Theo Báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2024 đã kiểm toán, Công ty CP Ô tô TMT (HoSE: TMT) ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 1.323 tỷ đồng, giảm 13,4% so với cùng kỳ năm trước; Giá vốn giảm chậm hơn, khiến lợi nhuận gộp bán niên của Công ty chỉ còn hơn 9,6 tỷ đồng, giảm mạnh hơn 92,5% so với cùng kỳ năm 2023. Việc lỗ nặng trong nửa đầu năm 2024 không những xóa hết mọi thành quả trong nhiều năm qua của TMT, mà còn khiến doanh nghiệp này phải nhận ý kiến nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của kiểm toán.
Trong kỳ, doanh thu từ hoạt động tài chính của doanh nghiệp cũng giảm mạnh gần một nửa so với cùng kỳ, xuống còn gần 2 tỷ đồng; Chi phí tài chính giảm 38,4% so với cùng kỳ, xuống còn hơn 49 tỷ đồng; Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp trong nửa đầu năm biến động không đáng kể so với cùng kỳ. Sau khi khấu trừ các chi phí, doanh nghiệp lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh hơn 100 tỷ đồng; Lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ gần 99 tỷ đồng, cùng kỳ lãi hơn 1 tỷ đồng. Kết quả này cũng không biến động nhiều so với báo cáo tài chính tự lập trước đó của doanh nghiệp.
Trong phần giải trình Báo cáo tài chính riêng bán niên năm 2024, lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng, nguyên nhân thua lỗ là do năm 2024 là năm rất khó khăn đối với nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp nói riêng. Tình hình kinh tế suy thoái, bất động sản đóng băng, đầu tư công giảm mạnh, nguy cơ lạm phát gia tăng cùng với việc người dân thắt chặt chỉ tiêu… khiến lượng tiêu thụ ô tô giảm sâu bất chấp các doanh nghiệp sản xuất và phân phối ô tô liên tục giảm sâu giá bán để giải phóng tồn kho.
Trên thị trường chứng khoán, Cổ phiếu TMT đang trải qua thời gian khủng hoảng khi thị giá rớt liên tục qua các phiên từ tháng 07/2023. Cụ thể, thị giá tính từ thời điểm tháng 7/2023 đến phiên sáng ngày 23/09/2024 đã giảm 71,52%, trong đó có 5 phiên bị bán giá sàn hay không có người mua.
Cổ phiếu TMT của Công ty CP Ô tô TMT (TMT Motor) giảm sàn sau khi công bố kết quả kinh doanh lao dốc. Cụ thể, TMT Motors đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2024 với doanh thu thuần đạt 814 tỷ đồng, đi ngang so với cùng kỳ. Giá vốn tăng 11% khiến công ty lỗ gộp 49 tỷ, trong khi cùng kỳ vẫn lãi gộp 52 tỷ đồng. Mặc dù chi phí tài chính giảm một nửa xuống còn 24 tỷ đồng, chi phí bán hàng cũng giảm nhẹ, song chi phí quản lý doanh nghiệp lại tăng gấp gần 6 lần lên 13 tỷ đồng.
Những sự sụt giảm nghiêm trọng của cổ phiếu TMT được nhiều nhà đầu tư cho rằng đến từ thương vụ sản xuất và bán dòng xe điện thương hiệu Wuling. Ban đầu, với mức giá bán khởi điểm vào loại rẻ nhất thị trường, cùng kiểu dáng thiết kế có thể xem là “độc và lạ”, đây có thể xem là đối thủ nặng ký với mẫu VF 3 của VinFast. Hồi đầu năm nay, VinFast đã công bố phiên bản thương mại của VF 3, mẫu ô tô điện nhỏ nhất của hãng tại CES 2024. Tuy nhiên, năm 2023, TMT chỉ bán được vỏn vẹn 591 chiếc xe điện Wuling MiniEV ra thị trường, bằng 11% so với kế hoạch doanh số 5.525 chiếc đặt ra trước đó. Bước sang 2024, TMT Motors đã lên kế hoạch tổng doanh số của dòng sản phẩm xe điện ở mức 1.016 chiếc, dù tăng đến 71% so với mức thực hiện trong năm trước song đây vẫn là mức thấp.
Từ một tiếng vang trong năm 2023 khi đưa ra một sản phẩm có tiềm năng và cạnh tranh trên thị trường, TMT Motors giờ đây đang đứng trước viễn cảnh thua lỗ kỷ lục, cổ đông lớn đang rút dần và những đầu tàu lãnh đạo mới lại chưa có hoạch định cụ thể trong tương lai gần.
Vậy tương lai TMT sẽ đi về đâu khi ngay cả thị trường ô tô vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức?