Thường trực Chính phủ cho rằng các chính sách điện mặt trời mái nhà tự dùng "nên khuyến khích bán nhưng có điều kiện".
Nội dung trên nêu tại thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ về tình hình xây dựng các Nghị định về cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA); chính sách khuyến khích điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu và phát triển các dự án điện khí.
Theo Thường trực Chính phủ, cơ chế khuyến khích điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu là chính sách quan trọng, để doanh nghiệp, người dân chủ động một phần nguồn điện, giảm áp lực, góp phần đảm bảo cung ứng điện trong năm 2024 và các năm tiếp theo.
Vì thế, Bộ Công Thương khi xây dựng chính sách cần bảo đảm mục tiêu khuyến khích người dân sử dụng năng lượng tái tạo có sẵn, hài hòa lợi ích. Cơ quan này cũng phải rà soát để không có sơ hở dẫn đến trục lợi chính sách.
"Quy định tích điện cụ thể để nguồn tự sản, tự tiêu sử dụng không hết được bán thế nào? Giá bán trên nguyên tắc nào?", thông báo nêu, thêm rằng các chính sách "nên khuyến khích bán điện dư thừa, nhưng có điều kiện".
Trước đó, theo dự thảo Bộ Công Thương, điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu nối lưới hay không sẽ không được giao dịch mua bán. Tức là, điện dư thừa chọn phát lên lưới sẽ chỉ được ghi nhận sản lượng với giá 0 đồng.
Bởi, theo nhà chức trách, loại hình này được xây dựng với nhiều cơ chế ưu đãi như được nối lưới, miễn giấy phép hoạt động điện lực, không phải điều chỉnh công năng đất. Do đó, nếu cho mua bán sẽ gây ra tình trạng phát triển ồ ạt, khó kiểm soát dẫn tới tình trạng mất cân đối nguồn, ảnh hưởng an toàn hệ thống điện quốc gia.
Đề xuất nhận được đồng tình của một số chuyên gia trong bối cảnh chưa tính toán được toàn bộ lợi ích, chi phí. Nhưng số khác lại cho rằng như vậy "không công bằng và đi ngược nguyên tắc thị trường". Do đó, sẽ khó thu hút người dân, doanh nghiệp tham gia vì suất đầu tư không hiệu quả.
Công nhân lắp đặt tại một dự án điện mặt trời mái nhà. Ảnh: VGP
Từ năm 2017, để khuyến khích năng lượng tái tạo, Chính phủ có cơ chế mua lại điện mặt trời mái nhà do người dân đầu tư với mức giá ưu đãi (giá FIT) 9,35 cent một kWh, sau đó giảm xuống 7,09 cent một kWh với các dự án chuyển tiếp. Chính sách này thúc đẩy người dân ồ ạt bỏ chi phí đầu tư hệ thống năng lượng mặt trời mái nhà để sử dụng và bán phần công suất dư thừa cho EVN.
Số liệu từ EVN cho thấy, tính đến ngày 31/12/2020 - thời điểm chính sách giá FIT hết hiệu lực, cả nước có khoảng 101.029 công trình loại này được đấu nối vào hệ thống điện với tổng công suất lắp đặt lên tới 9.296 MW.
Cũng theo kết luận của Thường trực Chính phủ, Bộ Công Thương phải làm rõ là tiêu chí "tự sản, tự tiêu" và trách nhiệm của các bộ về quy định phòng cháy chữa cháy, xây dựng, kỹ thuật.
Ngoài điện mặt trời mái nhà tự dùng, cơ chế mua bán điện trực tiếp DPPA và phát triển các dự án điện khí có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, giảm áp lực cho Chính phủ và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trong phát triển nguồn điện. Các cơ chế này sẽ làm cho thị trường điện minh bạch, cạnh tranh và lành mạnh hơn.
Thường trực Chính phủ lưu ý, khi xây dựng cơ chế DPPA cần tính tới cơ chế giá, phí truyền tải và các chi phí phát sinh khác, cũng như đánh giá tác động đến các chủ thể, nhất là EVN. Bộ Công Thương được yêu cầu trình Chính phủ cơ chế này trước 15/5, còn chính sách phát triển điện khí trong tháng 5.