Dự án Khu bến cảng Mỹ Thuỷ đã được nhà đầu tư tích cực triển khai sau khi tái khởi động trở lại vào ngày 25/3 vừa qua. Tuy vậy, quá trình triển khai dự án vẫn đang gặp một số khó khăn, vướng mắc cần được giải quyết.
Dự án Khu bến cảng Mỹ Thuỷ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 16/QĐ-TTg ngày 4/1/2019. Dự án do Công ty cổ phần Liên doanh cảng quốc tế Mỹ Thủy (MTIP) làm chủ đầu tư thực hiện.
Dự án có quy mô 10 bến, tổng vốn đầu tư 14.234 tỷ đồng; tiến độ thực hiện từ năm 2018-2035. Trong đó, giai đoạn 1 từ 2018-2025 với quy mô 4 bến, vốn đầu tư 4.946 tỷ đồng (tại Quyết định số 04/QĐ-MTIP ngày 19/7/2023 của MTIP phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi giai đoạn 1 là 6.073 tỷ đồng).
Theo BQL Khu kinh tế Quảng Trị cho biết, về thủ tục pháp lý, đến nay dự án đã hoàn thành được nhiều thủ tục đầu tư như: Quy hoạch chi tiết xây dựng; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; phê duyệt thiết kế cơ sở, phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án (F/S); phê duyệt thiết kế kỹ thuật thi công; giao khu vực biển; cấp phép thi công đợt 1 khoảng 320 m hạng mục kè chắn sóng phía Tây; đưa dự án ra khỏi khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia; chuyển đổi mục đích sử dụng rừng.
Với công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), trong giai đoạn 1, dự án đã được phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ và người dân đã đồng thuận diện tích 125,49/133,67 ha (đạt 93,88%); tổng kinh phí GPMB đã chi trả là 97,32 tỷ đồng; đã cho thuê đất đợt 1 với diện tích 104,71 ha; và hiện còn 8,18 ha người dân chưa đồng thuận. Hiện nay, UBND tỉnh Quảng Trị đang tập trung đôn đốc các sở, ngành, địa phương khẩn trương giải quyết các vướng mắc để hoàn thành trước ngày 30/5/2024.
Về tiến độ thi công, sau khi tái khởi động lại dự án vào ngày 25/3 vừa qua, hiện nay nhà đầu tư (MTIP) đang tổ chức thi công bãi chứa cấu kiện khối phủ 4T, 12T, diện tích 1,96 ha; đường công vụ, bãi chứa cấu kiện khối 1A, 1B, 2A,2B diện tích 0.41 ha; Trạm cân kiểm soát vật liệu.
Bên cạnh đó, dự án đã thi công bến tạm (bắt đầu từ 25/4/2024) và đã thi công tuyến đê, kè phía đông (bắt đầu từ ngày 5/5/2024). Dự kiến các hạng mục công việc đang triển khai này sẽ hoàn thành trước 20/5/2024 để tiến hành thi công các hạng mục chính theo giấy phép xây dựng đã được cấp.
Cũng theo BQL Khu kinh tế Quảng Trị, hiện nay dự án vẫn đang gặp một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Về vị trí đổ cát, chất nạo vét, diện tích làm bãi tạm hiện nay đã được xác định với diện tích khoảng 58 ha (gồm bãi tạm diện tích 18,4 ha trong khu vực dự án được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt tại Báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án; khu đất diện tích khoảng 20 ha đã được cấp quyền sử dụng đất cho Công ty cổ phần đầu tư và khoáng sản VICO tại Khu kinh tế Đông Nam; bãi tạm có diện tích khoảng 10- 20 ha, vị trí từ đường cứu hộ đoạn tiếp giáp ranh giới với dự án Cảng quốc tế Mỹ Thủy chạy dọc bờ biển và sát khu đất Dự án nhà máy nhiệt điện BOT Quảng Trị 1) chưa đảm bảo để chứa khoảng 17 triệu m3 sản phẩm nạo vét của dự án.
MTIP đã đề xuất thực hiện thủ tục GPMB giai đoạn 2 và giai đoạn 3 của dự án để phục vụ làm bãi tạm tập kết chất nạo vét. Hiện nay UBND tỉnh Quảng Trị đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu quy định pháp luật về đất đai và các quy định pháp luật có liên quan để hướng dẫn huyện Hải Lăng và MTIP thực hiện theo quy định.
Đối với phương án thu hồi khoáng sản trong phạm vi thực hiện dự án, hiện nay MTIP đang xây dựng phương án khai thác tổng thể trên toàn khu vực để báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường (Theo ý kiến của Cục Khoáng sản Việt Nam tại Công văn số 53/2023/CV-PTDA ngày 11/12/2023).
BQL Khu kinh tế Quảng Trị cho biết, trong thời gian tới, Ban sẽ tiếp tục tham mưu ý kiến UBND tỉnh để đôn đốc các sở, ngành, địa phương giải quyết các khó khăn, vướng mắc để hoàn thành công tác GPMB diện tích còn lại (8,18 ha) và diện tích bổ sung của giai đoạn 2 khoảng 43,44 ha theo đề xuất của nhà đầu tư để phục vụ mặt bằng thi công giai đoạn 1. Đôn đốc, chỉ đạo các sở, ngành làm việc với các bộ, ngành trung ương để sớm cho ý kiến về phương án nạo vét vũng quay tàu; ý kiến về phương án tận thu sản phẩm nạo vét của dự án.
Tập trung chỉ đạo, đôn đốc, giám sát nhà đầu tư triển khai thi công đê chắn sóng, cầu cảng và các công trình phụ trợ khác để đưa vào sử dụng ít nhất 1 cầu cảng trong năm 2025.