Tiến sỹ Trần Đình Thiên: Phải coi điện là tài nguyên quý

Chuyên gia cho rằng, để sử dụng điện hiệu quả thì sản lượng điện phải đủ, nếu thiếu điện sẽ không thể hiệu quả và không phải vì thiếu mới cần tiết kiệm, điều quan trọng là nguồn cung về điện phải ổn cùng đó là tiếp tục nâng cao ý thức, giáo dục công dân coi điện là tài nguyên quý giá của con người.

Để bảo đảm điện năng cho sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của người dân, việc thúc đẩy đầu tư cho sản xuất điện, tăng cường năng lực nguồn điện, phát điện vẫn là chưa đủ mà còn một vế đặc biệt quan trọng đó là sử dụng điện một cách hiệu quả, bền vững và tiết kiệm. Đây là quan điểm xuyên suốt được đưa ra tại Tọa đàm về "Tiết kiệm điện - Từ chính sách đến cuộc sống" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 15/5.

Tỉ lệ sử dụng năng lượng chưa hiệu quả

Tại Tọa đàm, ông Võ Quang Lâm, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, Việt Nam là quốc gia có tỉ lệ sử dụng năng lượng chưa hiệu quả. Nếu so sánh theo hệ số quy đổi, để có 1.000 USD Việt Nam cần 376 tấn dầu quy đổi, trong khi trung bình trên thế giới chỉ vào khoảng 170 tấn dầu quy đổi, với các nước trong OECD con số này khoảng 104 tấn dầu quy đổi, với Singapore là 99 tấn dầu quy đổi, Nhật Bản là 90 tấn dầu quy đổi.

“Để có 1.000 USD, chúng ta đang tiêu thụ năng lượng gấp khoảng 2-3 lần các quốc gia khác. Đây là thách thức rất lớn để chúng ta phải làm tốt hơn công tác sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, đặc biệt là tiết kiệm điện trong thời gian tới”, ông Lâm nói.

Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc EVN - Ảnh: VGP

Thời gian qua, Bộ Công Thương với vai trò là cơ quan đầu mối của Chính phủ, thực hiện Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả cũng đã tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, cũng như các địa phương trên cả nước thực hiện có hiệu quả và mạnh mẽ các giải pháp thúc đẩy sử dụng điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Thông tin từ ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) cho thấy, thực hiện được Chỉ thị 20 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã xây dựng bộ nhận diện của chương trình tiết kiệm điện và khẩu hiệu của chương trình là "Tiết kiệm điện thành thói quen", đây là khẩu hiệu dễ nhớ, dễ thực hiện.

“Bộ Công Thương cũng ban hành các sổ tay hướng dẫn và các hướng dẫn trên môi trường internet ở trang tietkiemnangluong.com.vn, trang thông tin điện tử chính thức của chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Bộ cũng gửi bản mẫu thiết kế cho tất cả các cơ quan quản lý Nhà nước tại địa phương để có thể kịp thời phổ biến, hướng dẫn đến các DN, người dân và cộng đồng xã hội trên địa bàn toàn quốc.

Ông Hà Đăng Sơn, Chuyên gia năng lượng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và tăng trưởng xanh - Ảnh: VGP

Coi điện là tài nguyên quý giá của con người

Đề cao vấn đề tiết kiệm điện liên quan đến nhận thức và thói quen sử dụng, ông Hà Đăng Sơn, Chuyên gia năng lượng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và tăng trưởng xanh cho rằng, sở dĩ Chính phủ, Bộ Công Thương liên tục đưa ra những yêu cầu, chỉ thị, hướng dẫn nhằm tạo ra thói quen, nhận thức mới của người tiêu dùng từ các hộ gia đình tới các DN trong thực hiện tiết kiệm năng lượng. Bởi vì nếu không có thói quen tốt về tiết kiệm điện, không biến thành việc hằng ngày mỗi người sẽ cảm thấy cực kỳ khó khăn.

Từ thực tế ông Sơn nhận xét, có những địa phương đã quan tâm, thực sự thúc đẩy việc tiết kiệm điện nên đạt hiệu quả rất cao, nhưng vẫn có nhiều địa phương do nhiều vấn đề an sinh xã hội, mong muốn thu hút đầu tư… tạo những điều kiện rất ưu đãi cho nhà đầu tư…nên để DN đầu tư sử dụng năng lượng không hiệu quả, dùng những công nghệ không phải mới nhất, dẫn đến lãng phí năng lượng lớn.

“Hiện nay chúng ta chưa có mạng lưới tiết kiệm năng lượng đủ mạnh, các hoạt động liên quan đến tiết kiệm năng lượng hiệu quả không được quan tâm đúng mức. Hy vọng trong thời gian tới Chính phủ, Bộ Công Thương cùng các đơn vị liên quan cũng sẽ thúc đẩy để mạng lưới tiết kiệm năng lượng lại quay lại được như cách đây gần 10 năm”, ông Hà Đăng Sơn đề xuất.

TS. Trần Đình Thiên, chuyên gia kinh tế: Ý thức tiết kiệm điện cần như nét văn hóa - Ảnh: VGP

Tại tọa đàm, TS. Trần Đình Thiên, chuyên gia kinh tế đánh giá, Chỉ thị số 20 của Chính phủ đã đưa ra cách tiếp cận rõ ràng hơn trong sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, hướng Việt Nam đến cam kết chính trị chương trình hành động. Tuy nhiên, ông Thiên cũng chỉ rõ, để sử dụng điện hiệu quả thì sản lượng điện phải đủ, nếu thiếu điện sẽ không thể hiệu quả.

“Không phải vì thiếu mà chúng ta mới cần tiết kiệm, mà điều quan trọng là nguồn cung về điện phải ổn. Chính phủ phải chủ động để làm sao ý thức tiết kiệm điện như một nét văn hóa. Cần nâng cao ý thức, giáo dục công dân coi điện là tài nguyên quý giá của con người. Thời gian qua truyền thông đã làm mạnh nhưng tới đây sẽ phải làm tốt hơn nữa”, ông Thiên lưu ý.

Nguyễn Quỳnh/VOV.VN

Link gốc

https://vov.vn/kinh-te/tien-sy-tran-dinh-thien-phai-coi-dien-la-tai-nguyen-quy-post1095360.vov