Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang nỗ lực trở thành nhà quảng bá kinh tế hàng đầu của "đất nước hình lục lăng", thu hút các nhà đầu tư nước ngoài hướng theo những lời vận động của ông.
Tổng thống Emmanuel Macron rất nỗ lực trong việc thu hút đầu tư nước ngoài vào Pháp. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Liệu các chính trị gia Đức có thể học hỏi từ chiến lược của Pháp? Theo bài viết trên tạp chí kinh tế Handelsblatt, quốc gia láng giềng của Đức vừa tổ chức hội nghị cấp cao "Lựa chọn nước Pháp", nhằm củng cố danh tiếng của mình như một trung tâm kinh doanh hàng đầu châu Âu. Tại hội nghị này, khoảng 180 lãnh đạo doanh nghiệp từ khắp nơi trên thế giới đã đến để tìm kiếm cơ hội kinh doanh ở Pháp.
Lấy cung điện Versailles lộng lẫy làm nền để ca ngợi Pháp là địa điểm kinh doanh hấp dẫn, Tổng thống Macron khẳng định những cải cách của chính phủ hiện tại đã tạo ra kết quả. Ông đề cập đến việc cắt giảm thuế doanh nghiệp, giảm bớt tình trạng quan liêu và tăng cường sự hỗ trợ cho các ngành công nghiệp tương lai. Ông nhấn mạnh sẽ tiếp tục thực hiện đường lối cải cách để tái công nghiệp hóa đất nước.
Đây là lần thứ bảy chính quyền Tổng thống Macron tổ chức hội nghị cấp cao về đầu tư. Chính sách địa điểm kinh doanh là ưu tiên hàng đầu của nhà lãnh đạo Pháp này. Liệu chương trình quảng bá kinh tế của ông Macron có thể trở thành hình mẫu cho nước Đức - quốc gia đang mất dần sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư quốc tế?
Các công ty Đức đang đầu tư nhiều hơn vào Pháp
Theo ông Daniel Hager, người đứng đầu Ban Giám sát của tập đoàn Hager (Đức), quan điểm của giới chính trị Pháp đối với nền kinh tế hiện nay tích cực hơn ở Đức. Việc thực hiện các dự án được triển khai nhanh hơn và đơn giản hơn. Cánh cửa của các cơ quan hành chính luôn rộng mở cho các nhà đầu tư.
Ông Hager cho rằng với nước Đức, một bản sao "Lựa chọn nước Đức" tương tự là không đủ. Ở Pháp, hội nghị cấp cao các nhà đầu tư chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm", vì không chỉ kêu gọi đầu tư, chính phủ của Tổng thống Macron còn thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp. Chính sách này không phải lúc nào cũng được người dân đón nhận, nhưng nó quan trọng cho sự thịnh vượng của đất nước.
Tập đoàn Hager hoạt động trong lĩnh vực sản xuất thiết bị điện, ứng dụng năng lượng thân thiện với khí hậu và điều khiển tòa nhà thông minh. Với doanh thu khoảng 3,2 tỷ euro (3,46 tỷ USD) và có khoảng 13.000 lao động, tập đoàn này là một trong những doanh nghiệp gia đình quy mô vừa ở Đức. Tập đoàn Hager đã có mặt ở nước láng giềng Pháp từ cuối những năm 1950 và hiện có kế hoạch đầu tư thêm 120 triệu euro vào địa điểm sản xuất ở Pháp, tạo thêm 500 việc làm mới.
So với dự định của tập đoàn Hager, các doanh nghiệp khác cam kết đầu tư vào Pháp số tiền lớn hơn nhiều. Ví dụ, tập đoàn Microsoft muốn đầu tư 4 tỷ euro vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) và điện toán đám mây. Tập đoàn công nghệ xanh châu Âu FertigHy có kế hoạch xây dựng một nhà máy sản xuất phân bón với mức phát thải thấp, trị giá 1,3 tỷ euro cho đến năm 2030. Tập đoàn Amazon có kế hoạch đầu tư bổ sung 1,2 tỷ euro vào Pháp, trong khi các công ty dược phẩm Pfizer và Astra Zeneca cùng nhau cam kết đầu tư gần 1 tỷ euro.
Văn phòng Tổng thống Pháp cho biết hội nghị cấp cao "Lựa chọn nước Pháp" năm nay dự kiến sẽ thu hút được 15 tỷ euro đầu tư nước ngoài vào Pháp - một kỷ lục mới.
Lời mời gọi từ Tổng thống Macron
Lời mời gọi từ cá nhân Tổng thống Macron đã thu hút được những vị khách hàng đầu, trong đó có Giám đốc điều hành (CEO) của hãng Pfizer Albert Bourla và lãnh đạo ngân hàng Mỹ JP Morgan. Một số lãnh đạo doanh nghiệp từ Đức cũng đã hưởng ứng lời kêu gọi của nhà lãnh đạo Pháp.
Ở Pháp, tình hình kinh tế gần đây diễn biến không tốt, cùng với tình hình tài chính khó khăn và thâm hụt ngân sách quốc gia ở mức cao. Nhưng Tổng thống Macron luôn thể hiện sự tự tin, ngay cả khi thực tế kinh tế "không mấy dễ chịu". Cách tiếp cận này của nhà lãnh đạo Pháp được đánh giá cao.
Nước Pháp được các nhà đầu tư rất coi trọng. Theo phân tích của công ty tư vấn quản lý EY, trong năm 2023, Pháp thu hút nhiều dự án đầu tư nước ngoài hơn bất kỳ quốc gia châu Âu nào khác, với 1.200 dự án. Trong những năm gần đây, Pháp luôn đứng ở vị trí đầu bảng ở châu Âu trong việc thu hút đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, Đức chỉ thu hút được 733 dự án đầu tư từ các công ty nước ngoài trong cùng năm, giảm 12% so với năm 2022.
Trong năm 2023, với 183 dự án, Đức là nhà đầu tư lớn thứ hai vào Pháp sau Mỹ. Ngược lại, chỉ có 30 dự án đầu tư của các công ty Pháp vào Đức.
Ông Taavi Madiberk, người đứng đầu công ty pin Skeleton ở bang Saxony (Sachsen) của Đức, chia sẻ khoản đầu tư lớn tiếp theo của doanh nghiệp này sẽ được triển khai tại thành phố Toulouse miền Nam nước Pháp. Tại đây, công ty sẽ xây dựng một nhà máy sản xuất pin mới với kinh phí 600 triệu euro.
Về các cuộc đàm phán để triển khai dự án, ông Madiberk cho biết doanh nghiệp của ông "không cần phải tổ chức nhiều cuộc họp khác nhau" với các cơ quan quản lý của Pháp, mà "tất cả những người có quyền ra quyết định đều có mặt trong cùng một cuộc họp". Điều đó tạo thuận lợi rất lớn cho doanh nghiệp trong việc đơn giản hóa những thủ tục hành chính.
Thúc đẩy nước Pháp với tư cách một địa điểm đầu tư hàng đầu
Quyền lực mạnh mẽ và thống nhất đã giúp Tổng thống Macron có thể dễ dàng thúc đẩy chính sách kinh tế của ông ở các địa phương. Đặc điểm này không thể thực hiện được ở nước Đức với đặc trưng nhà nước liên bang. Paris cũng đưa ra một thông điệp thống nhất với thế giới: khẩu hiệu "Lựa chọn nước Pháp" đã trở thành một phần trọng tâm trong chính sách đối ngoại của nước này.
Ông Laurent Saint-Martin, Giám đốc Business France - cơ quan có trách nhiệm hỗ trợ các công ty Pháp xuất khẩu và thu hút những nhà đầu tư quốc tế, cho biết sứ mệnh của tất cả các Đại sứ Pháp ở những quốc gia khác là giúp tăng sức hấp dẫn kinh tế của nước Pháp.
Các doanh nghiệp Đức cũng đang là mục tiêu. Tháng Chín tới, một phần của hội nghị đầu tư "Lựa chọn nước Pháp" dự kiến sẽ được tổ chức tại thủ đô Berlin của Đức. Ông Saint-Martin khẳng định mục tiêu của Pháp không phải là cạnh tranh với Đức để tranh giành các khoản đầu tư.
Chính phủ Pháp mong muốn tạo ra bộ đôi Pháp-Đức trong các lĩnh vực công nghiệp chính để có thể cạnh tranh với Mỹ và Trung Quốc trong đấu trường toàn cầu ngày càng khốc liệt ngày nay.
Chính phủ của Tổng thống Macron cũng thu hút các nhà đầu tư bằng những khoản trợ cấp lớn, như chương trình "Nước Pháp 2030" với hơn 50 tỷ euro hỗ trợ. Ví dụ, công ty khởi nghiệp Lilium của Đức trong lĩnh vực hàng không đã nỗ lực tiếp cận khoản viện trợ của chính phủ Đức và chính quyền các bang ở Đức, nhưng nỗ lực này đang gặp khó khăn. Hiện công ty Lilium tuyên bố rằng họ đang "thảo luận chuyên sâu" với
Chính phủ Pháp về các khoản trợ cấp và bảo lãnh khoản vay để xây dựng một nhà máy sản xuất "taxi hàng không" mới gần Bordeaux. Bên lề hội nghị "Lựa chọn nước Pháp", công ty Lilium đã công bố khoản đầu tư 400 triệu euro tại đây, tương lai có thể tạo ra 850 việc làm mới.
Theo bà Georgia Näder từ công ty sản xuất công nghệ y tế Ottobock của Đức, các doanh nghiệp gia đình ở Đức phải nhận được quan tâm nhiều hơn, để họ tiếp tục ở lại đất nước này. Khi thu hút những nhà đầu tư, các chính trị gia Đức có thể học từ Tổng thống Pháp Macron, trong đó khẩu hiệu "Lựa chọn nước Pháp" là ví dụ điển hình.
Vũ Tùng (P/V TTXVN Tại Berlin)
https://bnews.vn/tong-thong-macron-nha-quang-ba-kinh-te-hang-dau-cua-phap/333174.html