Khối lượng công trình hiện đã làm được 85%, tương đương khoảng 30.000 tỷ được giải ngân. Với mức lãi suất trung bình khoảng 8%/năm thì mỗi ngày sẽ mất khoảng 6-7 tỷ cho vấn đề lãi và tỉnh Đồng Nai sẽ mất khoảng 6 - 6,5 tỷ tiền thu từ nguồn phát điện. Như vậy, thiệt hại tính được mỗi ngày sẽ mất khoảng 12 - 13 tỷ đồng.
Tại buổi họp về tiến độ dự án Nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4 Đồng Nai, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết đây là dự án nằm trong quy hoạch năng lượng quốc gia đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2019, có ý nghĩa quan trọng trong việc cung ứng điện cho cả nước.
Theo kế hoạch Nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 3 sẽ phát điện thử nghiệm vào tháng 5 và phát điện thương mại vào tháng 11 năm nay. Còn Nhà máy điện Nhơn Trạch 4 sẽ phát điện thử nghiệm vào tháng 11 và phát điện thương mại vào tháng 5/2025.
Tuy nhiên, đến nay dự án đã chậm tiến độ, khối lượng công trình hiện đã làm được 85% , tương đương khoảng 30.000 tỷ được giải ngân. Với mức lãi suất trung bình khoảng 8%/năm thì mỗi ngày sẽ mất khoảng 6-7 tỷ cho vấn đề lãi và tỉnh Đồng Nai sẽ mất khoảng 6 - 6,5 tỷ tiền thu từ nguồn phát điện.
Như vậy, thiệt hại tính được mỗi ngày sẽ mất khoảng 12 - 13 tỷ đồng. Chưa kể đến những thiệt hại chưa tính được, đó là thiếu nguồn điện cho cả nước nói chung và khu vực nói riêng. Qua đó, trực tiếp ảnh hưởng đến môi trường đầu tư. Nếu dự án tiếp tục chậm tiến độ thì nguy cơ đổ vỡ dự án là vô cùng lớn. Bởi lẽ nếu thủ tục đất đai không được giải quyết thì không nhà tài trợ vốn nào có thể tài trợ nữa, chưa kể phải chủ đầu tư sẽ phải chịu phạt của các các nhà thầu vì cam kết mà không thực hiện được.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, qua rà soát, dự án này có 3 điểm nghẽn.
Thứ nhất, là về thủ tục đất đai và mặt bằng. Việc này có liên quan đến trách nhiệm của tỉnh Đồng Nai.
Thứ hai, là hệ thống lưới điện giải tỏa cho công suất của hai nhà máy này. Đây thuộc thẩm quyền trách nhiệm của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vì đã được Chính phủ giao.
Thứ ba, là liên quan đến cái hợp đồng mua bán điện và hợp đồng mua bán khí. Vấn đề này thuộc trách nhiệm của hai Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Đến nay, 2 trong 3 khó khăn đã được giải quyết. Cụ thể, việc mua hợp đồng PPA và PE đã được giải quyết bằng những thông tư của Bộ Công Thương và chỉ đạo mới nhất của Chính phủ, là cho phép hai tập đoàn được trao đổi thỏa thuận dựa trên định hướng chung của Chính phủ về cơ chế đặc thù cho các nhà máy điện khí. Tức là sẽ được xác định quy chế tối thiểu, giá điện chuyển sang giá khí hay nói khác là giá điện và giá khí theo giá thị trường.
Đối với việc giải tỏa công suất, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã cam kết sẽ đồng hành triển khai dự án truyền tải để giải toả công suất của hai nhà máy này.
Vấn đề duy nhất còn lại là mặt bằng và thủ tục đất đai thì đang vướng mắc tại tỉnh Đồng Nai.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị, đại diện chủ đầu tư dự án báo cáo những cái khó khăn, vướng mắc liên quan đến vấn đề mặt bằng. Từ đó đưa ra những kiến nghị các bộ, ngành, các cơ quan chức năng xem xét tháo gỡ. Đây là dự án do PVN làm chủ đầu tư mà Ủy ban quản lý vốn nhà nước và doanh nghiệp là cơ quan quản lý.