Tháng trước, tổng tín dụng của Trung Quốc có lần đầu tiên suy giảm kể từ khi dữ liệu được thống kê cách đây gần 20 năm. Sự đảo ngược bất ngờ của tín dụng đang tạo áp lực chi tiêu lên Bắc Kinh để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế.
Nhiều doanh nghiệp và người dân Trung Quốc không muốn vay tiền vì thị trường việc làm yếu kém và tăng trưởng kinh tế chậm lại. Ảnh: VCG
Dữ liệu công bố cuối tuần qua cho thấy, trong tháng 4, tổng tín dụng của Trung Quốc bao gồm cả những khoản vay phi ngân hàng vào nền kinh tế thực suy giảm 200 tỉ nhân dân tệ (27,7 tỉ đô la Mỹ) so với tháng 3. Đây là lần đầu tiên thước đo này suy giảm hàng tháng kể từ được thống kê vào năm 1997. Điều này phản ánh sự suy giảm trong hoạt động vay tiền của các hộ gia đình và doanh nghiệp.
Trong tháng trước, các tổ chức tài chính cung cấp tổng vay mới trị giá 731 tỉ nhân dân tệ trong tháng 4, thấp hơn mức dự kiến là 916 tỉ nhân dân tệ. Các các khoản vay trung và dài hạn dành cho các hộ gia đình, đại diện cho các vay khoản thế chấp, suy giảm mạnh nhất trong lịch sử. Điều này có nghĩa là nhiều khoản thế chấp được hoàn trả hơn là số tiền vay mới. Các khoản cho vay trung và dài hạn dành cho các công ty, thước đo mức độ sẵn sàng đầu tư của họ cũng suy yếu so với một năm trước.
Các quan chức Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã nỗ lực hạn chế hoạt động kinh doanh chênh lệch giá, tức các công ty vay vốn với lãi suất thấp và gửi trở lại vào những ngân hàng cung cấp mức lãi suất cao hơn. Các nhà phân tích cho rằng, hiện tượng này cũng góp phần làm suy giảm tín dụng.
Về cơ bản, rất khó để thúc đẩy tín dụng thông qua lãi suất giảm khi các hộ gia đình hoặc doanh nghiệp bi quan vì giá bất động sản sụt giảm và không muốn vay nợ. Đà giảm giá bán sản phẩm đã làm giảm lợi nhuận của các công ty và khiến họ ngần ngại đầu tư. Một cuộc khảo sát gần đây với hơn 20.000 nhà bán lẻ của Phòng Thương mại Trung Quốc cho thấy, giá trị đơn hàng trung bình giảm mạnh nhất trong 9 tháng, dù tổng doanh số bán hàng tăng nhờ lượng khách hàng tăng trong kỳ nghỉ Lễ Lao động.
Hôm 13-5, Bắc Kinh phát tín hiệu sẵn sàng tăng cường chi tiêu. Bộ Tài chính Trung Quốc cho biết sẽ bắt đầu bán đợt đầu tiên của chương trình trái phiếu đặc biệt dài hạn trị giá 1.000 nghìn tỉ nhân dân tệ (191 tỉ đô la) vào ngày 17-5 nhằm huy động nguồn vốn có thể được sử dụng để đầu tư cơ sở hạ tầng.
PBoC có khả năng giảm chi phí vay dù điều đó sẽ gây thêm áp lực giảm giá đối với đồng nhân dân tệ. Tuy nhiên, việc nới lỏng tiền tệ cho đến nay vẫn chưa thể ngăn chặn được cơn suy thoái bất động sản đã bước sang năm thứ ba. Với giá nhà giảm và thị trường việc làm yếu kém, các hộ gia đình không sẵn lòng gánh thêm nợ dù chi phí vay có rẻ hơn.
Nếu gặp khó khăn trong việc hướng các khoản vay tới người tiêu dùng và doanh nghiệp, PBoC còn có nhiều cách để hỗ trợ chi tiêu tài chính. Các nhà phân tích kỳ vọng PBoC sẽ cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) của các ngân hàng trong những tuần tới, cho phép họ mua trái phiếu đặc biệt mà Bắc Kinh sắp phát hành.
Theo một cuộc khảo sát của Bloomberg vào tháng trước, các nhà kinh tế dự báo, PBoC sẽ giảm nhẹ lãi suất cho vay chủ chốt vào cuối tháng 6.
“Tăng trưởng cung tiền đã chậm lại trong một thời gian. Nguyên nhân là do nhu cầu không đủ, niềm tin thị trường yếu và các nguồn tài chính chảy chậm. Quí 2 hai vẫn là thời điểm tiềm năng để PBoC cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc và lãi suất”, các nhà phân tích của Everbright Securities viết trong một báo cáo.
Sự sụt giảm tín dụng chỉ là một trong hàng loạt dữ liệu gây thất vọng gần đây. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc trong tháng 4 chỉ tăng yếu ớt 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ số này tăng có thể một phần là do các quyết định hành chính hơn là do nhu cầu cải thiện. Các chính quyền địa phương đã tăng giá điện nước và giá vé tàu trong những tháng gần đây. Động thái này có thể đẩy CPI lên cao hơn nhưng khiến các hộ gia đình có ít khả năng chi tiêu hơn cho các hàng hóa và dịch vụ khác.
Chỉ số giá nhà sản xuất, đo lường giá từ cổng nhà máy tiếp tục giảm trong tháng trước. Đầu đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc giảm 56% trong quí 1.
Cuộc họp của Bộ Chính trị Trung Quốc hồi tháng trước kêu gọi sử dụng linh hoạt các công cụ chính sách bao gồm lãi suất và RRR để giảm chi phí vay. Thông điệp này làm dấy lên kỳ vọng giới chức trách sẽ hỗ trợ tiền tệ nhiều hơn để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5% trong năm nay.
Một lo ngại đối với các quan chức PBoC là việc nới lỏng tiền tệ hơn nữa sẽ làm gia tăng khoảng cách lãi suất giữa Trung Quốc và Mỹ, nơi Cục Dự trữ liên bang dự kiến duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ trong thời gian dài hơn. Điều này sẽ làm suy yếu đồng nhân dân tệ.
Theo Becky Liu, người đứng đầu chiến lược vĩ mô Trung Quốc của ngân hàng Standard Chartered, PBoC có thể đã sẵn sàng hành động.
“Khả năng PBoC nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa trong thời gian tới đang tăng lên bất kể Fed hành động ra sao,” bà nói.
Theo Larry Hu, nhà kinh tế của Macquarie Group, dù dữ liệu tín dụng tháng 4 đáng thất vọng nhưng không phản ánh sự suy giảm mạnh về nhu cầu cơ bản trong nền kinh tế.
“Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc sẽ tiếp tục dựa vào xuất khẩu cũng như đầu tư mới liên quan đến năng lượng để thúc đẩy tăng trưởng”, ông nói.
Theo Bloomberg