Thủy sản và gỗ hưởng lợi nếu Việt Nam được công nhận là nền kinh tế thị trường

Theo SSI Research, thông tin Mỹ đang xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường đã mang lại niềm hy vọng lạc quan cho nhiều ngành kinh tế Việt Nam, trong đó có ngành thủy sản và gỗ.

Theo SSI Research, Việt Nam đã nỗ lực đáp ứng 6 tiêu chí để công nhận quy chế kinh tế thị trường và được cụ thể hóa sau khi Việt Nam và Mỹ nâng cấp Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2023. Theo kế hoạch, quyết định chính thức sẽ được Mỹ công bố vào ngày 26/7.

Thủy sản và gỗ hưởng lợi nếu Việt Nam được công nhận là nền kinh tế thị trường- Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Công Thương

Hiện, một số cơ quan của Mỹ đã lên tiếng ủng hộ Việt Nam như Hiệp hội Thương mại Mỹ (AmCham), Hiệp hội Công nghiệp bán lẻ Mỹ (RILA), Hiệp hội Các nhà xuất nhập khẩu Mỹ (AAEI), Hiệp hội Nông nghiệp Mỹ (NASDA), Hiệp hội Dệt may và da giày Mỹ (AAFA) tuy nhiên vẫn có một số bên phản đối như Liên minh sản xuất Mỹ (AAM) hay Công đoàn Công nhân thép (USW).

Theo đánh giá của SSI Research, lợi ích lớn nhất khi được công nhận quy chế kinh tế thị trường là các doanh nghiệp xuất khẩu từ Việt Nam có thể sử dụng giá sản xuất của chính doanh nghiệp đó trong trường hợp Mỹ tiến hành điều tra thuế chống bán phá, tạo ra lợi thế cạnh tranh bình đẳng giữa hàng hóa của Việt Nam đối với hàng hóa xuất khẩu của các quốc gia khác khi mức thuế phòng vệ thương mại phản ánh đúng thực tiễn sản xuất tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam có thể được hưởng lợi về thuế nhập khẩu trong trường hợp Mỹ áp dụng quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) cho Việt Nam.

Theo VASEP, nếu Việt Nam được công nhận là nền kinh tế thị trường, hai ngành được hưởng lợi nhiều nhất là thủy sản và gỗ.

Với thủy sản, trong 10 năm gần đây, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ dao động ở mức 1,5 - 2,1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng đáng kể, từ 18%-23% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Trong đó, Mỹ luôn là thị trường tiêu thụ hàng đầu của các mặt hàng chủ lực như tôm, cá ngừ, cá tra… Ngược lại, Việt Nam đồng thời cũng là một đối tác nhập khẩu cho các nhà kinh doanh thủy sản Mỹ với giá trị nhập khẩu từ 65-70 triệu USD/năm. Những sản phẩm nhập khẩu nổi trội là cá hồi, cá trích, cá minh thái, cá bơn…

Tuy nhiên, Mỹ đang điều tra các doanh nghiệp xuất khẩu tôm về khả năng vi phạm chống trợ cấp, với kết quả cuối cùng sẽ có ngày 5/8/2024. Việc công nhận có thể hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu tôm sử dụng giá của chính doanh nghiệp mình trong các vụ kiện. Lưu ý rằng giá tôm Việt Nam cao hơn so với các đối thủ cạnh tranh và mức thuế chống trợ cấp (CVD) sơ bộ thấp hơn đối thủ (Việt Nam bị áp mức 2,84% so với đối thủ 4,36%-7,55%).

Còn đối với ngành gỗ, theo phân tích của SSI Research, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 4/2024 đạt 1,3 tỷ USD, tăng 0,2% so với tháng 3/2024 và tăng 19,4% so với tháng 4/2023. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 893 triệu USD, tăng 0,7% so với tháng 3/2024, và tăng 14,1% so với tháng 4/2023.

Lũy kế 4 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 4,84 tỷ USD, tăng 23,7% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 3,3 tỷ USD, tăng 25,8% so với cùng kỳ năm 2023.

Sự khởi đầu thuận lợi trong những tháng đầu năm với việc các đơn hàng gia tăng, các doanh nghiệp ngành gỗ tăng tốc sản xuất để kịp tiến độ xuất khẩu đã mở ra tín hiệu tích cực và mang tới kỳ vọng cho ngành gỗ của Việt Nam trong năm 2024.

Tuy nhiên, ngành gỗ vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn khi một số sản phẩm gỗ của Việt Nam như gỗ dán, tủ gỗ và bàn trang điểm bằng gỗ, nội thất phòng ngủ bằng gỗ, ghế khung gỗ hiện đang bị điều tra thuế chống bán phá giá và thuế tự vệ như các sản phẩm cùng loại của Trung Quốc (thuế chống bán phá giá của gỗ dán, tủ gỗ và bàn trang điểm bằng gỗ, ghế khung gỗ lần lượt là 183,36%; 4,37%-262,18%; 25%).

Nếu Việt Nam được công nhận có nền kinh tế thị trường thì đây sẽ là lợi thế cho cho các doanh nghiệp Việt Nam trong các đợt xem xét hành chính thuế chống bán phá giá tôm, cá tra và điều tra CVD trong thời gian tới.

Ngoài những vấn đề như thuế CBPG, thuế chống trợ cấp, các rào cản và quy định khác cũng có thể sẽ được nhìn nhận, rà soát với một phương diện nới lỏng hơn, thuận lợi hơn cho ngành thủy sản Việt Nam, giúp người tiêu dùng Mỹ tiếp cận nhiều hơn với nguồn thủy sản chất lượng và giá tốt của Việt Nam; đồng thời, cũng là cơ hội thu hút hơn các nhà đầu tư từ Mỹ tới với ngành thủy sản Việt Nam, mở rộng cơ hội giao thương thủy sản giữa 2 nước.

Tương tự, việc được công nhận nền kinh tế thị trường sẽ giảm thiểu được các rủi ro trong vụ kiện chống bán phá giá; cơ sở xác định áp đặt mức thuế cho Việt Nam sẽ thấp hơn hiện nay; đồng thời thuận lợi hơn trong thực hiện các thủ tục hành chính, giảm được chi phí, nhập khẩu thuận lợi hơn thì gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam hạ được giá thành, tăng khả năng cạnh tranh.

An Mai (t/h)

https://doanhnghieptiepthi.vn/thuy-san-va-go-huong-loi-neu-viet-nam-duoc-cong-nhan-la-nen-kinh-te-thi-truong-161211220114033226.htm