Trong bối cảnh tình hình kinh tế xã hội vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế và khó khăn thách thức, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành ổn định kinh tế vĩ mô, sớm trình cấp có thẩm quyền trong tháng 5 về chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân.
Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4. (Nguồn: VGP )
Báo cáo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 sáng ngày 4/5, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết, kinh tế vĩ mô 4 tháng cơ bản ổn định, nền kinh tế phục hồi và có mức tăng trưởng tích cực, đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.
Áp lực lạm phát có thể gia tăng
Tuy nhiên, nền kinh tế đứng trước nhiều áp lực, thách thức lớn cả về tăng trưởng và kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Trong 4 tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng CPI bình quân tăng 3,93% so với cùng kỳ năm trước, gần cận dưới của mục tiêu cả năm là 4 - 4,5%.
Thời gian tới, áp lực lạm phát chịu tác động của các yếu tố bên ngoài do biến động giá dầu, lương thực, chất bán dẫn, chi phí vận tải đường biển, hàng không… thế giới, tác động đến giá xăng dầu, nguyên vật liệu, vận tải… Trong nước, cộng hưởng với các yếu tố bên trong do việc điều chỉnh giá điện, dịch vụ giáo dục, y tế, thực hiện chính sách cải cách tiền lương…
Đặc biệt, tỷ giá dự báo tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh do sức ép từ thị trường tài chính, tiền tệ thế giới, làm tăng chi phí nhập khẩu hàng hóa, nguyên, nhiên vật liệu, lãi vay nước ngoài của doanh nghiệp, tác động đến lạm phát trong nước.
“Áp lực lạm phát từ phía cầu (yếu tố tiền tệ) là không lớn, mà chủ yếu đến từ phía cung (chi phí sản xuất). Đây là vấn đề cần đặc biệt lưu ý, theo dõi sát để chủ động có giải pháp điều hành giá chặt chẽ, thận trọng, phù hợp, kịp thời, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của doanh nghiệp, nền kinh tế, đời sống người dân, tăng trưởng kinh tế cả trong ngắn hạn, trung và dài hạn”, Bộ trưởng nêu rõ.
Trong khi đó, sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, thách thức như sản xuất công nghiệp phục hồi còn chậm, cầu tiêu dùng trong nước vẫn tăng thấp và áp lực cạnh tranh gia tăng ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu.
Ngoài ra, ngành hàng không tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn; giá vé máy bay tăng cao, nhất là trong dịp nghỉ lễ, ảnh hưởng đến phát triển du lịch và nhu cầu đi lại của nhân dân. Thị trường bất động sản có nhiều dấu hiệu chuyển biến tích cực, tuy nhiên vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, cần quan tâm xử lý. Tăng trưởng tín dụng chưa cao, tiếp cận vốn tín dụng còn khó khăn; tiến độ triển khai gói cho vay nhà ở xã hội 120 nghìn tỷ đồng rất chậm, chưa đáp ứng kỳ vọng đề ra.
Đáng quan ngại, thị trường tài chính, tiền tệ, hệ thống ngân hàng còn tiềm ẩn rủi ro. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng tiếp tục tăng, đến cuối tháng 02 là 4,92% (tháng 01/2024 là 4,79%). Thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn khó khăn, khối lượng phát hành 4 tháng giảm 43,4% so với cùng kỳ năm 2023, áp lực đáo hạn trái phiếu năm 2024 lớn. Quản lý thị trường vàng còn bất cập.
Sớm trình các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế phí
Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định kiên quyết không lùi bước trước khó khăn, càng áp lực lại càng nỗ lực, biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể. Tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân.
Về nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm; lưu ý không điều hành "giật cục" và chính sách tài khoá phải tích cực hơn; sử dụng các công cụ linh hoạt, uyển chuyển, mềm mại, đẩy mạnh chuyển đổi số; tăng thu, tiết kiệm chi, áp dụng hóa đơn điện tử trong quản lý thu; sớm trình cấp có thẩm quyền trong tháng 5 về chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân.
Đồng thời, tiếp tục làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới từ đẩy mạnh liên kết, phát triển vùng, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, các ngành, lĩnh vực mới như chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo…
Về giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục triển khai hiệu quả hoạt động của 5 tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ; phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 tối thiểu đạt 95%; phân bổ sớm 33.000 tỷ đồng còn lại của kế hoạch đầu tư công 2024. Đề xuất tháo gỡ các điểm nghẽn, vướng mắc pháp lý cho các dự án, nhất là trong tách giải phóng mặt bằng thành dự án riêng; kiên quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về mỏ vật liệu xây dựng, đảm bảo cung ứng đủ cho các dự án giao thông, các công trình trọng điểm.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu khẩn trương ban hành đầy đủ các Nghị định, thông tư thi hành các Luật về Đất đai, Tổ chức tín dụng, Kinh doanh bất động sản, nhà ở… để trình Quốc hội cho phép có hiệu lực thi hành từ tháng 7; quyết liệt cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt; tập trung triển khai thực hiện Đề án 06.
Thủ tướng yêu cầu tận dụng tốt cơ hội xuất khẩu nông sản; chú trọng công tác gỡ "thẻ vàng" (IUU); chủ động xây dựng kế hoạch điều tiết, bảo đảm đủ nước cho sản xuất nông nghiệp, sản xuất điện, sinh hoạt của người dân; tổ chức thực hiện hiệu quả phòng, chống cháy rừng với phương châm “4 tại chỗ”.
Đồng thời, phát triển mạnh các ngành dịch vụ có tiềm năng, lợi thế, ứng dụng công nghệ cao; tiết giảm chi phí vận tải, logistics; đẩy mạnh thu hút du lịch; tăng cường quản lý giá dịch vụ du lịch, lưu trú, ăn uống, nhất là mùa du lịch hè sắp tới; tiếp tục xử lý các vấn đề tồn đọng, kéo dài; đẩy mạnh đầu tư, nhất là các dự án có quy mô lớn, có sức lan tỏa cao.