Kể từ khi bắt đầu giao dịch từ năm 2018 đến nay, doanh nghiệp than này luôn duy trì mức cổ tức tiền mặt đều đặn với tỷ lệ trên 20%, năm 2022 cổ tức bằng tiền lên đến gần 51%.
Trên thị trường chứng khoán, nhiều doanh nghiệp có tình hình tài chính ổn định thường không ngần ngại trả cổ tức bằng tiền với tỷ lệ vài chục phần trăm cho cổ đông. Tuy nhiên không nhiều doanh nghiệp chi trả cổ tức tiền mặt cao hơn gấp nhiều lần so với thị giá cổ phiếu.
Trong khi đó, CTCP Vận tải và Chế biến than Đông Bắc (mã VDB) lại duy trì mức cổ tức bằng tiền cao hơn thị giá cổ phiếu trong nhiều năm nay. Ngày 7/5 tới đây, công ty than này sẽ chốt danh sách cổ đông chi trả cổ tức năm 2023 bằng tiền với tỷ lệ 53,36%, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận về 5.336 đồng. Thời gian thanh toán dự kiến là ngày 24/5/2024.
Với 8,6 triệu cổ phiếu đang lưu hành, doanh nghiệp dự chi gần 46 tỷ đồng để thanh toán cổ tức đợt này. Như vậy, VDB sẽ dành gần 90% lợi nhuận sau thuế năm 2023 (51 tỷ đồng) để chia cổ tức cho cổ đông trong đợt này. Đây không phải lần đầu tiên VBD dốc hầu bao trả cổ tức tiền mặt. Giữa năm 2023, doanh nghiệp cũng dành gần 92% lợi nhuận năm 2022 để trả cổ tức bằng tiền cho cổ đông.
Nhìn lại dữ liệu lịch sử, kể từ khi bắt đầu giao dịch từ năm 2018 đến nay, doanh nghiệp than này luôn duy trì mức cổ tức tiền mặt đều đặn với tỷ lệ trên 20%, năm 2022 cổ tức lên đến gần 51%. Tuy nhiên, mức cổ tức tiền mặt năm 2023 vẫn là mức cao kỷ lục trong lịch sử giao dịch.
Điều đáng nói, dù mạnh tay chi cổ tức tiền mặt, song thị giá của VDB trên sàn chứng khoán chưa bằng "cốc trà đá". Chốt phiên 3/5, cổ phiếu VDB trắng bên bán dù dư mua giá trần lên đến gần trăm nghìn đơn vị, thị giá "nằm im" tại mức 900 đồng/cp từ tháng 7/2020 đến nay. Như vậy, mức cổ tức năm 2023 của doanh nghiệp than này cao gấp gần 6 lần thị giá.
Cơ cấu cổ đông cô đặc là một trong những nguyên nhân chính khiến VDB "tắt thanh khoản" trong nhiều năm qua. Trong cơ cấu cổ đông của VBD, Tổng Công ty Đông Bắc – BQP là công ty mẹ chiếm tỷ lệ sở hữu 51% cổ phần (4,4 triệu cổ phiếu), CTCP Công nghiệp Tàu thuỷ Đông Bắc đứng thứ hai khi nắm 10% vốn (867 nghìn cổ phiếu) và Công ty TNHH Phương Sơn nắm 6,06% vốn (525 nghìn cổ phiếu). Lượng cổ phiếu còn lại thuộc sở hữu của một số lãnh đạo công ty và các cá nhân khác.
Doanh thu nghìn tỷ mỗi năm
Công ty cổ phần Vận tải và Chế biến than Đông Bắc tiền thân là Xí nghiệp Chế biến kinh doanh than, được thành lập ngày 28/12/1995. Đến năm 2006 chuyển đổi thành Công ty chế biến và kinh doanh than theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Tuy nhiên, phải đến năm 2018, công ty mới chính thức giao dịch trên UPCOM với vốn điều lệ là 51 tỷ đồng.
Nền tảng kinh doanh tích cực có lẽ là động lực giúp VDB chi trả cổ tức cao, đều đặn trong nhiều năm qua. Giai đoạn từ 2018 – 2022, doanh nghiệp luôn ghi nhận doanh thu trên 4.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế cũng duy trì từ 12-48 tỷ đồng.
Riêng năm 2023, tổng doanh thu của VDB đạt 5.094 tỷ đồng, tăng 7,6% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu than chiếm 94% tổng doanh thu đạt 4.783 tỷ đồng, chủ yếu nhờ nguồn than sản xuất. Tính trung bình, mỗi ngày doanh nghiệp này thu hơn 13 tỷ đồng nhờ bán than. Phần doanh thu còn lại đến từ mảng dịch vụ vận tải thuỷ (269 tỷ đồng), dịch vụ giao than (25 tỷ đồng) và doanh thu khác (18 tỷ đồng). Khấu trừ chi phí, VDB lãi sau thuế 51 tỷ đồng trong năm 2023, tăng nhẹ 6% so với mức thực hiện cùng kỳ năm trước.
Sang đến năm 2024, doanh nghiệp dự kiến sản lượng than nhập đạt 2,2 triệu tấn, trong đó than sạch 897 nghìn tấn, than nhập khẩu 1.100 nghìn tấn và than nguyên khai 250 nghìn tấn. Doanh nghiệp đặt kế hoạch kinh doanh năm 2024 khá thận trọng với doanh thu đạt 4.581 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 28,8 tỷ đồng, lần lượt giảm 10% và 44% so với mức thực hiện năm 2023. Cần lưu ý trong các năm trước VPB cũng đặt kế hoạch kinh doanh khá thấp, song kết quả đều vượt xa mục tiêu đặt ra. Đồng thời, doanh nghiệp dự kiến trích 90% lợi nhuận sau thuế để chia cổ tức tiền mặt 2024 với tổng giá trị dự kiến là 25,9 tỷ đồng.
Mai Chi
An ninh Tiền tệ