Thủ tướng Lý Hiển Long đã nhiều lần nói rằng ông muốn bàn giao Singapore cho người kế nhiệm “trong trật tự tốt” .
Theo kênh CNA, các nhà phân tích cho rằng nhiệm kỳ của ông Lý Hiển Long - thủ tướng thứ ba của Singapore - để lại nhiều dấu ấn trong nền chính trị và xã hội của Singapore.
Vị thủ tướng này sắp rời khỏi vị trí với một đất nước thịnh vượng, phát triển và bình đẳng hơn so với ngày 12-8-2004 - thời điểm mà ông trở thành người đứng đầu chính phủ Singapore.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tại Padang dự lễ diễu hành mừng quốc khánh vào ngày 9-8-2023 - Ảnh: CNA
Theo các nhà phân tích, ông Lý Hiển Long đã lãnh đạo đất nước vượt qua các giai đoạn khủng hoảng và phục hồi, đồng thời hướng tới cách tiếp cận quản trị nhẹ nhàng hơn, hợp tác hơn.
Trong thời gian ông Lý Hiển Long lãnh đạo, chính phủ Singapore đã thực thi các chính sách nhằm giúp người dân nâng cao sức khỏe tinh thần.
Ông cũng là người đã đương đầu với những quyết định khó khăn và gây tranh cãi, như bãi bỏ luật cấm quan hệ tình dục đồng tính, và là người hướng tới tương lai lâu dài của Singapore với các dự án cơ sở hạ tầng lớn như siêu cảng Tuas.
Trong 20 năm qua, tổng sản phẩm quốc nội của Singapore đã tăng hơn gấp đôi, từ 228 tỉ lên 532 tỉ đô la Singapore (168 tỉ USD lên 392 tỉ USD).
Tổng thu nhập bình quân hằng tháng của người dân Singapore cũng tăng từ 2.326 lên 5.197 đô la Singapore.
Hiện Singapore có mức độ bất bình đẳng thấp hơn nhiều, với hệ số Gini - thể hiện khoảng cách giàu nghèo - sau khi chính phủ chuyển giao và thuế giảm từ 0,42 xuống 0,37.
Lượng hành khách đến sân bay hằng năm tăng hơn gấp đôi, từ 14,3 triệu lên 29,5 triệu người.
Nền kinh tế Singapore cũng được hưởng lợi từ sự gia tăng các hiệp định thương mại tự do, từ 5 hiệp định trong năm 2004 lên tới 27 hiệp định hiện nay.
Ông Lý Hiển Long cũng đã đưa Singapore trở thành điểm nóng du lịch của thế giới, với lượng du khách hằng năm tăng từ 8,3 triệu lên 13,6 triệu người.
Theo TS Gillian Koh, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chính sách (IPS) ở Singapore, chính phủ của ông Lý Hiển Long đã đi trước trong việc giải quyết vấn đề phân tầng xã hội, chính trị bản sắc, giai cấp và chủng tộc.
Chính phủ dưới thời ông Lý Hiển Long đã đầu tư nhiều hơn vào giáo dục, với chi tiêu thường xuyên hằng năm cho giáo dục tăng từ 5 tỉ năm 2004 lên 12,9 tỉ đô la Singapore vào năm 2022. Nhiều cải cách quan trọng được thực hiện trong lĩnh vực này.
Số lượng trung tâm chăm sóc trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ cũng tăng từ 722 năm 2004 lên 2.470 vào thời điểm hiện tại.
Bên cạnh đó, chính phủ Singapore còn thực hiện nhiều giải pháp nhằm đảm bảo một xã hội hòa nhập, bao gồm chăm sóc người nghèo, người khuyết tật và người bị thiệt thòi.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tham gia một hoạt động tại Câu lạc bộ Cộng đồng Teck Ghee ngày 14-1-2023 - Ảnh: MCI/Betty Chua
Các nhà phân tích chính trị nói với CNA rằng ông Lý Hiển Long đã định hình nền tảng chính trị và quản trị của Singapore một cách đáng kể, bao gồm cải cách bầu cử và các sửa đổi hiến pháp đã được thông qua vào tháng 11-2016.
Chính phủ cũng cải thiện và tăng cường sự tham gia của công chúng vào việc hoạch định chính sách trong nhiệm kỳ của ông Lý Hiển Long, người đã điều chỉnh phong cách lãnh đạo từ kiểu "từ trên xuống" sang kiểu mang tính tham vấn nhiều hơn.
Vị thủ tướng này cũng thúc đẩy sự bùng nổ cơ sở hạ tầng trong nhiệm kỳ. Trong 20 năm qua, số lượng nhà ở xã hội (căn hộ HDB) ở Singapore đã tăng từ 878.000 lên 1,1 triệu căn, cùng nhiều chính sách hỗ trợ người dân liên quan.
Chiều dài mạng lưới tàu điện ngầm MRT và LRT của đất nước cũng tăng gấp đôi trong thời gian này, từ 128 km lên 259 km. Hoạt động hàng hải của Singapore cũng bùng nổ.
"Ngoài vai trò của mình ở cấp quốc gia, ông Lý Hiển Long còn là một cố vấn truyền cảm hứng, một người có định hướng chi tiết trong nhóm và một nhà lãnh đạo giàu lòng nhân ái, luôn gắn bó với thực tế" - các cựu nghị sĩ và những người gắn bó lâu năm với vị thủ tướng ở cấp cơ sở nói với CNA.
Theo Anh Thư
Người lao động
https://cafef.vn/thu-tuong-ly-hien-long-da-dem-lai-nhung-gi-cho-singapore-188240514141545145.chn