa số cổ phiếu đã tăng rất nóng, “món ăn trên mâm” ít dần đi. Anh chợt nhớ đến cổ phiếu X này. Lang thang trên những hội nhóm anh đọc được rất nhiều bình luận tích cực về việc nhiều cổ phiếu hàng không đã tạo đáy, ngành hàng không đang hồi phục dần và cả những nhận định tích cực về cổ phiếu trên. Doanh nghiệp X tuy gặp một số khó khăn nhưng vẫn “sống” rất ổn với cấu trúc tài chính khỏe mạnh, nguồn tiền mặt dồi dào và hứa hẹn việc tăng trưởng bứt phá trong tương lai khi dịch bệnh được kiểm soát.
Anh quyết định giải ngân mà phớt lờ yếu tố dịch bệnh còn đang hết sức phức tạp và cả những thông tin xung quanh doanh doanh nghiệp.
Sau hơn 1 năm nắm giữ anh bắt đầu mất kiên nhẫn về cổ phiếu X khi mà yếu tố vĩ mô vẫn xấu, dịch bệnh vẫn căng thẳng. Tâm lý anh lung lay và anh bắt đầu nghi ngờ quyết định đầu tư của bản thân, trong đầu anh bắt đầu có những suy nghĩ tiêu cực về cổ phiếu này. Anh lại lên mạng tìm kiếm thông tin và anh đọc được rất nhiều ý kiến tiêu cực về vĩ mô, về ngành hàng không và về cả doanh nghiệp mà anh nắm giữ. Anh vội vã bán cổ phiếu và lỗ một khoản khá lớn.
Sau khi anh bán không lâu thì ngành hàng không hồi phục và giá cổ phiếu X đã tăng mạnh mẽ.
Một thời gian dài sau anh có việc cần tìm hiểu ngành hàng không và anh chợt nhận ra là những thông tin, những bài báo, quan điểm cả tích cực và tiêu cực đều đã ở đó cùng nhau, tồn tại song hành với nhau. Nhưng ở một thời điểm nào đó qua lăng kính phiến diện anh chỉ nhìn thấy được thứ anh muốn thấy. Khoan nói về quyết định mua bán của anh là đúng hay sai. Hãy giả định nếu ngay từ thời điểm ban đầu nhà đầu tư này đã xem xét hết thảy tất cả yếu tố tích cực cũng như tất cả yếu tố tiêu cực về doanh nghiệp và cân nhắc kỹ càng thì liệu anh ta còn đưa ra quyết định đầu tư như trên hay không.
:bell: Một ví dụ khác
Giả sử một nhà đầu tư nghe tin đồn rằng công ty mà anh đang nắm giữ đang trên bờ vực phá sản. Dựa trên thông tin này, nhà đầu tư xem xét bán cổ phiếu.
Khi họ lên mạng để đọc những tin tức mới nhất về công ty, họ chỉ đọc những câu chuyện xác nhận kịch bản phá sản có khả năng xảy ra và đã bỏ lỡ câu chuyện về một sản phẩm mới mà công ty vừa tung ra dự kiến sẽ hoạt động tốt và giúp tăng doanh số vực dậy được cả công ty.
Thay vì nắm giữ cổ phiếu, nhà đầu tư bán nó với mức lỗ đáng kể ngay trước khi cổ phiếu quay đầu và tăng giá.
Ví dụ này có lẽ đã mô tả đúng tình trạng của nhiều cổ đông đã nắm giữ cổ phiếu Apple (giai đoạn 1985-1997). Mọi người có thể tìm hiểu cụ thể hơn về câu chuyện của Apple tại:
Trang thông tin, đầu tư, tài chính cá nhân và tiêu dùng - NDH.vn
Khi quyết định đầu tư vào doanh nghiệp hãy xem xét tất và các yếu tố của doanh nghiệp. Tránh cái nhìn qua lăng kính thiên vị một lớp thông tin nào đó và xem nhẹ những thông tin còn lại.
:bell: Hạn chế Thiên kiến xác nhận.

:point_right: Suy nghĩ khách quan, cẩn trọng:
Trước mỗi khoản đầu tư ta cần sự phân tích cẩn trọng về tất cả các yếu tố liên quan đến doanh nghiệp; tránh bỏ sót thông tin; tránh đề cao thông tin nào đó và xem nhẹ thông tin còn lại.
:point_right: Tìm kiếm những lời khuyên trái ngược:
Khi bạn đã thu thập thông tin hỗ trợ ý kiến và niềm tin của mình về một khoản đầu tư cụ thể. Bước tiếp theo là bạn nên tìm kiếm những ý kiến trái ngược khác để thách thức quan điểm của bản thân. Tư duy cởi mở để đón nhận các ý kiến trái chiều một cách tích cực. Bạn phải đưa ra những ý kiến khách quan, lý trí để phủ nhận chúng thay vì phớt lờ chúng.
:point_right: Tránh các câu hỏi xác nhận:
Bạn không nên đặt những câu hỏi xác nhận ý kiến của mình như: Cổ phiếu này có tốt không? Cổ phiếu này đang rất có tiềm năng nhỉ? Thị trường đang tăng trưởng rất tốt đúng không?
Thay vào đó, hãy đặt những câu hỏi mang tính phủ nhận ý kiến của bạn như: Cổ phiếu này có vấn đề xấu nào không? Hay đặt những câu hỏi mà không đưa vào đó quan điểm nào cả như: Anh thấy sao về cổ phiếu này?
Cuối cùng, bạn không thể hoàn toàn khắc phục được thiên kiến xác nhận đôi khi không phải vì bạn không muốn mà bởi vì bạn không thể. Tất cả những gì ta thấy chỉ là những điều ta có thể thấy, chưa phải là toàn bộ câu chuyện. Có những bằng chứng bác bỏ ý kiến của chúng ta nhưng chúng ta không thể tìm thấy chúng được. Xin trích một nội dung nhỏ trong cuốn “Black Swan” của tác giả Nassim Taleb như sau:

Diagoras, một người không tin vào các vị thần, đã được cho thấy những tranh vẽ chân dung của một số tín đồ đã cầu nguyện, nhờ đó mà may mắn sống sót sau một vụ đắm tàu xảy ra sau đó. Bài học ở đây là niềm tin vào các vị thần với lời cầu nguyện thành tâm sẽ cứu bạn khỏi cái chết.

Diagoras, với sự sâu sắc của mình, hỏi rằng:

“Thế thì bức tranh của những người cầu nguyện, rồi sau đó vẫn chết đuối ở đâu?”

Những tín đồ cầu nguyện nhưng vẫn chết đuối là những bằng chứng câm lặng, một khái niệm rất quan trọng trong “Thiên Nga Đen”. Nói một cách đơn giản, bản chất con người muốn thấy những bằng chứng củng cố một giả thuyết mà ta tin tưởng, nhưng lại không hề thấy, và quan trọng nhất là không thể tìm thấy nó, những bằng chứng phủ nhận giả thuyết đó.
Qua bài viết trên chúng tôi không đặt tham vọng có thể thay đổi được tư duy của bạn hay có thể giúp bạn hoàn toàn vượt qua được thiên kiến xác nhận. Nhưng chúng tôi mong rằng qua bài viết này bạn nhận ra được thiên kiến xác nhận đang chi phối tư duy và hành động của chúng ta. Một lúc nào đó, khi đứng trước các quyết định quan trọng, xin hãy nhớ câu nói của ngài Charlie Munger - tránh đưa ra quyết định ngu xuẩn thay vì mải mê vắt óc suy nghĩ các bước đi thông minh.
Chúc mọi người đầu tư thành công.
Nguồn tham khảo: wikipedia, Gerard Do, Black Swan - Nassim Taleb, Investopedia

dài quá

1 Likes

Long mà bác :laughing: