TS. Lê Xuân Nghĩa chia sẻ: “Nếu chúng ta luôn luôn học hỏi và tìm kiếm những cơ hội đầu tư một cách chính thống và bài bản thì có thể cơ hội sẽ đến. Và lúc nó đến, chúng ta trở nên khá giả một cách bất ngờ”.
Tại “Chương trình Đối thoại Đầu tuần” do Báo Đầu tư phối hợp cùng Cộng đồng Cố vấn tài chính Việt Nam (VWA) tổ chức với chủ đề "Xu thế quản lý gia sản tại Việt Nam”, TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia và ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO AFA Capital đã có nhiều chia sẻ về tình hình và xu hướng quản lý gia sản của người Việt Nam.
Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa cho biết, xét về căn bản và dài hạn, lãi suất là yếu tố quyết định nhất liên quan đến vấn đề tích sản và đầu tư. Bởi khi đầu tư cần xem xét đến rủi ro, mà vấn đề này luôn gắn chặt với lãi suất. Xét theo đường cong rủi ro, tài sản đầu tư có rủi ro thấp nhất là trái phiếu Chính phủ, cũng đồng nghĩa với mức lợi nhuận thấp nhất. Tiếp theo là tiền gửi tiết kiệm, trái phiếu doanh nghiệp và rủi ro cao nhất là cổ phiếu. Ngoài ra, bất động sản cũng là thị trường lớn ở Việt Nam.
Nhìn một cách tổng quát, quốc gia mới nổi như Việt Nam với tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người cao thì cơ hội đầu tư là rất nhiều, nằm rải rác ở khắp nơi. Tuy vậy, người dân Việt Nam không quá hiểu biết về toàn bộ thị trường tài chính, mà đây thực sự là thị trường phức tạp.
“Trải qua một thời kỳ bao cấp, thói quen quản lý gia sản và tích sản của người Việt Nam đang còn kém, yếu. Người dân Việt Nam mạnh mua xổ số vì họ thiếu những kiến thức đầu tư tài chính, về quản lý gia sản nói chung và tìm cách đầu tư dựa vào may mắn. Đây là dạng đầu tư không có tri thức, và phải dựa vào may mắn", chuyên gia nhận định.
Chương trình Đối thoại Đầu tuần với chủ đề "Xu thế quản lý gia sản tại Việt Nam" |
"Vấn đề quan trọng nhất bây giờ là làm thế nào để dân chúng Việt Nam bớt những cái đầu tư may mắn mà quay trở lại đầu tư có hiểu biết”, TS. Lê Xuân Nghĩa đặt vấn đề.
Chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn của mình, ông cho biết mình là người đầu tiên ở Việt Nam đầu tư vào chứng khoán. Thời điểm 2 mã cổ phiếu đầu tiên cổ phần hoá là REE và SAM thì ông đã tham gia đầu tư với khối lượng mua rất lớn. Nhờ sự hỗ trợ của bạn bè, ông mua tới 300 triệu đồng - giá trị rất lớn ở thời điểm đó. Sau 6 tháng, ông Nghĩa bán đi một nửa và thu về 1,8 tỷ đồng.
“Nếu chúng ta luôn luôn học hỏi và tìm kiếm những cơ hội đầu tư một cách chính thống và bài bản thì có thể cơ hội sẽ đến. Và lúc nó đến, chúng ta trở nên khá giả một cách bất ngờ”, ông Nghĩa chia sẻ.
Chia sẻ về xu thế quản lý gia sản, ông Nguyễn Minh Tuấn cho biết thị trường đầu tư ở Việt Nam có 3 điểm nổi bật. Thứ nhất là dân trí tài chính, cần phải tìm cách để kiến thức tài chính để trở nên đơn giản và dễ hiểu, để mọi người có thể chủ động quản trị danh mục của mình.
Thứ hai là sản phẩm đầu tư. CEO AFA Capital cho biết, đôi khi người dân không chọn được sản phẩm đầu tư, do đó, nhiệm vụ chính là đưa ra và tôn vinh những sản phẩm tài chính tốt để mọi người có thể quản lý bài bản và bền vững. Thứ ba là các danh mục đầu tư được đưa ra làm sao để thuận tiện với mọi người.
"Mọi người thường có nhu cầu đơn giản là đầu tư cao hơn lãi suất tiếp kiệm là được. Do đó, xu thế là phải tìm ra những sản phẩm, danh mục đầu tư hiệu quả hơn lãi suất tiết kiệm để luồng tiền ở trong nền kinh tế không chỉ đơn thuần chảy vào thị trường tiền tệ mà còn chảy vào thị trường tài chính. Ngoài ra, làm sao để kích thích tất cả mọi người có tư duy đầu tư.”