Lý giải thương vụ FE Credit: Định giá 2,8 tỷ USD liệu có cao và tầm nhìn của SMBC tại thị trường Việt Nam
Thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam có giá trị gần 1,7 triệu tỷ đồng năm 2019, tăng trưởng kép với tốc độ 35% mỗi năm.
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) vừa bán 49% cổ phần FE Credit cho SMBC với giá 1,4 tỷ USD, một trong những thương vụ “khủng” nhất ngành ngân hàng trong những năm trở lại đây.
Mức định giá của FE Credit rơi vào khoảng 2,8 tỷ USD đang cao hơn so với nhiều ngân hàng tầm trung tại Việt Nam như VIB, HDBank, SHB, OCB…
Theo tính toán từ FiinGroup (Công ty chuyên về dữ liệu tài chính), định giá của FE tương ứng mức 3,4x P/B, 22x P/E và 0,9x Loan Book (Giá trị cổ phiếu trên dư nợ).
P/B của FE Credit cao hơn gần 40% so với bình quân các giao dịch tương đồng đã diễn ra trong quá khứ. Mức giá này cũng cao hơn mặt bằng định giá của cổ phiếu các ngân hàng Việt Nam hiện có bình quân P/B 1,79x và P/E 16x.
Câu hỏi đặt ra là liệu FE Credit có xứng đáng với mức định giá này?
FE Credit hiện là đơn vị đầu ngành trong 16 công ty tài chính tiêu dùng, dư địa của mảng này thậm chí còn lớn hơn cả của ngân hàng truyền thống. FE Credit đang chiếm gần 50% thị phần tài chính tiêu dùng, vượt trội so với các đối thủ chính.
Trong năm vừa qua, dù ảnh hưởng của COVID-19 khiến doanh thu và lợi nhuận giảm sút, tỷ lệ nợ xấu tăng lên đáng kể, nhưng tình hình tài chính của FE Credit cơ bản vẫn cao hơn so với bình quân ngành, cụ thể là NIM, nợ xấu, thanh khoản và các chỉ số lợi nhuận.
Thu nhập hoạt động của FE đạt 18.231 tỷ đồng trong năm 2020, giảm hơn 3%; lợi nhuận sau thuế 2.970 tỷ đồng, giảm 17%.
Một luận điểm khác được đưa ra là mức định giá cao cũng có thể để trả cho control premium khi SMBC đã mua được 49% cổ phần FE Credit và 1% còn lại do VCSC đang nắm giữ.
Chia sẻ tại đại hội đồng cổ đông thường niên của VPBank, Chủ tịch Ngô Chí Dũng cho biết khi bán vốn đã có hai phương án được đưa ra: một là IPO rồi niêm yết, hai là bán cho cổ đông chiến lược.
Ông Dũng nói rằng nếu IPO thì định giá của FE Credit thậm chí lên tới 4 tỷ USD. Nhưng VPBank quyết định hợp tác với SMBC để tận dụng nguồn vốn rẻ và kinh nghiệm của họ.
Đó là phía ngân hàng Việt Nam, còn đối tác SMBC, một trong 3 ngân hàng lớn nhất Nhật Bản và giàu truyền thống, họ kỳ vọng gì?
Cách tiếp cận thị trường Việt Nam của SMBC (Lưu ý SMBC còn giữ hơn 15% cổ phần EximBank)
Trong thông báo của mình, SMBC đánh giá FE Credit là một công ty biết cách làm thế nào (know – how) để vươn lên vị thế dẫn đầu về cho vay tiêu dùng tại thị trường Việt Nam trong khoảng thời gian 10 năm.
Khả năng này đến từ đội ngũ quản lý mạnh, hệ sinh thái đa dạng với tập khách hàng khổng lồ. FE Credit có khả năng sinh lời ấn tượng, ngay cả trong năm COVID-19, ROE đạt trên 20%, những năm trước đó thậm chí còn lên tới gần 30%. SMBC cũng đánh giá FE Credit là công ty với hệ thống hoạt động hiệu quả, tỷ lệ CAPEX xấp xỉ 30%. Mạng lưới của công ty Việt Nam cũng rộng khắp trên toàn quốc với khoảng 20.000 điểm kinh doanh và đội ngũ nhân sự đông đảo trên 13.000 người.
Nhưng tầm nhìn của SMBC là hướng đến tiềm năng to lớn của thị trường cho vay tiêu dùng Việt Nam.
Năm 2019, thị trường này có giá trị khoảng 1,681 triệu tỷ đồng, tăng trưởng kép hơn 35% mỗi năm. Việt Nam đang có khoảng 96 triệu dân, xếp thứ 3 Đông Nam Á với độ tuổi trung bình 31,9. Tỷ lệ vay tiêu dùng trên GDP ở mức 28%, thấp hơn nhiều so với Thái Lan (38%), Nhật Bản (50%), Trung Quốc (55%), Singapore (69%). Những yếu tố này để ngỏ dư địa tăng trưởng rộng lớn.
Ý tưởng của SMBC là kết hợp sức mạnh của ngân hàng đứng số 1 Nhật Bản về tài chính tiêu dùng với sản phẩm dịch vụ chất lượng, nền tảng tài chính ổn định với công ty cho vay tiêu dùng số 1 Việt Nam trong một thị trường tiềm năng.
Thương vụ có khả năng tác động thế nào?
Theo FiinGroup, bản chất của giao dịch này là VPBank thoái 49% vốn của FE Credit, trong ngắn hạn tiền sẽ chảy về công ty tài chính khoảng 3.572 tỷ đồng (154 triệu USD) do VPBank đã tăng vốn điều lệ cho FE lên 10.900 tỷ đồng ngay trước khi giao dịch được công bố.
Nhưng FiinGroup đang kỳ vọng lớn hơn từ giao dịch tỷ đô này, hơn chỉ là tiền, đó là sự cộng hưởng cùng SMBC trên nhiều khía cạnh.
Thứ nhất, với nguồn vốn giá rẻ từ ngân hàng Nhật, FE có thể tận dụng để huy động mới hoặc cơ cấu lại nguồn vốn huy động giúp cải thiện chi phí vốn, NIM và lợi nhuận. Thực tế tại các công ty tài chính từng được đầu tư bởi đối tác Nhật như HD Saison, Mcredit hay JACCS đều cho thấy điều này.
Thứ hai, kinh nghiệm quản trị rủi ro và phát triển sản phẩm mới trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng của SMBC đã có ở Nhật Bản, Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan, Thái Lan có thể giúp ích nhiều cho công ty Việt Nam trong hành trình tương lai.
Bí quyết của FE Credit là gì?
FE Credit đã có một thập kỷ phát triển hết sức thú vị cùng với ngành tài chính tiêu dùng của Việt Nam.
Công ty ban đầu tách ra từ khối tín dụng tiêu dùng của VPBank với sản phẩm là cho vay mua xe máy trả góp.
Đến năm 2015, pháp nhân độc lập FE Credit được thành lập. Năm 2016, công ty nhận khoản vay hợp vốn giá trị 100 triệu USD từ Credit Suisse.
Tính đến hết năm 2020, tổng tài sản của FE Credit đạt gần 73.400 tỷ đồng, trong đó giá trị cho vay khách hàng hơn 64.400 tỷ đồng.
Sản phẩm chủ lực của FE là cho vay tiền mặt, chiếm 72% cơ cấu; thẻ tín dụng 11%; cho vay mua xe máy 7%; cho vay khách hàng trung thành 4%; còn lại 6% cho các khoản vay khác.
Giới phân tích đánh giá cao FE Credit bởi khả năng chuyển đổi số, công ty đã tập trung đầu tư nâng cấp vấn đề này từ rất sớm và đang là một trong những đơn vị đi đầu tại Việt Nam.
Danh mục cho vay của FE Credit
Hai ứng dụng nổi bật của FE Credit là $NAP giúp rút ngắn thời gian duyệt vay xuống còn 15 phút và $HIELD giúp khách hàng tiếp cận các gói bảo hiểm giá rẻ trong vài phút.
Trong những năm gần đây, FE đẩy mạnh việc khai thác tập khách hàng hiện hữu, tăng cường hoạt động bán chéo nhờ tập dữ liệu khách hàng rộng lớn, cùng với đó công ty cũng đang tiếp cận gần hơn với tập khách hàng trung và cận cao cấp.
Mạng lưới phân phối rộng khắp cả nước của FE Credit giúp đem về gần 250.000 khoản vay mới mỗi tháng. Trong 10 năm, công ty cho biết đã phục vụ 14 triệu khách hàng.