Tại buổi toạ đàm ngày 15/05, trước ý kiến cho rằng việc sử dụng điện lãng phí, thiếu hiệu quả có nguyên nhân một phần do nhận thức hạn chế, hệ thống phụ tải và tiêu thụ điện tăng cao hay giá điện còn thấp khiến chi phí tiết kiệm không hấp dẫn… TS. Hà Đăng Sơn đã chia sẻ một số nhận định của mình.
Cụ thể tại buổi toạ đàm “Tiết kiệm điện – Từ chính sách đến cuộc sống”, TS. Hà Đăng Sơn -Chuyên gia năng lượng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và tăng trưởng xanh đã chia sẻ một số nhận định về câu chuyện tiết kiệm điện.
Đầu tiên, Tiến sĩ cho rằng tiết kiệm điện là câu chuyện liên quan đến nhận thức, bởi thói quen được xây dựng qua quá trình lâu dài chứ không phải thông qua những phong trào mang tính chất ngắn hạn. Do đó, Chính phủ, Bộ Công Thương (BCT) liên tục đưa ra những yêu cầu, chỉ thị, hướng dẫn trong câu chuyện tạo ra thói quen, nhận thức mới của người tiêu dùng từ các hộ gia đình tới các doanh nghiệp.
“Mỗi chúng ta không có thói quen tốt, không biến thành việc hằng ngày thì chúng ta sẽ cảm thấy cực kỳ khó khăn. Đối với các quốc gia phát triển, việc đào tạo, giáo dục tiết kiệm điện, tài nguyên thiên nhiên được thực hiện một cách hiệu quả từ nhỏ, trong hệ thống giáo dục, trên các phương tiện giao thông, các nơi công cộng… để nhắc nhở” – trích lời Tiến sĩ.
Tiến sĩ Hà Đăng Sơn |
Tuy nhiên, trong khi các hệ thống khu dân cư của các nước phát triển rất ưu tiên sử dụng các nguồn năng lượng tại chỗ, ví dụ năng lượng từ rác… ông Sơn cho rằng vấn đề này vẫn đang khá chậm ở Việt Nam.
Có ý kiến cho rằng chi phí tiết kiệm đang quá thấp làm cho người dân không cảm thấy cần phải làm điều đó. Về điểm này, Tiến sĩ đã lấy ví dụ từ Nghị định 100 của Chính phủ về cấm rượu bia khi tham gia giao thông.
“Nghị định 100 xử phạt rất nặng. Trong câu chuyện này, người dân tuân thủ và dần thói quen, hành động của người dân khác hẳn. Phải chăng tiết kiệm điện, tiết kiệm tài nguyên cũng phải có những chế tài nặng như thế thay vì hiện nay các quy định đa phần vẫn mang tính chất khuyến khích, giáo dục?” – ông Sơn cho biết.
Theo Tiến sĩ, những hoạt động liên quan đến sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả đã có từ cách đây hơn 20 năm. “Phải chăng nhận thức của cộng đồng chúng ta đã đủ chín để bắt đầu đưa ra những hành động mạnh mẽ hơn, mang tính chất bắt buộc hơn chứ không phải câu chuyện không muốn thì thôi?”
Ông Sơn chia sẻ, giá năng lượng của Việt Nam ít nhiều đang được trợ giá. “Có các ý kiến là thu nhập của chúng ta thế này, tại sao chúng ta phải trả giá thế kia, đắt quá. Nhưng thực ra, chúng ta quên một điểm là giá năng lượng thế giới hiện nay về bản chất không khác gì nhau. Chúng ta đều mua những nhiên liệu đấy, đều sản xuất với mức giá nếu đấu thầu thì ở Việt Nam và thế giới không khác gì nhau. Vừa rồi điện mặt trời, điện gió chi phí cũng như thế, giá cũng như vậy, chỉ có điều chúng ta không nhìn thấy giá nhiên liệu”.
Ví dụ như nhà máy điện Ô Môn, phải nhập dầu khí bằng giá quốc tế, nên giá năng lượng chẳng có lý do để rẻ hơn thế giới. “ Ngay cả TKV (Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam) cũng yêu cầu giá than bán cho EVN phải phản ánh được giá thị trường. Giá của chúng ta hiện nay là đang được trợ giá do chính sách an sinh xã hội và nhiều chính sách khác của Chính phủ”.
“Chính phủ và Bộ Công Thương cũng đang trong tiến trình cố gắng cải cách giá theo các cơ chế khác nhau để làm sao bám dần vào thị trường, tránh những việc như vừa rồi, EVN phải báo lỗ, mà lỗ ở đây không phải lỗi của EVN khi chúng ta phải mua nhiên liệu đầu vào rất cao nhưng bán ra với giá đã được cố định và giữ nguyên trong rất nhiều năm, không hề có điều chỉnh trượt giá so với giá năng lượng thế giới” .
Về chế tài, Tiến sĩ cho biết Việt Nam đã có loạt quy định, nghị định, thông tư… nhưng lại khác biệt trong triển khai ở các địa phương. Có địa phương quan tâm, thúc đẩy tiết kiệm điện hiệu quả, nhưng có nơi do nhiều vấn đề an sinh xã hội, mong muốn thu hút đầu tư… mà tạo những điều kiện rất ưu đãi cho nhà đầu tư.
“Trong trường hợp này, có thể những doanh nghiệp đầu tư vào sử dụng năng lượng một cách không hiệu quả, dùng những công nghệ không phải mới nhất, dẫn đến lãng phí năng lượng lớn. Đây là một thực tế chúng ta phải nhìn nhận. Trong thời gian tới tôi mong được nhìn thấy những tín hiệu, động thái điều chỉnh”.
Vấn đề cuối cùng, ông Sơn cho rằng Việt Nam chưa có mạng lưới tiết kiệm năng lượng đủ mạnh. Giai đoạn 2015 - 2016, các mạng lưới về tiết kiệm năng lượng khá mạnh ở các địa phương, nhưng do nhiều lý do mà bị giải thể, sáp nhập.
“Do đó chức năng không chỉ là tiết kiệm năng lượng mà còn nhiều nhiệm vụ khác, các hoạt động liên quan đến tiết kiệm năng lượng hiệu quả không được quan tâm đúng mức. Đây là điểm tôi thấy rất đáng tiếc. Vừa rồi có tin vui là Bộ Công Thương đã thúc đẩy và có sự ra đời mạng lưới tiết kiệm điện Việt Nam, bắt đầu trong năm 2023-2024. Đã thấy có rất nhiều hoạt động, tuy nhiên vẫn chưa đủ mạnh” .