Tín hiệu tăng trưởng tích cực cho kinh tế Trung Quốc

Theo Tân Hoa xã ngày 11/5, các chuyên gia cho rằng sự cải thiện một loạt các chỉ số chính cho thấy kinh tế Trung Quốc dự kiến sẽ duy trì đà phục hồi bất chấp nhiều thách thức.

Một ví dụ điển hình là dữ liệu ngoại thương của Trung Quốc được công bố gần đây nhất.

Theo dữ liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GAC), bất chấp những thách thức, đặc biệt là áp lực giảm giá tiền tệ, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc tăng 2,2% tính theo đồng đô la Mỹ (USD) so với cùng kỳ trong 4 tháng đầu năm nay.

Tính theo đồng nhân dân tệ, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc tăng 5,7% trong giai đoạn này, cao hơn mức 5% trong quý I/2024 và đạt mức cao mới cùng kỳ trong lịch sử.

Về mặt cơ cấu, danh mục xuất khẩu của Trung Quốc đã thể hiện ưu thế trong lĩnh vực tàu thủy, xe điện và máy móc xây dựng, với tốc độ tăng trưởng lần lượt là 108,4%, 28,3% và 16,2%.

Dữ liệu ngoại thương khả quan này phù hợp với xu hướng tích cực chung được ghi nhận trên nhiều dữ liệu khác nhau. Trong quý I/2024, sản lượng hàng hóa ngoại thương của nước này tại các cảng lớn tăng 9,5% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi số đơn vị container quy đổi tương đương (TEU) được xử lý bởi các cảng này tăng 10% tính theo năm.

Zhang Xiaotao, Hiệu trưởng Trường kinh tế và thương mại quốc tế thuộc Đại học Tài chính và Kinh tế Trung ương Trung Quốc, cho rằng hoạt động mạnh mẽ trong ngoại thương cho thấy hiệu quả của các chính sách kinh tế vĩ mô hỗ trợ.

Theo Zhang Xiaotao, sự tăng trưởng về số lượng và chất lượng trong ngoại thương sẽ củng cố niềm tin và tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế.

Kể từ đầu năm nay, Chính phủ Trung Quốc đã dùng đòn bẩy chính sách để đối phó với nhiều thách thức khác nhau, như nhu cầu không cao, doanh nghiệp phải đối mặt với sức ép hoạt động gia tăng và môi trường bên ngoài ngày càng phức tạp, khắc nghiệt và bất ổn hơn.

Những sáng kiến này bao gồm tăng cường hỗ trợ tài chính và tài khóa cho nền kinh tế thực, thúc đẩy một đợt đổi mới thiết bị quy mô lớn mới, trao đổi hàng tiêu dùng để kích thích tiêu dùng và đề xuất các biện pháp mới để khuyến khích đầu tư nước ngoài.

Quý đầu tiên đã chứng minh tính hiệu quả của những nỗ lực này. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc đã tăng 5,3% so với cùng kỳ trong quý đầu tiên của năm 2024, vượt mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% đặt ra cho cả năm.

Cùng với đó, chỉ số của nhà quản lý mua hàng sản xuất trong tháng 4/2024 vẫn tăng trong hai tháng liên tiếp, là minh chứng cho niềm tin của thị trường được củng cố trong lĩnh vực này.

Hơn nữa, các doanh nghiệp công nghiệp trên cả nước cũng chứng kiến lợi nhuận tăng lên. Lợi nhuận của các công ty công nghiệp lớn của Trung Quốc tăng 4,3% so với cùng kỳ trong quý I/2024, đảo ngược mức giảm 2,3% được ghi nhận vào năm 2023 và kéo dài xu hướng tăng trong ba quý liên tiếp.

Các nhà phân tích cũng nhấn mạnh sự tăng trưởng đáng chú ý được quan sát thấy trong các ngành công nghiệp mới nổi, khi nỗ lực “nuôi dưỡng” “lực lượng sản xuất chất lượng mới” của Trung Quốc đang tạo ra nhiều chất xúc tác tăng trưởng hơn cho nền kinh tế.

Trong quý I/2024, lĩnh vực sản xuất công nghệ cao đã báo cáo lợi nhuận tăng mạnh, tăng 29,1% so với cùng kỳ năm ngoái, đảo ngược từ mức giảm 8,3% năm 2023. Trong giai đoạn này, việc sản xuất các sản phẩm thông minh và xanh như thiết bị in 3D, robot dịch vụ và phương tiện sử dụng năng lượng mới tăng lần lượt 40,6%, 26,7% và 29,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tiêu dùng nổi lên là điểm sáng, đóng góp đáng kể vào nhu cầu trong nước và tăng trưởng kinh tế chung. Dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho thấy doanh số bán lẻ hàng tiêu dùng, một chỉ số chính về “sức khỏe” tiêu dùng của nước này, tăng 4,7% trong quý I/2024 so với cùng kỳ.

Hoạt động du lịch trong kỳ nghỉ lễ 1/5 kéo dài 5 ngày vừa qua cho thấy nhu cầu tiêu dùng mạnh mẽ của Trung Quốc. Dữ liệu từ Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc cho thấy khoảng 295 triệu chuyến du lịch nội địa đã được thực hiện trong kỳ nghỉ lễ, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm 2019. Chi tiêu của khách du lịch nội địa trong thời gian này đạt tổng cộng 166,89 tỷ nhân dân tệ (23,5 tỷ USD), tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2019.

Các điểm đến du lịch toàn cầu chứng kiến sự gia tăng phổ biến của khách du lịch Trung Quốc. Theo báo cáo từ Fliggy, một trong những nền tảng du lịch hàng đầu của Trung Quốc, lượng đặt phòng khách sạn ở nước ngoài tăng khoảng 100% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi giá trị đặt thuê ô tô ở nước ngoài tăng gấp ba lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Wang Yiming, Phó chủ tịch Trung tâm trao đổi kinh tế quốc tế Trung Quốc, nhấn mạnh sự cải thiện được quan sát thấy ở cả phía cung và cầu. Wang lưu ý rằng với sự gia tăng các yếu tố tích cực trong nền kinh tế Trung Quốc, xu hướng phục hồi kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục được củng cố.

Trước tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong quý I/2024, các tổ chức quốc tế như Goldman Sachs và Morgan Stanley đã điều chỉnh nâng dự báo về tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm nay.

Cũng với triển vọng lạc quan này, báo cáo do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố cho biết Trung Quốc sẽ đóng góp 46% vào tăng trưởng kinh tế của các nước đang phát triển ở châu Á từ năm 2024 đến năm 2025, duy trì vị thế là động lực tăng trưởng lớn nhất cho nền kinh tế thế giới.

Các chuyên gia dự đoán đà phục hồi này có thể sẽ tiếp tục kéo dài sang quý II năm nay và kỳ vọng vào triển vọng tươi sáng hơn cho Trung Quốc.

Lian Ping, Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế trưởng Trung Quốc, nhận định dữ liệu tốt hơn mong đợi cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế Trung Quốc, với những cải thiện về cả động lực bên trong và nhu cầu bên ngoài.

Chuyên gia này dự đoán rằng cả tốc độ tăng trưởng theo quý và tốc độ tăng trưởng trung bình trong hai năm sẽ tăng tốc trong quý II năm nay, cho rằng “với việc kiên trì thực hiện các chính sách hỗ trợ, tăng trưởng kinh tế cả năm có thể vượt mục tiêu đề ra”, đồng thời kêu gọi các bước tiếp theo để thực hiện những chính sách hỗ trợ hiện có.

Hải Yến (P/v TTXVN tại Bắc Kinh)

https://bnews.vn/tin-hieu-tang-truong-tich-cuc-cho-kinh-te-trung-quoc/332841.html