Giá vàng trong nước đã liên tục “nhảy múa” điên loạn trong những ngày qua. Cơ quan quản lý Nhà nước cần sớm có “thuốc đặc trị” để ổn định thị trường này.
Nhiều chuyên gia cho rằng cần phải tách bạch giữa thị trường vàng vật chất và thị trường vàng phi vật chất để có định hướng quản lý phù hợp.
Giá vàng “điên đảo”
Tại thị trường vàng Việt Nam, giá vàng đã liên tục “nhảy múa” điên loạn trong những ngày qua. Giá vàng miếng SJC có thời điểm vượt qua mốc 92 triệu đồng/lượng, cao hơn giá vàng quốc tế quy đổi gần 20 triệu đồng/lượng.
Quan sát thị trường vàng trong nước từ nhiều năm nay cho thấy khi giá vàng càng lên “cơn sốt”, thì người dân càng có nhu cầu lớn mua vào. Bằng chứng là ở nhiều cửa hàng vàng trong những ngày qua, nhiều người dân đã phải xếp hàng để được mua vàng, thậm chí nhiều người phải quay về tay không vì doanh nghiệp thông báo hết vàng để bán.
Giá vàng liên tục lên "cơn sốt" do hơn 10 năm nay NHNN chưa cấp phép cho bất kỳ doanh nghiệp nào được nhập khẩu vàng nguyên liệu sản xuất vàng trang sức. Hơn nữa, sau một số phiên đấu thầu vàng miếng, thì tính đến ngày 16/5 cũng mới chỉ có 27.200 lượng vàng miếng SJC (1,02 tấn vàng) được cung ứng ra thị trường trên tổng số 50.400 lượng vàng miếng SJC được chào bán.
Theo báo cáo của Hội đồng vàng thế giới (WCG), nhu cầu tiêu dùng vàng tại Việt Nam vẫn ở mức khá cao trong những năm qua. Riêng trong năm 2022 và 2023, nhu cầu tiêu thụ vàng ở Việt Nam lần lượt là 59,1 tấn/năm và 55,5 tấn/năm. Trong khi khai thác vàng ở trong nước cũng chỉ khoảng 1,5- 2 tấn/năm. Dù NHNN đã điều chỉnh một số quy định về đấu thầu vàng, giúp đạt kết quả trúng thầu cao hơn, nhưng nếu NHNN chỉ cung ứng vàng ra thị trường qua đầu thầu, thì cũng không thể nào cân đối được cung cầu vàng hiện nay.
Đầu thầu chỉ như “muối bỏ bể”
Sở dĩ nhiều phiên đấu thầu vàng bị thất bại do quy định về đầu thầu vàng miếng chưa phù hợp. Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, Chuyên gia tài chính ngân hàng, về nguyên tắc, người tham gia đấu thầu quyết định về giá, số lượng. Tuy nhiên, NHNN là người bán, vừa quyết định về giá và số lượng là không hợp lý.
Mục tiêu đầu thầu vàng miếng của NHNN là tăng cung vàng ra thị trường để góp phần làm giảm chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC và giá vàng quốc tế quy đổi. Tuy nhiên đến nay, có thể thấy mục tiêu này gần như đã bị thất bại.
Trên thực tế, giá vàng tăng cao chủ yếu gây ra các hệ lụy, chứ không tác động nhiều đến kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, nếu NHNN tiếp tục nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng cung ứng ra thị trường qua đấu thầu, thì lại càng gây sức ép cho tỷ giá. Bởi nhập khẩu vàng nguyên liệu tiêu tốn lượng lớn ngoại tệ. Trong khi đó, quỹ dự trữ ngoại hối của Việt Nam chỉ có hạn.
IMF ước tính dự trữ ngoại hối của Việt Nam ở mức 98,7 tỷ USD vào cuối năm 2023, chỉ tương đương hơn 3 tháng nhập khẩu. Do đó, theo các chuyên gia, dự trữ ngoại hối chỉ nên được sử dụng đảm bảo ổn định tỷ giá và đáp ứng nhu cầu thanh toán của đất nước trong các hoạt động kinh tế, chứ không nên sử dụng quá nhiều cho nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng bán ra thị trường.
Như vậy, đấu thầu vàng miếng SJC chỉ như “muối bỏ bể” và không có hiệu quả để kéo giá vàng miếng SJC xuống sát giá vàng quốc tế quy đổi theo mục tiêu của NHNN. Thậm chí, nếu NHNN vẫn để giá chào thầu cao, thì sẽ làm cho giá vàng miếng SJC ngày càng cao hơn giá vàng quốc tế quy đổi.
Cần giải pháp nào?
Trong khi đấu thầu vàng miếng không hiệu quả, thì trước mắt NHNN cần sớm trình Chính phủ xóa bỏ độc quyền vàng miếng, đồng thời cấp phép cho một số doanh nghiệp đủ điều kiện được nhập khẩu vàng nguyên liệu cho sản xuất, góp phần “hạ nhiệt” giá vàng. Tuy nhiên, giải pháp này cũng sẽ gây áp lực lên tỷ giá, vì các doanh nghiệp phải thu gom ngoại tệ để nhập khẩu vàng. Do đó, NHNN cần cân đối để đảm bảo hài hòa mục tiêu.
Về dài hạn, cần tách bạch rõ ràng giữa thị trường vàng vật chất và thị trường vàng phi vật chất, tránh đặt hết gánh nặng lên thị trường vàng vật chất như hiện nay. Trong đó, thị trường vàng vật chất sẽ giải quyết nhu cầu mua vàng để cất trữ, làm trang sức, xuất khẩu vàng trang sức…
Theo nhiều chuyên gia, để phát triển ngành vàng trang sức trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, Chính phủ cần sớm trình Quốc hội đưa vàng trang sức ra khỏi ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo Luật đầu tư 2020, vì vàng trang sức là hàng hóa thông thường. Đồng thời, Bộ Tài chính cũng cần sớm trình Chính phủ cho điều chỉnh lại mức thuế xuất khẩu vàng cho phù hợp để khuyến khích xuất khẩu vàng trang sức nhằm tái tạo ngoại tệ đã được sử dụng để nhập khẩu vàng nguyên liệu.
Còn nhớ trong giai đoạn 2016 – 2020 khi thuế xuất khẩu vàng ở mức 0%, một số doanh nghiệp đã xuất khẩu hàng tỷ USD vàng trang sức, trong đó Tập đoàn DOJI xuất khẩu được 2,5 tỷ USD. Tuy nhiên, từ khi Chính phủ định chung 1 mức thuế suất xuất khẩu 2% đối với mặt hàng vàng, các doanh nghiệp không thể xuất khẩu được.
Đối với thị trường vàng phi vật chất, NHNN cần sớm trình Chính phủ cho thành lập Sở giao dịch vàng quốc gia. Sở giao dịch vàng sẽ giải quyết nhu cầu đầu tư tài chính đối với vàng. "Việc lập Sở giao dịch vàng là rất cần tính đến. Tuy nhiên, vàng là hàng hóa đặc biệt, nên cần tính tới phương thức quản lý như thế nào", GS.TS. Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội, nhấn mạnh.
Trước đây, sàn vàng hoạt động tự phát và không có hành lang pháp lý điều chỉnh, nên đã gây bất ổn thị trường vàng và để lại nhiều hậu quả. Nay Sở giao dịch vàng được đặt dưới hành lang pháp lý chặt chẽ, sẽ góp phần giảm thiểu chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng quốc tế, giúp minh bạch mọi giao dịch vàng, Nhà nước thu được thuế, đẩy lùi các sàn vàng bất hợp pháp...
“Sở giao dịch vàng sẽ góp phần giảm mạnh nhu cầu vàng vật chất, không phải chi quá nhiều ngoại tệ cho nhập khẩu vàng nguyên liệu, giảm sức ép tỷ giá”, một chuyên gia nhấn mạnh và cho biết thêm, Sở giao dịch vàng đã được nhiều quốc gia, kể cả Trung Quốc, triển khai và đem lại hiệu quả cao trong quản lý thị trường vàng.
https://diendandoanhnghiep.vn/thuoc-dac-tri-loan-gia-vang-263295.html