Tình hình ngành dược phẩm Việt Nam quý I/2025
Trong quý I/2025, ngành dược Việt Nam có sự phân hóa rõ rệt về kết quả kinh doanh. Trong 34 doanh nghiệp công bố báo cáo, có 20 doanh nghiệp tăng lợi nhuận, 11 doanh nghiệp giảm và 2 doanh nghiệp thua lỗ.
Doanh nghiệp lớn chiếm ưu thế
DHG: Lợi nhuận ròng tăng 20%, đạt 266 tỷ đồng dù doanh thu giảm nhẹ.
DBD: Lãi ròng tăng 21%, đạt 81 tỷ đồng nhờ tăng sản phẩm tự sản xuất.
IMP: Doanh thu tăng 21%, lợi nhuận trước thuế tăng 23%.
FRT (Long Châu): Doanh thu tăng 46%, EBITDA tăng 88%.
DHT: Lợi nhuận tăng 45%, đạt 21 tỷ đồng nhờ chuyển nhượng vốn.
Một số doanh nghiệp lớn gặp khó khăn
TRA lãi giảm 23%, còn 42 tỷ đồng.
DVN lãi giảm 10%, còn 73 tỷ đồng.
OPC doanh thu giảm, lợi nhuận giảm 25%, còn 24 tỷ đồng.
Doanh nghiệp nhỏ thua lỗ hoặc giảm lợi nhuận
MKP chuyển từ lãi 14 tỷ sang lỗ 13 tỷ đồng.
DP2 lỗ nặng hơn cùng kỳ, 3,4 tỷ đồng.
Chi tiêu bình quân đầu người cho dược phẩm dự báo sẽ tăng từ 1,46 triệu đồng năm 2021 lên 2,12 triệu đồng năm 2026, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) 7,8%, tương đương 5% thu nhập bình quân hàng năm .
Việt Nam hiện là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới, với quy mô dân số hơn 100 triệu người. Số người từ 60 tuổi trở lên chiếm 13,9% năm 2023 và đến năm 2050, con số này được dự báo sẽ tăng lên hơn 25%. Năm 2036, Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ dân số già, chuyển từ xã hội “già hóa” sang xã hội “già”. Người cao tuổi thường có nhu cầu sử dụng dược phẩm và dịch vụ chăm sóc sức khỏe cao hơn, do ảnh hưởng của quá trình lão hóa và các vấn đề sức khỏe liên quan.
TỔNG QUAN VỀ NGÀNH DƯỢC VIỆT NAM
Ngành dược tại Việt Nam hiện nay thường được xếp vào nhóm phòng thủ – tăng trưởng ổn định, ít biến động và không quá hấp dẫn về lợi nhuận ngắn hạn. Tỷ trọng ngành dược trên sàn chứng khoán chỉ chiếm khoảng 1% vốn hóa toàn thị trường, và hầu như vắng mặt trong rổ chỉ số VN30.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là không có cơ hội. Trên thế giới, nếu nhìn vào Mỹ – thị trường tài chính lớn nhất toàn cầu – ngành chăm sóc sức khỏe (bao gồm dược phẩm, công nghệ sinh học, thiết bị y tế…) chiếm tới ~12-15% vốn hóa S&P 500, trong đó riêng ngành dược phẩm cũng chiếm khoảng 6-7%. Điều này phản ánh vai trò cốt lõi của ngành y tế trong một nền kinh tế phát triển dựa trên tiêu dùng và chất lượng sống.
Còn Việt Nam thì sao? Dù quy mô nhỏ, nhưng ngành dược đang đứng trước cơ hội “thay da đổi thịt” nếu 3 yếu tố sau diễn ra song song:
1. Phát triển kinh tế tư nhân mạnh mẽ: Khi tư nhân được tạo điều kiện tham gia sâu vào chuỗi cung ứng y tế, dược phẩm – sẽ hình thành những doanh nghiệp chủ động đầu tư R&D, nâng chuẩn nhà máy (EU-GMP), mở rộng sản phẩm ra nước ngoài… giống như cách các hãng dược tư nhân Hàn Quốc và Ấn Độ đã làm.
2. Sửa đổi Luật Dược theo hướng thông thoáng, minh bạch hơn: Nếu quy trình phê duyệt thuốc, đấu thầu, đăng ký lưu hành được đơn giản hóa và số hóa, doanh nghiệp dược nội địa sẽ giảm được chi phí và rút ngắn thời gian ra thị trường sản phẩm mới – một yếu tố sống còn để cạnh tranh.
3. Xu hướng già hóa dân số + thu nhập tăng: Đây là cầu nội tại cực mạnh. Nhu cầu thuốc mãn tính, thuốc đặc trị, và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe chất lượng cao chắc chắn tăng trưởng kép trong dài hạn.
Cơ hội đầu tư ở đâu?
Các cổ phiếu như DHG, TRA, IMP, DBD đang sở hữu lợi thế cạnh tranh rõ ràng: nhà máy đạt chuẩn cao, thị phần mạnh, có cổ đông ngoại hoặc chiến lược dài hạn bài bản. Dù P/E ở mức trung bình (12 – 18), nhưng đổi lại là sự ổn định, cổ tức đều và dư địa tăng trưởng nếu ngành “bung lụa”.
Ngành dược có thể không phải “ngôi sao tăng trưởng” hiện tại, nhưng lại là lựa chọn đáng cân nhắc cho dòng tiền dài hạn, bền vững – nhất là khi môi trường pháp lý và kinh tế chuyển mình.