Là cảng container chuyên dụng đầu tiên ở Việt Nam với 25 năm đi vào khai thác, nhưng hiện lượng hàng hóa XNK thông qua cảng container quốc tế Việt Nam (VICT) còn rất khiêm tốn. Ông Trương Nguyên Linh, Phó Tổng giám đốc cảng VICT đã chia sẻ những giải pháp nhằm hút nguồn hàng qua cảng này.
Cảng VICT là cảng container chuyên dụng đầu tiên ở Việt Nam, hoạt động của cảng trong thời gian qua và hiện nay ra sao, thưa ông?
Cảng VICT được Công ty liên doanh Phát triển Tiếp vận số 1 đầu tư và khai thác hoạt động trên cơ sở Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Đây là dự án xây dựng cảng container chuyên dụng đầu tiên ở Việt Nam vào năm 1994 và đưa vào khai thác từ cuối năm 1998. Trong những năm qua, cảng VICT tập trung khai thác, xếp dỡ chuyên dụng các tuyến tàu container cho cả hàng xuất nhập khẩu và hàng nội địa….
Hoạt động kinh doanh của cảng hiện nay vẫn đang phát triển rất tốt, tuy nhiên hiện nguồn hàng xuất nhập khẩu chiếm tỷ trọng còn khá thấp so với quy mô đầu tư và năng lực thiết kế của cảng hiện nay, và đó là khó khăn chúng tôi cần tập trung tháo gỡ trong giai đoạn này.
VICT là một trong những cảng được đầu tư trang thiết bị máy móc hiện đại, có tiềm năng rất lớn, ông có thể chia sẻ về những lợi thế của cảng?
Đúng thế, để có dịch vụ tốt nhất phục vụ khách hàng, cảng VICT đã đầu tư trang thiết bị chuyên dụng với 7 cẩu bờ (QC – Quay Crane) hiện đại với năng suất xếp dỡ trung bình GMPH = 25 container/giờ; 10 cẩu khung bánh lốp (RTG) 5+1, có thể xếp cao tối đa 6 tầng và một số trang thiết bị xếp dỡ chuyên dụng khác; luồng tàu cho phép tàu lớn hải hành ban đêm (LOA >195m); thời gian cắt máng (Closing time) rất linh hoạt tùy theo từng tuyến tàu cụ thể.
Hơn nữa, với thương hiệu 30 năm có mặt trên thị trường cảng biển Việt Nam, với 25 năm khai thác hơn 11,5 triệu TEU thông qua (tính hết năm 2023), năng lực của cảng VICT được đánh giá rất cao vì được vận hành khai thác container chuyên nghiệp với sẵn có tất cả các dịch vụ cảng biển, năng suất xếp dỡ cao, giá thành xếp dỡ hợp lý.
Bên cạnh đó, VICT đã và đang có mạng lưới kết nối với các địa điểm gần các khu công nghiệp/ khu chế xuất/ các nhà máy,… bằng phương thức vận chuyển đường thủy nội địa với các cảng cạn (ICD) tại TP Thủ Đức, Đồng Nai, Bình Dương cũng như các cảng nước sâu tại Cái Mép Thị Vải để chuyển tải hàng hóa cho các tuyến tàu lớn xuyên lục địa.
Khách hàng cũng sẽ tránh được tình trạng ách tắc giao thông khi vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ qua Đại lộ Nam Sài Gòn hướng về phía Đồng bằng sông Cửu Long và nối thẳng với quốc lộ 1A, hoặc bằng đường thủy nội địa từ VICT đến cảng nội địa ở miền Tây Nam bộ.
Với lợi thế của cảng, hiện nay cảng VICT cung cấp những dịch vụ và giải pháp logistics tiện ích nào để thu hút khách hàng, đặc biệt là nguồn hàng XNK, thưa ông?
Chúng tôi tự tin với năng lực xếp dỡ hàng hóa chuyên nghiệp, trang thiết bị hiện đại, nhân sự chất lượng cao, quy trình khai thác bài bản cùng với việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong doanh nghiệp thì VICT vẫn là điểm đến đáng tin cậy cho các hãng tàu nước ngoài đưa thêm các tuyến tàu cỡ tàu trung bình phù hợp với khả năng tiếp nhận tàu với trọng tải toàn phần lên đến 40.000 DWT, đặc biệt là các tuyến tàu nội Á hoặc các tuyến tàu chuyển tải qua các cảng trung chuyển lớn như Singapore, Trung Quốc, Malaysia, Hongkong, …
Bên cạnh đó, việc hỗ trợ hết sức từ cơ quan Hải quan trong việc thông quan hàng hóa nhanh chóng qua Hệ thống VNACCS và thực hiện Qui chế phối hợp giữa doanh nghiệp cảng và các cơ quan hữu quan đã tạo thuận lợi hết sức cho các doanh nghiệp, công ty giao nhận và dịch vụ logistics.
Trong thời gian tới, cảng VICT sẽ tập trung vào hướng đầu tư khai thác như thế nào để vừa nâng cao công suất khai thác vừa đáp ứng yêu cầu cảng xanh?
Ngoài mục tiêu quan trọng nhất là duy trì và tiếp tục phát triển mạnh hoạt động kinh doanh của cảng, cảng VICT cũng đang dần dần chuyển đổi số và nâng cấp cơ sở hạ tầng/ trang thiết bị của cảng theo xu hướng phát triển cảng xanh, chúng tôi đã thực hiện thành công một số dự án, ví dụ như cảng điện tử - ePort, đây là công cụ giúp doanh nghiệp cảng cũng như khách hàng thực hiện dịch vụ giao nhận trực tuyến một cách nhanh chóng, giảm thiểu thời gian làm thủ tục, loại bỏ một số bước trong qui trình thực hiện thủ công/ giấy tờ thông thường, giảm thời gian chờ đợi xếp hàng nhằm tiết kiệm nhiên liệu cho tài xế, tăng vòng giao nhận container cho công ty vận tải, tra cứu trực tuyến tình trạng giao nhận hàng hóa, giám sát lịch sử giao nhận hàng tại cảng….
Hơn nữa, chúng tôi tiến hành nâng cấp hoặc cải tiến một số trang thiết bị đang sử dụng dầu sang sử dụng bằng điện, điện năng lượng mặt trời, hoặc là một một phần sử dụng điện để dễ kiểm soát chi phí, tiết kiệm chi phí khai thác cũng giảm thiểu phát thải ra môi trường.
Ngoài ra, cảng VICT cũng đang có những dự án kế tiếp, đó là nâng cấp hệ thống quản lý cảng (TOS) và các phần mềm hỗ trợ khai thác như Quản lý nhân sự (HRS), Quản lý và bảo trì trang thiết bị (CMMS),… giúp cho việc làm kế hoạch tàu/ kho bãi/ giao nhận qua cổng hoặc sà lan khoa học hơn, nâng cao tính ưu việt thông tin liên lạc giữa các phòng ban/ bộ phận trong cảng nhằm tăng năng suất hoạt động trong tất cả các khâu góp phần giải phóng tàu nhanh, giao nhận hàng hóa cho khách cũng nhanh, tiết giảm chi phí trong quá trình khai thác.
Với những dự án khả thi trên, chúng tôi cũng gia tăng lợi nhuận cho công ty qua việc tiết giảm chi phí vô ích, đồng thời giảm phát thải ra môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, linh hoạt sử dụng năng lượng và áp dụng công nghệ thông tin phù hợp với xu thế mới của thị trường cảng biển.
Cùng với những lợi thế dịch vụ trên cũng như nằm ở vị trí chiến lược, ngay bên cạnh khu chế xuất Tân Thuận và chỉ cách trung TPHCM khoảng 6 km, vị trí của cảng VICT vẫn luôn là địa điểm lý tưởng, cảng ghé đáng quan tâm, một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng dịch vụ logistics TPHCM phát triển rất mạnh mẽ như hiện nay cũng như trong tương lai.
Xin cảm ơn ông!