Tìm cơ hội trong giai đoạn thị trường tích lũy

, , ,

Tích lũy

Với việc mất 13,77 điểm trong phiên giao dịch 28/6/2024, chỉ số VN-Index đóng cửa phiên giao dịch cuối tháng 6 ở mốc 1.245,32 điểm. Thị trường đang bước vào nhịp biến động tích lũy, khi nhà đầu tư ở trạng thái tâm lý lưỡng lự.

Nhìn lại các yếu tố vĩ mô trong giai đoạn 6 tháng đầu năm 2024, có thể thấy, diễn biến đáng chú ý nhất là việc cắt giảm lãi suất của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới, đặc biệt là Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chậm hơn so với dự báo cuối năm 2023, kéo theo nhiều đồng tiền, trong đó có VND chịu mức giảm giá mạnh so với USD. Cùng với đó, những biến động mạnh trên thị trường vàng buộc Ngân hàng Nhà nước cũng như các cơ quan quản lý phải có biện pháp mạnh mẽ nhằm thu hẹp khoảng cách giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới. Đây tiếp tục là những biến số cần được theo dõi sát sao trong tháng 7.

Tháng 7 cũng là thời điểm Chính phủ bắt đầu thực hiện cải cách tiền lương, với việc tăng 30% lương cơ sở và điều này dự báo sẽ đẩy chỉ số giá tiêu dùng đi lên. Đồng thời, giai đoạn này, bên cạnh áp lực tỷ giá thường trực, nhà đầu tư cũng đang dõi theo diễn biến của lãi suất - đang có xu hướng nhích lên.

Ông Trần Minh Hoàng, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng, chỉ số VN-Index diễn biến trồi sụt và “dích dắc” đi xuống trong những tuần gần đây sau nhiều lần nỗ lực bứt phá ngưỡng 1.300 điểm không thành. Sự vận động của thị trường phần nào đã phản ánh những rủi ro mang tính thời điểm, liên quan đến các yếu tố như tỷ giá USD/VND, hoạt động điều tiết cung tiền của Ngân hàng Nhà nước, thanh khoản hệ thống ngân hàng và áp lực bán ròng mạnh mẽ của khối ngoại. Xu hướng chính của thị trường chứng khoán trong tháng 7 sẽ chưa có nhiều thay đổi, mà có thể vẫn là những nhịp điều chỉnh giảm ngắn hạn xen kẽ giữa những nhịp hồi phục.

Bù lại, VCBS kỳ vọng vào kịch bản phân hóa trên thị trường với việc dòng tiền chuyển sự chú ý sang các cổ phiếu chưa tăng giá nhiều so với thời điểm đầu năm, đặc biệt là các cổ phiếu có quy mô vốn hóa vừa và nhỏ và thuộc các ngành có tín hiệu cải thiện về lợi nhuận, hoặc có triển vọng kinh doanh ổn định trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều thách thức.

Dưới góc nhìn của ông Bùi Nguyên Khoa, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán BIDV (BSC), VN-Index đang có nhịp điều chỉnh ngắn hạn sau một thời gian tích lũy trên 1.280 điểm, dù vậy, trong trung hạn, chỉ số cơ bản vẫn đang ở vùng tích lũy 1.235 – 1.290 điểm duy trì hơn 3 tháng gần đây. Trong vùng tích lũy này, có một lần VN-Index điều chỉnh giảm khỏi cận dưới vùng tích lũy vào tháng 4 và vượt qua cận trên vào tháng 6. Do đó, theo ông Khoa, xu hướng vận động thị trường tháng 7 sẽ không có nhiều biến động lớn. Vận động tạo xu hướng nếu diễn ra sẽ phụ thuộc vào nhóm cổ phiếu ngân hàng - nhóm dẫn dắt đà tăng của thị trường chứng khoán quý I năm nay (điều này phụ thuộc vào kết quả kinh doanh quý II/2024 của nhóm này).

Bước sang tháng 7, thị trường sẽ quan tâm đến một số yếu tố. Trước hết là dự phóng kết quả kinh doanh quý II và nửa đầu năm của các doanh nghiệp niêm yết. Thông thường, báo cáo tài chính quý II của các doanh nghiệp được công bố vào gần cuối tháng 7, nhưng từ đầu tháng này, nhiều doanh nghiệp đã đưa ra ước tính sơ bộ về con số lợi nhuận, đặc biệt là các doanh nghiệp dự kiến tăng trưởng tốt. Những dữ liệu vĩ mô như tăng trưởng GDP quý II cũng là cơ sở để giới đầu tư đánh giá khả năng phục hồi của nền kinh tế và cũng ảnh hưởng trực tiếp đến diễn biến của giá cổ phiếu.

Còn theo bà Nguyễn Thị Mỹ Liên, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS), bên cạnh những yếu tố trong nước, nhà đầu tư cũng cần quan sát tình hình thế giới. Trong đó, câu chuyện thay đổi chính sách của các ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục là mối quan tâm hàng đầu. Ngoài ra, căng thẳng địa chính trị khu vực Trung Đông, hay căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đang có xu hướng leo thang trở lại cũng có tác động nhất định đến hoạt động kinh doanh của một số doanh nghiệp sản xuất. Bên cạnh đó, một số thông tin có tầm ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán trong nước như Mỹ sẽ xem xét khả năng công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường vào ngày 26/7 tới. Ngoài ra, các điểm nóng xung đột chính trị tại châu Âu, cuộc bầu cử Quốc hội Pháp đầu tháng 7 cũng có ảnh hưởng nhất định đến các thị trường chứng khoán toàn cầu, trong đó có Việt Nam.

Tìm cơ hội

Việc tận dụng giai đoạn thị trường tích lũy trong biên độ hẹp để cơ cấu lại danh mục đầu tư, ưu tiên tỷ trọng vào các nhóm ngành có triển vọng kết quả kinh doanh tích cực cũng là chiến lược được nhà đầu tư quan tâm.

Ông Bùi Nguyên Khoa cho rằng, trong một thị trường đi ngang, phân hóa và vận động dịch chuyển nhanh của dòng tiền, nhà đầu tư nên có những bước giao dịch cẩn trọng và tập trung vào nhóm doanh nghiệp có nền tảng kinh doanh tốt. Từ dữ liệu kết quả kinh doanh quý I/2024 đã xác nhận sự chuyển dịch từ đáy kinh tế sang chu kỳ phục hồi tăng trưởng, biên lợi nhuận có xu hướng hồi phục trong 3 quý gần nhất và lợi nhuận tuyệt đối cải thiện theo quý, BSC đánh giá, các ngành có triển vọng tích cực trong năm 2024 gồm công nghệ thông tin, ngân hàng, dịch vụ hàng không, hóa chất - phân bón, bán lẻ, tài nguyên cơ bản, dệt may, cảng biển và tiện ích. Các ngành du lịch và giải trí, bán lẻ, tài nguyên cơ bản (thép) có mức độ cải thiện mạnh trong quý I/2024, với mức tăng trưởng lần lượt là 1.113%, 367%, 168% và 153% so với cùng kỳ năm 2023 được dự báo tiếp tục có mức tăng trưởng tốt trong năm 2024, qua đó vẫn là nhóm thu hút dòng tiền trên thị trường.

Nhà đầu tư Nguyễn Xuân Bách cho rằng, không hẳn các nhóm cổ phiếu chưa tăng thì có nhiều cơ hội hơn nhóm cổ phiếu đã tăng mạnh trong giai đoạn cuối năm. Bởi vì, cổ phiếu trên thị trường đang được định giá không theo một nguyên tắc hay quy luật nào và cổ phiếu tốt là cổ phiếu tăng giá. Do vậy, dù nhiều cổ phiếu đã ghi nhận mức tăng 50%, thậm chí 100% kể từ đầu năm nhưng ông vẫn nắm giữ như CMG, DCM…

Nhìn về cơ hội trong giai đoạn nửa cuối năm, nhà đầu tư này cho rằng, nhóm bán lẻ, trong đó có DGW và MWG là hai cổ phiếu tiêu biểu vẫn còn tiềm năng tăng trưởng trong giai đoạn tới. Nhóm ngân hàng, dù tín dụng vẫn tăng trưởng chậm nhưng xu hướng vẫn sẽ tăng dần cùng với sự phục hồi của nền kinh tế, nên vẫn còn cơ hội tăng trưởng tốt hơn trong nửa sau năm 2024.

“Nếu chọn một cổ phiếu nhà băng để nắm giữ trong năm 2024, tôi vẫn chọn ACB” nhà đầu tư này chia sẻ.

Trong góc nhìn của ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán VPS, việc tăng trưởng của chỉ số VN-Index trong tháng 7 sẽ “áp lực” nếu không có một số nhóm ngành vốn hóa lớn đủ thay thế nhóm công nghệ, hóa chất tăng điểm mạnh như giai đoạn vừa qua. Tuy vậy, ông Khánh kỳ vọng một kịch bản tốt hơn trong mùa công bố kết quả kinh doanh quý II và số liệu kinh tế vĩ mô bán niên.

“Điểm tích cực là dòng tiền tham gia thị trường vẫn duy trì khá ổn định. Quá trình “đãi cát tìm vàng” vẫn được tiếp tục trong giai đoạn cuối của năm. Khi nền kinh tế có sự phục hồi, những nút thắt tín dụng, điểm nghẽn vốn được gỡ bỏ thì nhóm cổ phiếu tài chính sẽ được lưu ý, bao gồm nhóm cổ phiếu chứng khoán và nhóm cổ phiếu ngành bảo hiểm”, ông Khánh dự báo.

Nguồn

6 Likes