Hieu la giau
Sẽ có nạn đói, nếu…
Trong bài phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế thế giới ở Davos tuần trước, Tổng thống Zelensky cáo buộc các lực lượng Nga đang ngăn chặn Ukraine xuất khẩu 22 triệu tấn thực phẩm bao gồm “ngũ cốc, lúa mạch, hướng dương và hơn thế nữa”.
Ông Zelensky kết luận rằng nếu Ukraine không thể xuất khẩu ngũ cốc trong những tháng tới và nếu không đạt được các thỏa thuận chính trị với Nga thông qua trung gian, thế giới sẽ xảy ra nạn đói.
Theo Tổ chức Nông lương (FAO) thuộc Liên Hiệp Quốc, trước khi đại dịch COVID-19 bắt đầu, nạn đói và tình trạng mất an ninh lương thực đã gia tăng trên thế giới. Năm 2020, số người không được tiếp cận với thực phẩm đầy đủ đã tăng thêm 320 triệu người lên 2,37 tỉ người.
Chiến tranh nổ ra ở Ukraine và các lệnh trừng phạt kinh tế lẫn nhau giữa các bên liên quan đã khiến tình trạng thiếu hụt lương thực thêm xấu đi. Xung đột Nga - Ukraine đã gây ra một hiệu ứng lan rộng trên toàn cầu, làm gián đoạn chuỗi cung ứng và góp phần làm tăng giá nhiên liệu cũng như khan hiếm ngũ cốc và phân bón.
FAO ước tính rằng một phần ba cây trồng và đất nông nghiệp của Ukraine có thể không được thu hoạch hoặc canh tác vào năm 2022, kết hợp với tình trạng thiếu phân bón từ Nga có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt lương thực và ảnh hưởng đến nạn đói vào cuối năm nay và năm sau.
Trong hai ngày 30 và 31-5, lãnh đạo 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) tham dự một hội nghị thượng đỉnh bất thường tại Brussels (Bỉ) với mục đích chính là để thống nhất việc thực hiện gói trừng phạt thứ 6 đối với Nga kể từ khi nước này bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Tuy một số nước như Hungary, Bulgaria, Slovakia, Czech… than phiền thời hạn loại bỏ dần dầu thô của Nga trong vòng 6 tháng và các sản phẩm dầu tinh chế trong vòng 9 tháng không đủ cho họ tìm ra những nguồn năng lượng thay thế, nhưng hẳn là Brussels sẽ có giải pháp thỏa đáng để đạt được sự nhất trí của 27 nước hòng tăng thêm áp lực lên phía Nga.
Chí ít thì động thái nêu “vũ khí lương thực” để đổi lại nới lỏng một số lệnh cấm vận của ông Putin trong cuộc điện đàm với lãnh đạo Pháp, Đức cho thấy gói trừng phạt của phương Tây lên Matxcơva đã phần nào phát huy được tác dụng.
Hieu kg
Xuất sắc!
Nguy cơ khủng hoảng lương thực tại nhiều nơi trên thế giới do Nga phong tỏa các hải cảng của Ukraina ngày càng lộ rõ. Đích thân tổng thống Pháp và thủ tướng Đức đã nêu vấn đề này với nguyên thủ Nga Vladimir Putin trong cuộc điện đàm ngày 28/05/2022, và phản ứng của Matxcơva rất rõ ràng : “Sẵn sàng” giúp tái lập việc xuất khẩu ngũ cốc, nhưng phương Tây phải gỡ bỏ trừng phạt nhắm vào Nga.
Đối với giới phân tích, đây là thêm một dấu hiệu cho thấy Matxcơva đang tiếp tục chiến lược sử dụng vũ khí lương thực để chống lại phương Tây. Theo hầu hết các nhà quan sát, trước mắt Nga là nước thắng lớn trong cuộc khủng hoảng lương thực mà Matxcơva đã góp phần gây ra với cuộc xâm lược Ukraina. Các cuộc giao tranh đã khiến cho các cảng ở Biển Đen, đầu mối chính xuất khẩu ngũ cốc Ukraina, bị phong tỏa, đẩy giá các mặt hàng này tăng vọt.
Một ví dụ điển hình là giá lúa mì trên thế giới đã vượt mức 400 euro/tấn trên thị trường Paris, trong khi trước chiến tranh, giá này chỉ dao động quanh mức 280 euro. Theo nhật báo kinh tế Pháp Les Echos, trong bối cảnh Nga, một nhà sản xuất lớn trên thế giới vẫn tiếp tục xuất khẩu, sản phẩm của họ đã được giá cao, mang về cho Matxcơva một nguồn lợi tức quan trọng. Theo dữ liệu của hãng SovEcon, chuyên nghiên cứu thị trường nông nghiệp vùng Hắc Hải, Matxcơva đã thu về 1,9 tỷ đô la kể từ tháng 9/2021, chỉ riêng nhờ thuế xuất khẩu.
Không chỉ thế, cuộc chiến Ukraina đã cho phép Matxcơva gạt bỏ được Ukraina, đối thủ chính của Nga trên thị trường nông sản quốc tế, khi những biện pháp phong tỏa của Nga trên Biển Đen đã chặn đứng đường xuất khẩu chủ yếu của Ukraina.
Phương Tây và chính quyền Kiev đang cố gắng tìm cách đưa được 10 triệu tấn ngũ cốc ra khỏi Ukraina. Tuy nhiên, do hệ thống cơ sở hạ tầng đường sắt hoặc đường bộ đang yếu kém, lại có khác biệt lớn về khổ đường ray ở Ukraina, kế thừa từ thời Liên Xô, và ở Ba Lan, nên vận chuyển lương thực qua ngả đường bộ không phải là giải pháp tốt.
Khả năng dùng võ lực để phá phong tỏa trên biển của Nga cũng được gợi lên, nhưng hiện chưa có nước phương Tây nào dám thúc đẩy, cho dù trên trường quốc tế, Nga hiện bị coi là thủ phạm chính của tình trạng hỗn loạn lương thực hiện nay.
Hôm thứ Hai 23/05, tại Diễn Dàn Kinh Tế Thế Giới Davos, ông David Beasley, người đứng đầu Chương Trình Lương Thực Thế Giới, cho rằng : “Việc không mở lại các cảng là một lời tuyên chiến với an ninh lương thực toàn cầu.” Đây cũng là quan điểm của bà Ursula von der Leyen, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, khi bà cáo buộc Putin sử dụng “nạn đói và ngũ cốc để thực thi quyền lực của mình”.
Phía Nga dĩ nhiên đã bác bỏ các cáo buộc trên. Theo Điện Kremlin, “những nỗ lực buộc Nga phải chịu trách nhiệm về những khó khăn trong việc đưa nông sản phẩm đến các thị trường thế giới đều không có căn cứ”.
Về phần mình, tổng thống Nga Vladimir Putin đã đổ lỗi cho “các lệnh trừng phạt Nga của Hoa Kỳ và châu Âu” là nguyên nhân gây ra khủng hoảng lương thực. Trả lời tổng thống Pháp Emmanuel Macron và thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm 28/05, ông không hề thay đổi thái độ khi cho rằng “Nga sẵn sàng giúp tìm ra các phương án cho việc xuất khẩu ngũ cốc không bị cản trở, bao gồm cả ngũ cốc của Ukraina từ các cảng trên Biển Đen”, nhưng phương Tây “hiển nhiên là phải chấm dứt các biện pháp trừng phạt” nhắm vào Matxcơva.
Nga như vậy đã mặc nhiên công nhận là họ sử dụng lương thực làm đòn bẩy địa chính trị. Trên báo Pháp Les Echos, Tim Benton, giám đốc nghiên cứu của viện Chatham House tại Luân Đôn đã nói thẳng: “Đó là sử dụng thực phẩm như một vũ khí chiến tranh”.
Hieu kg
Ukraine tố Nga chặn xuất khẩu 22 triệu tấn ngũ cốc
Tổng thống Zelensky cho biết Nga đang phong tỏa các cảng biển của Ukraine khiến nước này không thể xuất khẩu 22 triệu tấn ngũ cốc trong kho.
“Nga đang phong tỏa các cảng của chúng tôi ở Biển Đen và kiểm soát các khu vực ven biển Azov, do đó chúng tôi không thể xuất khẩu 22 triệu tấn ngũ cốc trong kho”, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 30/5 cho biết.
Ông Zelensky nói số ngũ cốc trên dự kiến được xuất khẩu ra thế giới, song “Nga phong tỏa hàng hóa xuất khẩu của chúng tôi làm mất ổn định tình hình trên quy mô toàn cầu”. Ông cáo buộc Nga “làm thực phẩm trở nên đắt đỏ tại nhiều nước”, nguy cơ dẫn đến nạn đói và khủng hoảng di cư.
“Họ cố tình tạo ra vấn đề này để cả châu Âu gặp khó khăn và Ukraine không nhận được hàng tỷ USD từ xuất khẩu. Đây là hàng tỷ USD mà nền kinh tế của chúng tôi cần lúc này”, Tổng thống Zelensky nói, đồng thời cáo buộc Nga “đánh cắp ít nhất nửa triệu tấn ngũ cốc và tìm cách bán trái phép ở đâu đó”.
Hieu la giau
nội dung topic chủ top rất hay !!
nhỏ lẻ đầu tư cần linh hoạt dự đoán thời thế: ngắn trung hạn để có thành quả. Nếu có sự thay đổi thời thế thì nhỏ lẻ linh hoạt hơn đó là thế mạnh cần tận dụng.
Hieu la giau
TTO - Ukraine - một trong những nhà xuất khẩu lúa mạch, bắp ngô và dầu hạt hướng dương lớn nhất thế giới - không thể xuất khẩu lương thực qua ngả Biển Đen vì xung đột với Nga.
Tình hình tắc nghẽn tại Biển Đen đang đe dọa nghiêm trọng nguồn cung thực phẩm của thế giới.
Liên Hiệp Quốc và phương Tây đang thúc đẩy đối thoại với Nga để tìm “lối thoát” cho cuộc khủng hoảng lương thực hiện nay vốn đang gây ảnh hưởng tiêu cực trên khắp thế giới, đặc biệt là nước nghèo.
Vấn đề cấp thiết
Trước khi cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu nóng lên, hồi tháng 4 năm nay, Thủ tướng Ý Mario Draghi từng chia sẻ với nhật báo Il Corriere della Sera (Ý): “Những người khác đúng khi họ cho rằng nói chuyện với ông ấy (Tổng thống Putin) chẳng có ích gì, chỉ phí thời gian”.
Đó không phải tuyên bố được đưa ra chỉ sau vài giờ trao đổi căng thẳng. Theo báo Financial Times, quan điểm của Thủ tướng Ý trong xung đột giữa Nga và Ukraine là “một trong những thay đổi chính sách đối ngoại lớn nhất ở châu Âu trong nhiều năm” và đi ngược lại sự thân thiện mà Ý dành cho Nga trước đây.
Ngày 26-5, Thủ tướng Draghi đã chủ động điện đàm với Tổng thống Putin để tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng lương thực hiện nay. Việc ông Draghi tiếp tục đối thoại với ông Putin chứng tỏ rằng việc tìm giải pháp cho an ninh lương thực đang rất cấp thiết.
Theo tạp chí Forbes, hơn 44 triệu người tại 38 quốc gia trên thế giới đang đối mặt với cuộc khủng hoảng lương thực. Một phần vấn đề hiện nay xuất phát từ việc các lô hàng ngũ cốc của Ukraine không thể xuất khẩu, bởi Nga đã đóng cửa các cảng biển của nước này tại Biển Đen.
Nga gần đây đã đề nghị thành lập các “hành lang an toàn” cho việc xuất khẩu ngũ cốc và thực phẩm thiết yếu từ các cảng của Ukraine.
Theo thông cáo của Matxcơva, tại cuộc đối thoại với Thủ tướng Draghi ngày 26-5, Tổng thống Putin nhấn mạnh Nga sẵn sàng giúp thế giới “vượt qua cuộc khủng hoảng lương thực thông qua xuất khẩu ngũ cốc và phân bón, với điều kiện các rào cản chính trị của phương Tây (dành cho Nga) phải được tháo bỏ”.
Tuy nhiên, ông Putin không nói rõ sẽ hỗ trợ bằng hàng hóa của Nga hay tạo “hành lang an toàn” để Ukraine tiếp tục xuất khẩu hàng của mình.
Giới chuyên gia đánh giá Mỹ và đồng minh khó lòng đồng ý xóa bỏ lệnh trừng phạt mà Nga đang phải hứng chịu kể từ khi nước này bắt đầu “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine.
Trong khi cả Ukraine và Anh đều phản đối lời đề nghị từ Nga, Nhà Trắng khẳng định chưa có cuộc đối thoại nào diễn ra xung quanh việc nới lỏng trừng phạt cho Nga để đổi lấy xuất khẩu ngũ cốc.
Giữa tình thế căng thẳng này, Thủ tướng Ý cho rằng ông có nghĩa vụ chủ động đối thoại với nhà lãnh đạo của Nga. “Tôi cảm thấy đây là nghĩa vụ mình phải làm, vì gánh nặng của cuộc khủng hoảng nhân đạo này có thể ảnh hưởng đến những nước nghèo nhất thế giới”, ông Draghi nói.
Phát biểu trong cuộc họp báo chiều 26-5, ông Draghi cho hay bản thân quan tâm đến “vấn đề nhỏ và cụ thể hơn”, đó là việc giải phóng lượng ngũ cốc của Ukraine đang mắc kẹt tại Biển Đen.
Tâm điểm Biển Đen
Theo báo cáo do Tổ chức Oxfam công bố trong tháng này, cứ 48 giây khu vực Đông Phi lại có 1 người có nguy cơ chết vì nạn đói kéo dài.
Chương trình Lương thực thế giới (WFP) của Liên Hiệp Quốc cảnh báo nếu các nhà cung ứng lúa mì trọng yếu tiếp tục đối mặt với tình trạng cảng biển đóng cửa thì giá cả sẽ còn tăng cao hơn nữa, làm “trầm trọng hóa nạn đói đối với những công dân dễ tổn thương nhất trên khắp thế giới”.
Theo Hãng tin Bloomberg, Estonia và Lithuania đang thúc đẩy một cơ chế hộ tống các tàu chở lương thực vượt qua Biển Đen bằng tàu chiến của các nước đồng minh nhằm giúp khai thông dòng xuất khẩu của Ukraine. Song điều này vẫn đòi hỏi toàn bộ mìn tại các cảng được dọn sạch và Nga phải đồng ý đảm bảo an toàn.
Trong khi đó, các silo và các tàu chất đầy ngũ cốc tại cảng Odessa chỉ chờ để có thể ra khơi. “Odessa phải được mở lại và chúng tôi cần có một thỏa thuận để mở lại cảng này. Cần thảo luận về giải pháp ngoại giao này”, ông Pierre Vauthier, người chịu trách nhiệm về Ukraine tại Tổ chức Nông Lương của Liên Hiệp Quốc, cho biết.
Theo Hãng tin Reuters, không có đường ra biển, Ukraine đang tập trung vào các tuyến đường thay thế để đạt mục tiêu 2 triệu tấn xuất khẩu mỗi tháng. Ukraine kỳ vọng có thể vận chuyển 700.000 - 750.000 tấn từ hai cảng nhỏ trên sông Danube đến Romania mỗi tháng, từ đó sẽ vận chuyển đến Bắc Phi và châu Á. Phần còn lại sẽ đi bằng đường bộ và đường sắt đến châu Âu. Song kế hoạch này diễn ra rất chậm.
Trong 22 ngày đầu tháng 5, chỉ có 28.000 tấn ngũ cốc được xuất khẩu bằng đường bộ từ Ukraine, trong khi đường sắt vẫn là phương án phức tạp và tốn kém.
Các chuyến tàu của Ukraine sẽ phải dừng lại ở biên giới vì khổ đường sắt từ thời Liên Xô rộng hơn 9cm so với đường ray ở các nước láng giềng châu Âu. Sau đó, việc phải chuyển ngũ cốc sang các tàu khác cũng tốn kém cả thời gian và giới hạn cả khối lượng có thể vận chuyển.
Hieu la giau
Hieu kg
Liên minh châu Phi cảnh báo ‘kịch bản thảm họa’ về lương thực do xung đột Ukraine
Tổng thống Senegal – nước đang giữ cương vị Chủ tịch luân phiên châu Phi (AU), cho rằng việc ách tắc tại các cảng biển ở Ukraine là nhân tố có thể gây ra “viễn cảnh thảm họa” về thiếu hụt lương thực trên diện rộng, đẩy giá lên lên cao trên khắp lục địa châu Phi.
Phát biểu trước các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) tham dự kỳ họp thượng đỉnh của khối tại Brussels (Bỉ) trong ngày 31/5 với trọng tâm là trợ giúp Ukraine, Tổng thống Senegal Macky Sall nói rằng việc chặn xuất khẩu ngũ cốc và phân bón qua ngả Biển Đen là điều gây lo ngại với châu Phi, khu vực có tới 282 triệu người rơi vào tình cảnh suy dinh dưỡng.
Theo ông Sall, giá phân bón tại châu Phi đã tăng gấp ba lần so với thời điểm năm 2021. “Theo ước tính sơ bộ, sản lượng ngũ cốc ở châu Phi sẽ bị suy giảm từ 20-50% trong năm nay. Chúng tôi muốn các bên liên quan làm mọi việc trong khả ăng để giải phóng các kho chứa ngũ cốc, bảo đảm vận chuyển hàng hóa và tiếp cận thị trường”, Tổng thống Selnegal bày tỏ quan điểm.
Châu Phi nhập khẩu khoảng 44% sản lượng lúa mỳ từ Nga và Ukraine trong giai đoạn 2018-2020. Xung đột Ukraine cùng với đứt gãy chuỗi cung lương thực đã khiến giá mặt hàng này tăng cao. Theo Ngân hàng phát triển châu Phi, giá lúa mỳ tại châu lục này đã tăng 45% kể từ hồi đầu năm.
Hieu la giau
Nga cắt khí đốt, các nước châu Âu đã “đi trước một bước”
Nga đã mở rộng cắt giảm khí đốt sang châu Âu hôm 31-5 khi Tập đoàn dầu khí Gazprom của Nga cho biết họ sẽ ngừng nguồn cung cấp cho một số quốc gia “không thân thiện” đã từ chối thanh toán bằng đồng Rúp.
Động thái của gã khổng lồ khí đốt Nga là đòn trả đũa mới nhất đối với các lệnh trừng phạt của phương Tây áp đặt lên Moscow sau chiến dịch quân sự hôm 24-2, khiến cuộc chiến kinh tế Moscow-Brussels leo thang và đẩy giá khí đốt của châu Âu lên mức cao.
Gazprom hôm 31-5 cho biết họ đã cắt hoàn toàn nguồn cung cấp khí đốt cho công ty cung cấp khí đốt Hà Lan GasTerra.
Gazprom sau đó cũng cho biết sẽ dừng các dòng khí đốt đến Công ty năng lượng Orsted của Đan Mạch và Shell Energy kể từ ngày 1-6 sau khi cả hai đều không thanh toán bằng đồng Rúp.
Công ty năng lượng Đan Mạch Orsted cũng xác nhận tập đoàn năng lượng khổng lồ của Nga ngừng cấp khí đốt từ ngày 1-6. Theo viện nghiên cứu châu Âu Bruegel, khoảng 4% trong tổng tiêu thụ năng lượng của Đan Mạch là từ khí đốt Nga.
Người phát ngôn Bộ Kinh tế Hà Lan Pieter ten Bruggencate cho biết: “Đây vẫn chưa được xem là mối đe dọa đối với nguồn cung”. Công ty Orsted cũng cho biết chưa có rủi ro ngay lập tức đối với nguồn cung cấp khí đốt của Đan Mạch và họ sẽ chuyển sang thị trường khí đốt châu Âu để lấp đầy khoảng trống.
Dòng khí đốt của Nga đến Đức thông qua đường ống Nord Stream đã giảm hôm 31-5 khi các nhà phân tích cho rằng có thể do lượng khí đốt qua Hà Lan bị cắt giảm.
Trước đó, Nga đã ngừng cung cấp khí đốt cho Bulgaria, Ba Lan và Phần Lan với lý do họ từ chối thanh toán bằng đồng Rúp.
Trước diễn biến căng thẳng về nguồn cung khí đốt, châu Âu đã gấp rút lấp đầy các kho lưu trữ khí đốt trước mùa đông.
Dữ liệu từ Cơ sở hạ tầng khí châu Âu cho thấy kho chứa khí đốt của Hà Lan hiện đã đầy khoảng 37%. Chính phủ Hà Lan tuần trước cho biết họ sẽ tăng trợ cấp lên 406 triệu Euro để khuyến khích các công ty lấp đầy cơ sở Bergermeer, một trong những cơ sở lưu trữ khí đốt mở lớn nhất ở châu Âu.
Theo Reuters, các kho chứa khí đốt của Đan Mạch hiện đã đầy 55% và có thể cung cấp cho tất cả các khách hàng khí đốt của Đan Mạch và Thụy Điển trong 5 tháng nếu nguồn cung cấp từ Đức bị cắt.
Trong diễn biến liên quan đến chiến dịch quân sự tại Ukraine, Ukraine hôm 31-5 cho biết Nga đã giành quyền kiểm soát hầu hết thành phố công nghiệp phía Đông Sievierodonetsk. Các nhà phân tích quân sự phương Tây cho rằng Moscow đã tiêu hao nhân lực và hỏa lực từ các khu vực khác của mặt trận phía Đông để tập trung vào Sievierodonetsk.
Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 31-5 cho biết quân đội đã đạt một số thành công ở TP Kherson và tiến dần về tỉnh Kharkiv.
Thiếu lương thực trầm trọng, Sri Lanka kêu gọi nông dân ra đồng trồng lúa
(PLO)- Sri Lanka đang kêu gọi nông dân ra đồng và trồng nhiều lúa hơn, một phần trong kế hoạch nhằm ngăn chặn tình trạng thiếu lương thực trầm trọng tại quốc đảo này.
Sri Lanka đang kêu gọi nông dân ra đồng và trồng nhiều lúa hơn, một phần trong kế hoạch nhằm ngăn chặn tình trạng thiếu lương thực trầm trọng tại quốc đảo này, hãng Reuters dẫn lời một quan chức cấp cao tại nước này ngày 31-5 cho hay.
Diễn biến trên đến trong bối cảnh các chuyên gia cảnh báo rằng việc sản lượng lương thực sụt giảm 50% sẽ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng tài chính, vốn đang nghiêm trọng tại Sri Lanka.
Phát biểu trong cuộc họp báo hôm 31-5, Bộ trưởng Nông nghiệp Sri Lanka - ông Mahinda Amaraweera – cho biết: “Rõ ràng là tình hình thực phẩm đang trở nên tồi tệ hơn. Chúng tôi kêu gọi tất cả nông dân hãy ra đồng trong vòng năm đến 10 ngày tới và trồng lúa”.
Thủ tướng Sri Lanka – ông Ranil Wickremesinghe - đã cảnh báo về nguy cơ thiếu lương thực trầm trọng vào tháng 8, đồng thời ước tính quốc gia này sẽ cần 600 triệu USD để nhập khẩu phân bón.
Theo Reuters, một nhóm chuyên gia nông nghiệp mới đây đã cảnh báo rằng phần lớn nguồn cung phân bón sẽ đến quá muộn cho chu kỳ canh tác tiếp theo tại Sri Lanka, vốn thường bắt đầu vào đầu tháng 6. Trong hai vụ tới, nguồn phân bón sẽ không đủ để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của bất kỳ cây trồng chính nào như lúa, chè và ngô.
Trong khi đó, ông Christopher Marambe - giáo sư về nông nghiệp tại ĐH Peradeniya - cho biết một số khu vực sẽ mất hơn 50% sản lượng lúa ngay cả khi các biện pháp được thực hiện.
“Ngay cả khi chúng ta có được nguồn phân bón trong hôm nay, sẽ quá muộn để có một mùa màng bội thu” - ông Marambe cho hay.
Theo ông Amaraweera, Sri Lanka đang tiến hành các cuộc đàm phán với Ấn Độ nhằm thu mua 65.000 tấn phân bón, cũng như có động thái tương tự với bảy quốc gia khác. Tuy nhiên, vị bộ trưởng không nêu chi tiết về thời điểm các chuyến hàng sẽ đến Sri Lanka.
Sri Lanka hiện đối mặt cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong hơn bảy thập niên qua. Quốc đảo này đã cạn kiệt nguồn dự trữ ngoại hối và không có khả năng thanh toán đối với các mặt hàng nhập khẩu quan trọng, gồm nhiên liệu, thực phẩm và thuốc men.
Gia nha ben Uc bat dau giam…
Dau khi vs BDS
Nga tiếp tục siết chặt xuất khẩu phân bón, dự báo giá phân bón tiếp tục tăng cao
Hãng tin Reuters (Anh) cho biết Chính phủ Nga tiếp tục áp đặt hạn ngạch xuất khẩu phân bón của nước này từ tháng 7 đến tháng 12 năm nay nhằm đảm bảo nguồn cung trên thị trường nội địa.
Cụ thể, Chính phủ Nga cho biết khối lượng xuất khẩu các loại phân đạm trong 6 tháng cuối năm nay sẽ bị giới hạn ở mức 8,3 triệu tấn; trong khi đó, hạn ngạch xuất khẩu đối với các loại phân bón hỗn hợp có chứa nitơ chir ở mức 5,9 triệu tấn. Các mức hạn ngạch xuất khẩu này sẽ được Chính phủ Nga phân bổ cho các nhà xuất khẩu phân bón của nước này.
Chính phủ Nga cho biết việc tiếp tục kiểm soát xuất khẩu phân bón nhằm đảm bảo nguồn cung phân bón cũng như ngăn chặn tình trạng giá lương thực, thực phẩm tại nước này tăng cao do giá phân bón tăng. Trước đó, Nga đã áp dụng các biện pháp hạn chế xuất khẩu phân bón, đặc biệt là đối với nhóm phân đạm, trong 6 tháng đầu năm 2022.
Giới quan sát nhận định việc Nga tiếp tục siết nguồn cung phân bón sẽ khiến tình trạng thiếu hụt nguồn cung phân bón trên toàn cầu hiện nay trở nên trầm trọng hơn, đẩy giá phân bón tiếp tục tăng cùng với đó là các tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất nông nghiệp. Trong năm 2020, Nga là quốc gia xuất khẩu phân bón lớn nhất thế giới, chiếm 12,7% tổng lượng phân bón được xuất khẩu trên toàn cầu.
Hồi đầu tháng 5, Ngân hàng Thế giới đã cảnh báo giá các loại phân bón sẽ còn neo ở mức cao kỷ lục trong thời gian tới do tình trạng đứt gãy nguồn cung từ Nga và Belarus dưới tác động của các biện pháp trừng phạt từ phương Tây, cũng như việc Trung Quốc hạn chế xuất khẩu nhiều loại phân bón quan trọng.
Tính từ đầu năm đến nay giá phân bón thế giới đã tăng gần 30%; trong năm 2021, giá mặt hàng này đã tăng tới 80%. Dữ liệu của WB cho thấy giá urea hiện đã vượt đỉnh năm 2008, giá phosphate và kali đang tiệm cận mức đỉnh hồi năm 2008. Tình trạng căng thẳng trên thị trường phân bón toàn cầu ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn khi cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine khó có thể kết thúc sớm khiến các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhắm vào Nga còn kéo dài.
Giới quan sát cho biết Nga hiện vẫn xuất khẩu phân bón đến khu vực châu Mỹ Latinh và châu Á cho dù các biện pháp trừng phạt của phương Tây khiến các hoạt động giao thương quốc tế với Nga trở nên khó khăn và gặp nhiều rủi ro hơn. Nga chiếm khoảng 16% tổng lượng xuất khẩu phân đạm urea, 12% tổng lượng xuất khẩu phân bón DAP và MAP trên toàn cầu. Nga và Belarus hiện chiếm khoảng 40% tổng lượng xuất khẩu phân bón MOP toàn cầu.
Hiện tại, Trung Quốc – quốc gia xuất khẩu phân bón lớn thứ hai thế giới vẫn tiếp tục ngưng xuất khẩu 29 loại phân bón, bao gồm phân Urea, DAP, MAP, NPK, NP/NPS, MOP, SOP, Ammonium Chloride và Ammonium Nitrate nhằm đảm bảo nguồn cung nội địa khi hoạt động sản xuất phân bón tại nước này gặp nhiều khó khăn do thiếu hụt năng lượng và chi phí nguyên liệu đầu vào tăng cao.
Hieu kg