ĐỌC LẠI HỒ XUÂN HƯƠNG: CƠ THỂ PHỤ NỮ THUỘC VỀ AI?
Nhiều người nói Hồ Xuân Hương viết thơ dâm tục, nhiều người vẽ Hồ Xuân Hương lẳng lơ đĩ thõa, hiện tượng này không phải mới ngày một ngày hai. Còn nhớ những năm cấp hai, bọn con trai lớp tôi truyền tay nhau tuyển tập thơ Hồ Xuân Hương, với những “Đánh đu,” “Quả mít,” “Cái quạt,” lén lút và sung sướng như khi mách nhau vài đường link 18+. Sự kiện triển lãm tranh rôm rả mấy ngày nay làm tôi nghĩ mãi, rốt cuộc luồng tư duy mang tính hệ thống này bắt nguồn từ đâu? Tiền đề nào cho phép người ta bóp méo một tiếng nói đấu tranh nữ quyền từ rất sớm thành một công cụ tình dục thỏa mãn cái nhìn nam giới từ thế hệ này sang thế hệ khác? Câu trả lời có lẽ nằm ở quyền sở hữu cơ thể phụ nữ, mà chủ sở hữu bấy lâu nay vẫn là đàn ông.
Vì chủ sở hữu là đàn ông, nên đối với họ trên đời chỉ có hai loại phụ nữ: một là ngây thơ trinh trắng tứ đức tam tòng, hợp làm vợ; hai là già rơ lão luyện bảy chữ tám nghề, hợp làm gái. Vật vã khổ đau vì gia đình chồng con là hiền thê, bông đùa hóm hỉnh về trai đưa gái đẩy thì chỉ có thể là đĩ, là hạng mạt hạng, bị coi khinh và bị đẩy ra rìa xã hội. Trong thế giới quan này, phụ nữ không có tiếng nói và không được định đoạt cơ thể mình cũng như đời sống tình dục của mình. Tước đi quyền sở hữu tự nhiên của một nhóm người như quyền kiểm soát chính cơ thể mình và biến mình thành nhân tố duy nhất nắm giữ quyền đó là chiến lược bịt miệng và đàn áp quen thuộc của tầng lớp và chế độ thống trị, cụ thể ở đây là xã hội nam quyền.
Vậy nên, khi Hồ Xuân Hương cất lên tiếng nói dõng dạc về cơ thể và tình dục từ góc nhìn nữ giới, thẳng thắn bày tỏ quan điểm và nguyện vọng về mối quan hệ lứa đôi bình đẳng như cách cô Kiều chủ động “xăm xăm băng lối vườn khuya một mình,” hệ thống cai trị đó bị lung lay. Người ta nhanh chóng quy chụp rằng chỉ có loại đàn bà ưỡn ẹo sõng soài hở ngực hở vú mới nói ra những lời ấy, chỉ có loạt mạt hạng rẻ tiền mới dám thách thức quyền sở hữu của đàn ông. Ngay lập tức, tiếng nói đấu tranh khảng khái biến thành lời đường mật rót vào tai người đàn ông để ve vãn lừa dụ anh ta vào một cuộc giao hoan xác thịt mà trong đó người nữ hài lòng hay không không quan trọng.
Xin chú ý rằng Hồ Xuân Hương chú trọng sự bình đẳng, một vợ một chồng, “chém cha cái kiếp lấy chồng chung.” Tức là nếu tôi có lòng, thì anh phải có dạ, nếu đã “phải duyên nhau” thì “đừng xanh như lá, bạc như vôi.” Quân tử đã yêu tôi thì phải cam kết “đóng cọc,” chứ “đừng mân mó” rồi thôi. Tình dục trong góc nhìn của nhà thơ là hành động thể hiện sự cam kết về tình cảm, không phải cuộc buôn phấn bán hương. Khi đôi bên đã tham gia sòng phẳng “trai co gối hạc khom khom cật,” “gái uốn lưng ong ngửa ngửa lòng” và “hai hàng chân ngọc duỗi song song” không ai hơn ai kém, thì việc người nam bỏ đi “cọc nhổ đi rồi lỗ bỏ không” là hành động phụ bạc, phá vỡ thỏa ước, đáng lên án, chứ không hề là hành động chấp nhận được như trong góc nhìn của xã hội nam quyền.
Hay như trong bài “Đánh cờ” cũng với ẩn dụ tình dục, thi sĩ ví cuộc “cờ người” này như cuộc “đấu trí” để “đôi ta quyết liệt một phen.” Thiếp trắng, chàng đen, chàng nhảy ngựa thì thiếp vén phứa tịnh lên, chàng gác xe hà hai bên thì thiếp liền ghểnh sĩ, các cặp câu đối xứng nhau qua lại trong thế giằng co không ai hơn ai. Thậm chí tới cuối, chàng đã kêu chịu mà “thiếp rằng chẳng chịu,” người nam đã yếu thế hơn người nữ. Nếu sự bất bình đẳng trong tình dục mang đến đau khổ, thì mối quan hệ cân bằng bình đẳng này chính là nền móng quan trọng của hạnh phúc: “Khi vui nước nước non non / Khi buồn lại giở bàn son quân ngà.” Hai câu thơ này gợi nhắc đến đoạn kết của Truyện Kiều “Khi chén rượu, khi cuộc cờ / Khi xem hoa nở, khi chờ trăng lên.”
Rõ ràng, tư tưởng giải phóng cơ thể và tình dục của phụ nữ của Hồ Xuân Hương đi trước thời đại rất nhiều năm và vô cùng cấp tiến. Và ai tin vào điều ấy, rằng người nữ có quyền sở hữu cơ thể mình, có quyền bày tỏ nguyện vọng và quan điểm của mình về tình dục, và có quyền đòi hỏi bình đẳng trong tình dục, một cô gái mặc yếm trễ tràng ư? Là tôi, là bạn, là rất nhiều trong số chúng ta đấy chứ. Nếu có một dự án đi tìm Hồ Xuân Hương của thời hiện đại, tôi chắc rằng sẽ có rất nhiều chân dung phụ nữ đa dạng, thanh lịch và tự tin.
ST.