Tóm tắt tổng thể Vĩ mô Việt Nam

Kinh tế vĩ mô của Việt Nam đã tốt hơn trong tháng Bảy với sự cải thiện của sản xuất công nghiệp, ngoại thương cũng như bán lẻ và dịch vụ trong nước. Chỉ số IIP tháng Bảy tăng 3,9% m/m và 3,7% y/y, thu hẹp mức giảm lũy kế từ đầu năm xuống 0,7% trong 7T2023, trong khi PMI tăng lên 48,7 từ 46,2 điểm của tháng trước nhờ sự suy giảm số lượng đơn đặt hàng mới, sản lượng và việc làm đang chậm lại. Xuất nhập khẩu cũng tăng với kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 57 tỷ USD (+2,5% m/m, -6,4% y/y), trong đó xuất khẩu đạt 29,7 tỷ USD (+0,8% m/m, -3,5 % y/y) và nhập khẩu được ghi nhận ở mức 27,5 tỷ USD (+4,4% m/m, -9,9 % y/y), đạt thặng dư thương mại 2,15 tỷ USD, đưa thặng dư thương mại trong 7T2023 lên 15,2 tỷ USD. Doanh số bán lẻ tiếp tục tăng nhưng chậm lại với tổng doanh số bán lẻ ước tính tăng 1,1% m/m và 7,1% y/y trong tháng Bảy. Đầu tư công tăng tốc nhưng vẫn chậm so với kỳ vọng với tổng giải ngân đạt 58,5 nghìn tỷ đồng trong tháng Bảy (+7,5% m/m, +28,1% y/y) và 291 nghìn tỷ đồng trong 7T2023 (+22,1%), hoàn thành 41% kế hoạch. Vốn FDI giải ngân ổn định ở mức 1,6 tỷ USD và vốn đăng ký tăng lên 2,8 tỷ USD (+9,2% m/m, +86% y/y). Lạm phát tiếp tục chậm lại với CPI tháng 7 tăng 0,45% m/m và tăng 2,07% y/y. Trong 7T2023, CPI tăng 3,12% và lạm phát cơ bản tăng 4,65%, thấp hơn nhiều so với lạm phát mục tiêu 4,5% cho năm 2023 của Chính phủ. Lãi suất liên ngân hàng ở hầu hết các kỳ hạn tiếp tục giảm trong tháng Bảy, trong đó lãi suất qua đêm giảm xuống 0,14%, thấp nhất kể từ tháng 3/2021 trong khi lãi suất huy động giảm mạnh xuống dưới 7%. Trên quan điểm thận trọng, chúng tôi giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam cho cả năm 2023 ở mức 5,2% và kỳ vọng VND sẽ mất giá dưới 2% so với USD trong năm 2023.

Thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua một tháng giao dịch sôi động với chỉ số VNIndex tăng 9,2% lên 1.223 điểm vào cuối tháng Bảy sau khi vượt mốc 1.200 điểm, thanh khoản cải thiện mạnh với ADTV tăng 8% so với tháng trước. Đà tăng lan tỏa trên toàn thị trường với hầu hết các nhóm ngành đều tăng giá và có 331 mã tăng trong khi chỉ có 74 mã giảm. Khối tự doanh đẩy mạnh mua ròng với giá trị mua ròng 2,4 nghìn tỷ đồng, chủ yếu ở VPB, FPT, KDH. Tuy nhiên, khối ngoại tiếp tục bán ròng trên VNIndex với giá trị ròng 33,7 triệu USD, nâng mức bán ròng từ đầu năm lên 46,7 triệu USD. Trên thế giới, Fed đã tăng Fed Fund Rate thêm 25 điểm cơ bản lên 5,25% – 5,5% trong cuộc họp tháng Bảy và để ngỏ khả năng tăng lãi suất khác trong cuộc họp tháng Chín, theo sau là động thái tăng lãi suất 25 điểm cơ bản của ECB, làm ảnh hưởng đến tỷ giá USD/VND nhưng tác động đến thị trường chứng khoán còn hạn chế khi chỉ số VNIndex tiếp tục lập các đỉnh cao mới trong bối cảnh lãi suất huy động VND tiếp tục giảm. Hầu hết các doanh nghiệp niêm yết đã công bố Báo cáo tài chính quý II/2023 với tổng lợi nhuận sau thuế của 389 mã trong VNIndex tăng 5% so với quý trước và chỉ giảm 1% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó đóng góp lớn nhất là nhóm Bất động sản, Giao thông vận tải, Năng lượng và Dịch vụ tài chính, khép lại mùa công bố kết quả kinh doanh với kết quả tốt hơn mong đợi.

VNIndex giao dịch với P/E 15,1 vào cuối tháng Bảy, cao hơn mức trung bình của các thị trường ASEAN lần đầu tiên trong vòng một năm gần đây do đà tăng mạnh và liên tục của VNIndex, nhưng tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu vẫn ở mức 12,7%, cao hơn trung bình của các thị trường ASEAN. Cho năm 2023, chúng tôi nâng dự báo tăng trưởng EPS của VNIndex lên 8,3% nhờ tăng trưởng của ngành vận tải, ngân hàng, vật liệu và dịch vụ tài chính, đồng thời với P/E dự phóng cho năm 2023 là 12,2, thấp hơn trung bình ASEAN, chúng tôi cho rằng VNIndex vẫn hấp dẫn để các nhà đầu tư tích lũy cổ phiếu ở mức định giá hợp lý. Những lo ngại hiện nay của các nhà đầu tư chủ yếu đến từ bên ngoài với nhu cầu suy yếu trên toàn cầu do giá cả cao kéo dài và lãi suất tiếp tục tăng, bất ổn địa chính trị trên thế giới, sự dịch chuyển của dòng vốn đầu tư nước ngoài và sự phục hồi chậm của Trung Quốc hậu COVID-19. Mới đây, IMF đã nâng mức dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2023 thêm 0,2% lên 3% nhờ lạm phát giảm và kinh tế toàn cầu có khả năng phục hồi tốt hơn so với dự báo của các nhà kinh tế. Trong nước, rủi ro ngắn hạn trên thị trường trái phiếu vẫn còn do lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn vào quý III và quý IV năm 2023, nhưng việc sàn giao dịch trái phiếu phát hành riêng lẻ khai trương vào tháng Bảy được kỳ vọng sẽ cải thiện thanh khoản của trái phiếu doanh nghiệp, giảm áp lực cho nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu và các nhà phát hành trái phiếu.

Mở tài khoản chứng khoán:

Margin 3:7 lãi 9.9%/năm, phí 0.15%
Bảo lãnh thêm sức mua đầu ngày
Có hàng T0
Tel: 0912107487