Đó là một ngày cuối tháng 10/2007, cổ phiếu của một trong những doanh nghiệp xi măng đầu tiên lên sàn chứng khoán (sau chuỗi 13/15 phiên bứt tốc) đã thiết lập mức đỉnh 260.000 đồng/cp.
Thị trường chứng khoán kết phiên 3/6/2023 với sắc xanh ở cả 3 chỉ số. Dù vậy, điều cần chú ý là thanh khoản trên các sàn HNX và UPCoM đã giảm đáng kể còn 1.700 tỷ đồng và 860 tỷ. Cùng với đó, số lượng cổ phiếu tăng trần trên 2 sàn này cũng giảm từ 100 mã về còn 31 mã.
Ở chiều ngược lại, thanh khoản trên sàn HOSE bao gồm cả nhóm VN30 tiếp tục tăng lên - đạt lần lượt 17.560 và 6.020 tỷ đồng.
Nửa tháng qua, chứng trường là sân khấu của nhóm cổ phiếu Mid/smallcap, là sàn diễn để các cổ phiếu penny sàn HNX và UPCoM đua trần. Đó còn là sự trở lại (dù không được chú ý nhiều) của không ít cổ phiếu một thời từng là “hào kiệt”.
Trong series bài viết với chủ đề “Dòng tiền đánh cổ HNX - UPCoM”, chúng tôi gửi tới nhà đầu tư và Quý độc giả một số câu chuyện lần đầu được kể, một số cảm xúc lần đầu nói ra của nhà đầu tư chứng khoán 15 - 16 năm về trước.
… Đó là một ngày cuối tháng 10/2007… Cổ phiếu của một trong những doanh nghiệp xi măng đầu tiên lên sàn chứng khoán (sau chuỗi 13/15 phiên bứt tốc) đã chạm đỉnh 260.000 đồng/cp (giá sau điều chỉnh là 34.240 đồng/cp).
Rộng hơn, kể từ sau thời điểm lên sàn với giá tham chiếu 82.400 đồng/cp (ngày 19/9/2007), cổ phiếu này đã tăng 216% chỉ sau 1 tháng rưỡi giao dịch… Đến nay, đó vẫn là kỳ tích của một cổ phiếu ngành xi măng trong ký ức nhà đầu tư những năm đầu thế kỷ mới.
… Đó là trường hợp cổ phiếu SCJ - của CTCP Xi măng Sài Sơn (sàn UPCoM).
Thời điểm đó, Xi măng Sài Sơn có gì?
Trước khi lên sàn, lợi nhuận của SCJ chỉ đạt gần 19 tỷ. Sau lên sàn, công ty có chuỗi 3 năm tăng trưởng lợi nhuận ròng và đạt đỉnh lãi 44,8 tỷ đồng năm 2009. Dù lợi nhuận giảm trở lại trong 2 năm sau đó song việc duy trì trên mức 20 tỷ đồng/năm đối với một doanh nghiệp quy mô vốn điều lệ chưa đến 200 tỷ đồng như Sài Sơn vẫn là kết quả có thể chấp nhận được.
CTCP Xi măng Sài Sơn tiền thân là Xí nghiệp Xi măng Sài Sơn được thành lập từ ngày 28/11/1958 dưới sự quản lý của Tổng Cục Hậu cần (Quân đội nhân dân Việt Nam). Đây là cơ sở sản xuất xi măng lò đứng đầu tiên và là cơ sở sản xuất xi măng thứ 2 của Việt Nam sau Xi măng Hải Phòng.
Tháng 12/1996, xí nghiệp Xi măng Sài Sơn được đổi tên thành Công ty Xi măng Sài Sơn.
Ngày 13/11/2003, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) phê duyệt phương án cổ phần hóa và chuyển Xi măng Sài Sơn thành CTCP Xi măng Sài Sơn với vốn điều lệ 11,7 tỷ đồng. Công ty sau đó tiếp tục tăng vốn lên mức 27,7 tỷ đồng.
Sau nhiều lần tăng vốn, hiện vốn điều lệ của SCJ đạt 578,4 tỷ đồng.
Quay trở lại câu chuyện giá cổ phiếu, thời điểm sóng lên ở cổ phiếu SCJ, thị trường chứng khoán đã bước vào giai đoạn lao dốc từ vùng 900 - 1.200 điểm. Khủng hoảng kinh tế năm 2008 đã khiến VN-Index miệt mài rơi từ mức 1.100 điểm (đầu tháng 10/2007) về dưới 250 điểm (tháng 2/2009).
Diễn biến chỉ số VN-Index
Tham gia thị trường chứng khoán từ những năm đầu, cảm nhận trọn vẹn cú bập bênh của VN-Index giai đoạn 2006 - 2009, bà Trần Thị Lan Anh - Trưởng phòng Tư vấn - Công ty Chứng khoán Mirae Asset Viet Nam trong một chia sẻ mới đây đã nhắc lại một câu chuyện thú vị liên quan đến cổ phiếu Xi măng Sài Sơn.
Bà Lan Anh kể: “Giai đoạn cuối năm 2007 - đầu 2008, cổ phiếu SCJ có giá hơn 200.000 đồng/cp; một số cán bộ nhà nước khi đó nắm giữ chỉ vài nghìn cổ phiếu. Có lần một nhà đầu tư chia sẻ với tôi rằng - phải biết ơn Sài Sơn và thị trường chứng khoán vì tôi chỉ bán 2.000 cổ phiếu SCJ đã mua được một miếng đất, sau đó bán thêm 1.000 cổ phiếu nữa là xây được một ngôi nhà giữa lòng Hà Nội”.
Bà Trần Thị Lan Anh - Trưởng phòng Tư vấn - Công ty Chứng khoán Mirae Asset Viet Nam
Tạm tính, nếu bán 3.000 cổ phiếu SCJ tại mức đỉnh giá 260.000 đồng/cp, vị nhà đầu tư này có thể thu về số tiền 780 triệu đồng - tương đương 45 - 49 cây vàng SJC cùng thời điểm.
Tuy nhiên với mức giá hiện tại chỉ 4.200 đồng/cp, nếu bán ra 3.000 cổ phiếu SCJ nhà đầu tư này chỉ có thể thu về số tiền hơn 12 triệu đồng.
So với mức kỷ lục 34.240 đồng (giá sau điều chỉnh), cổ phiếu SCJ hiện đã giảm 88% giá trị. Điều này là dễ hiểu khi nhìn vào kết quả kinh doanh của Xi măng Sài Sơn từ năm 2015 đến nay (doanh thu tăng lên song biên lãi ròng liên tục giảm - năm 2022 chỉ còn 0,4%).
Sang năm 2023, Sài Sơn đặt mục tiêu doanh thu 1.086 tỷ đồng và lãi sau thuế 4,88 tỷ. Kết thúc quý 1, công ty đem về 252 tỷ đồng doanh thu và vỏn vẹn 641 triệu đồng lãi ròng.
Hào quang và sự vụt tắt của cổ phiếu SCJ 16 năm qua cũng là câu chuyện chung của những cổ phiếu từng một thời làm mưa làm gió trên thị trường chứng khoán như BMC (847.000 đồng/cp), SJS (728.000 đồng/cp), BVS (635.000 đồng/cp), DHG (553.000 đồng/cp), SD7 (494.000 đồng/cp), S99 (440.000 đồng/cp), HRC (418.000 đồng/cp),…
Khác với câu chuyện mua đâu thắng đó năm 2007, thị trường chứng khoán hiện đã không còn nhiều cổ phiếu có giá trên 200.000 đồng kể từ sau nhịp rơi của L14 và THD. Gương mặt đáng chú ý hiện tại có chăng là cổ phiếu VNZ với mức 760.000 đồng - giảm 44% so với đỉnh lịch sử 1.359.000 đồng/cp. Dù đang là cổ phiếu đắt nhất thị trường song VNZ không phải là cuộc chơi của các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Điều này hoàn toàn khác biệt so với SJS, SCJ, SD7 16 năm về trước (dù giá cao nhưng vẫn được cổ đông săn đón).