Ngoài những trường hợp thu nhập thấp đăng đàn trên các nhóm về tài chính nhờ chỉ bảo cách chi tiêu và tiết kiệm. Bất ngờ, có không ít những dòng trạng thái thu nhập cả tỷ đồng/năm, nhưng không biết chi tiêu sao cho hợp lý. Có người sẵn sàng đưa lời khuyên, ngược lại không ít thông tin cho rằng “khoe mẽ”.
Tình hình kinh tế khó khăn, đại bộ phận người dân phải cắt giảm chi tiêu, 'thắt lưng buộc bụng', gia tăng các nguồn thu nhập để bảo đảm trang trải sinh hoạt của gia đình. Chính vì vậy mà nhiều người đăng đàn lên mạng xã hội nhờ tư vấn cách tiêu tiền và đầu tư hợp lý.
“Nhà giàu” cũng đi hỏi cách chi tiêu, đầu tư
Mới đây, trên một nhóm cộng đồng mạng xã hội có gần 20.000 thành viên có nhiều đăng đàn hỏi về cách tiết kiệm, chi tiêu, cũng như đầu tư. Đáng chú ý, những câu hỏi này đến từ các thành viên có thu nhập tốt, có người hàng tỷ đồng mỗi năm.
Chào cả nhà
Về thu nhập, tổng 1,2 tỷ/ năm, trong đó
Chồng: 500 triệu đồng
Vợ: 700 triệu đồng
......
Độc giả này chia sẻ rằng, 2023 đã tập trung chủ yếu cho việc trả nợ, đã xong nợ với ngân hàng, trả gần hết nợ cho ông bà nội. Mục tiêu 2024 bán thêm đất, gom dần tiền để vay mua nhà.
Đọc giả cũng chia sẻ rõ ràng về việc chi tiêu của gia đình, cụ thể: Chi tiêu 1 tháng đang ở mức 35 triệu đồng/ tháng, gửi ba mẹ 2 bên 4 triệu, sinh hoạt phí gửi ông bà nội 9 triệu đồng/ tháng, tiền học của 2 con tổng 8 triệu, tiền tiêu vặt hai vợ chồng 2 triệu đồng/ tháng…
Ngoài ra các chi phí khác như mua sắm, giải trí, hiếu hỉ, chi phí cho ô tô … cũng được bạn độc giả liệt kê chi tiết từng hạng mục. Kết thúc câu chuyện, độc giả không quên “Nhờ anh chị em ngó bảng chi tiêu xem mình chi đã hợp lý hay chưa, chỗ nào quá tay, để mình cố gắng cắt giảm bớt.
“Sau này con cái lớn, cho con học hành thêm tiếng Anh, kỹ năng cũng sẽ tốn kém hơn”, vị độc giả nói thêm.
Độc giả F.Pham chia sẻ bức tranh tài chính và nhờ lời khuyên từ cộng đồng mạng
Cũng tương tự, độc giả tên F. Pham chia sẻ, hiện nhà ở Hà Nội, 2 vợ chồng 37 tuổi, có 2 con nhỏ đang học cấp 1, đã có nhà có xe, vợ chồng làm công ăn lương. Thu nhập xấp xỉ 80 triệu đồng/01 tháng, tương đường gần 1 tỷ đồng/ năm, tuy nhiên gia đình chỉ tiết kiệm được khoảng 20 triệu đồng mỗi tháng. Tài chính hiện tại có khoản tiền mặt khoảng 5 tỷ.
Tuy có thu nhập tốt, nền tảng tài chính khá ổn định, nhưng bạn độc giả vẫn lăn tăn chuyện số tiền tiết kiệm ít quá so với thu nhập, hiện chiếm chưa đến 20%. Mong muốn tham khảo ý kiến các chị em xem mức tiết kiệm bao nhiêu là hợp lý. Đồng thời, xin tư vấn mức phân bổ đầu tư với số tiền và tình hình tài chính như trên.
Quản lý tài chính quan trọng không kém việc kiếm tiền
Chia sẻ với VietnamFinance, Chuyên gia Hoạch định Tài chính Cá nhân, Nguyễn Thị Hồng Linh, Công ty CP Tư vấn Đầu tư và Quản lý tài sản FIDT cho rằng, tiết kiệm và đầu tư là hai yếu tố quan trọng trong việc quản lý tài chính cá nhân, đặc biệt đối với những người có thu nhập cao và dòng tiền đều hàng tháng. Việc có một nguồn thu nhập ổn định và cao tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng và bảo vệ tài sản cá nhân.
Trước hết, thu nhập nào cũng cần phải tiết kiệm. Đối với những người có thu nhập cao, mức tiết kiệm thường nhiều hơn, đối với thu nhập 50-70 triệu/tháng đề xuất là 20- 30% thu nhập. Khoản tiền này có thể được gửi vào các tài khoản tiết kiệm có lãi suất cao hoặc các chứng chỉ tiền gửi để tối ưu hóa lợi nhuận mà không phải chịu nhiều rủi ro.
Chuyên gia Hoạch định Tài chính Cá nhân Nguyễn Thị Hồng Linh trò chuyện với nhà đầu tư. Ảnh: NVCC
Theo bà Linh, bên cạnh tiết kiệm, đầu tư là chiến lược giúp tăng trưởng tài sản theo thời gian. Người có thu nhập cao nên đa dạng hóa danh mục đầu tư của mình bằng cách phân bổ tiền vào nhiều loại tài sản khác nhau như vàng, cổ phiếu, trái phiếu, bất động sản, và quỹ đầu tư. Giai đoạn 2024- 2026 là giai đoạn kỳ vọng phục hồi của nền kinh tế, thị trường chứng khoán có khả năng phục hồi mạnh mẽ. Nếu đầu tư với chu kỳ 3-5 năm, nhà đầu tư có khả năng nhận được hiệu quả đầu tư tốt.
Đối với những nhà đầu tư không chuyên có thể tiếp cận thị trường qua đầu tư vào chứng chỉ quỹ hoặc cổ phiếu thông qua sự tư vấn của các chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân Quan trọng hơn, người có thu nhập cao cần phải xác định rõ mục tiêu tài chính của mình. Mục tiêu có thể bao gồm việc mua nhà, lập quỹ hưu trí, hoặc tài trợ cho giáo dục con cái. Một khi đã có mục tiêu rõ ràng, họ nên điều chỉnh chiến lược tiết kiệm và đầu tư sao cho phù hợp để đạt được những mục tiêu này trong thời gian ngắn nhất có thể.
“Thị trường tài chính luôn biến động và các điều kiện, nhu cầu cá nhân cũng thay đổi theo thời gian. Do đó, việc tiết kiệm để có nguồn tài chính ổn định, an toàn đồng thời trong suốt quá trình tích sản, đầu tư gia tăng tài sản, cần luôn phải cập nhật và điều chỉnh kế hoạch đầu tư giúp đảm bảo rằng mục tiêu tài chính luôn được hướng tới một cách hiệu quả và an toàn”, chuyên gia Hồng Linh nói thêm.
Ở góc độ bảo vệ tài chính, theo chị Nguyễn Hạnh Nguyên(46 tuổi), có hơn 15 năm kinh nghiệm ngành bảo hiểm, việc tiết kiệm và đầu tư luôn phải đi kèm với bảo vệ tài chính để bảo đảm các kế hoạch đầu tư được đi đến đích. Ở 2 tình huống trên, mặc dù thu nhập ở mức khá cao, cả tỷ đồng/năm, nhưng trong bài toán tài chính của 2 độc giả, chưa thấy chia sẻ về phương án bảo vệ tài chính. Có thể là bảo hiểm sức khoẻ, hoặc bảo hiểm nhân thọ tuỳ nhu cầu.
“Rất có thể chỉ một rủi ro về sức khoẻ là tiêu hết số tiền tiết kiệm bấy lây nay hoặc lỡ dở phương án đầu tư. Nên cân nhắc 5-10% thu nhập để bảo vệ tài chính”, chị Hạnh Nguyên nhấn mạnh.
Các chuyên gia về Tài chính - Ngân hàng cũng cho rằng, người thu nhập cả trăm triệu/tháng vẫn đi hỏi cách chi tiêu hợp lý và đầu tư là rất phổ biến bởi thực trạng hiện nay có một thế hệ người Việt bị “bỏ rơi” về giáo dục tài chính cá nhân. Khi chưa có kiến thức về quản lý tài chính cá nhân, không hiểu rõ về các sản phẩm tài chính, các kênh đầu tư, nên thường đưa ra các quyết định tài chính đơn thuần, chưa kết nối được với bức tranh tài chính tổng quát, dẫn đến các sai lầm phổ biến như đầu tư sai, bị lừa đảo, không tối ưu được lợi nhuận….
Do đó, mỗi cá nhân cần tích luỹ thêm kiến thức về tài chính cá nhân, tìm hiểu kỹ bản chất các kênh đầu tư, xây dựng thói quen kết nối các quyết định tài chính khi “xuống tiền”. Nếu chưa chắc chắn bất cứ một điều gì, hãy tham khảo thêm các chuyên gia về tài chính uy tín, có kinh nghiệm để có được đáp số đúng đắn, bảo đảm an ninh tài chính cho gia đình.
Xuân Thạch
https://vietnamfinance.vn/thu-nhap-12ty-dong-nam-van-ban-khoan-hoi-cach-tieu-tien-d110962.html