Topic cho nhà đầu tư mới - Đầu tư từ đâu ? (P1)

“Đầu tư” - cụm từ rất quen thuộc và dễ hiểu đối với những người làm việc trong giới tài chính hoặc liên quan đến mảng này nhưng lại có vẻ cầu kỳ và phức tạp đối với nhiều người không thuộc lĩnh vực này. Thực tế thì việc đầu tư xuất hiện ngay trong cuộc sống hằng ngày, ví dụ như: chúng ta bỏ thời gian tiền bạc để đi học trau dồi kiến thức với mong muốn tìm kiếm được một công việc có mức lương cao hơn, chúng ta dành một phần thu nhập hằng tháng gửi tiết kiệm để nhận lợi suất từ ngân hàng hay mua một bất động sản và đợi tăng giá để bán,… Tất cả những ví dụ trên đều là việc bỏ ra một nguồn lực ở hiện tại để đạt được lợi ích - lợi tức lớn hơn trong tương lai so với nguồn lực đã bỏ ra, đó chính là đầu tư.

Lợi ích - lợi tức của việc đầu tư ở đây là gì ?

Giả sử lạm phát - độ mất giá của đồng tiền trung bình hằng năm là 4,0%. Nếu bạn có một khoản tiền dư nhưng không biết gửi tiết kiệm hay đầu tư vào một loại tài sản nào thì bạn sẽ bị hao hụt 4,0%/năm tài sản đó. Đó chính là lý do chúng ta đi tìm kiếm một kênh đầu tư để bảo toàn giá trị tài sản đang sở hữu và xa hơn là kỳ vọng giá của tài sản tăng theo thời gian. Một kênh đầu tư mang lại mức tăng trưởng tài sản hơn 4,0%/năm sẽ là lựa chọn phù hợp để bảo toàn giá trị tài sản đang sở hữu và xa hơn là có thể tăng trưởng giá trị của tài sản đó trong tương lai.

Bất kỳ một kênh đầu tư nào từ Bất động sản, Vàng, Cổ phiếu, Trái phiếu, Chứng chỉ quỹ đầu tư hay gửi tiết kiệm đều mang lại cho bạn một mức tăng trưởng tài sản nhất định hằng năm, ta gọi chung lợi ích nhận được đó là lãi kép.

Nếu như duy trì được mức tỷ suất lãi kép ở một mức cao lên tục nhiều năm thì điều gì sẽ xảy ra ?

Không phải ngẫu nhiên mà “lãi kép” được gọi là kỳ quan thứ 8 của thế giới. Đây là con đường duy nhất để chúng ta đạt đến ngưỡng tự do về mặt tài chính hoặc đạt được mục tiêu tài chính nếu chúng ta không giỏi kinh doanh hay làm chủ doanh nghiệp.

Ví dụ, hãy so sánh lợi nhuận từ khoản đầu tư 6.000 đô la có lãi đơn so với lãi kép, giả sử mỗi khoản đều có tỷ lệ lợi nhuận giả định là 7%.

Trong năm 1, bạn sẽ có số dư giống hệt nhau: tăng 420 đô la, tổng cộng là 6.420 đô la. Một năm sau, lãi đơn sẽ mang lại 6.840 đô la (6.000 đô la + 420 đô la + 420 đô la), số dư lãi kép cao hơn một chút ở mức 6.869,40 đô la (6.420 đô la + lợi nhuận 7% hoặc 449,40 đô la).

Như vậy, hình minh họa trong biểu đồ bên dưới đây theo thời gian sẽ chỉ ra sự khác biệt giữa lãi đơn và lãi kép trở nên đáng kể. Sau 10 năm, khoản đầu tư 6.000 đô la kiếm được lãi đơn sẽ có giá trị là 10.200 đô la. Cùng một khoản đầu tư kiếm được lãi kép sẽ có tổng cộng khoảng 11.800 đô la. Và sau 30 năm, sự khác biệt là gần 30.000 đô la: khoảng 45.700 đô la cho khoản đầu tư lãi kép của bạn so với chỉ 18.600 đô la cho khoản đầu tư lãi đơn của bạn.

Ví dụ về sự khác nhau của lãi đơn và lãi kép (Nguồn: Fidelity)

Ví dụ này sẽ giả định những điều sau: (1) đóng góp ban đầu 6.000 đô la và không có đóng góp bổ sung nào; (2) Tỷ lệ hoàn vốn hàng năm là 7% tích lũy dưới dạng lãi suất đơn và lãi kép. (3) Giá trị cuối cùng không phản ánh thuế, phí, lạm phát hoặc rút tiền. Nếu có, số tiền sẽ thấp hơn. Ví dụ này chỉ nhằm mục đích minh họa và không đại diện cho hiệu suất của bất kỳ chứng khoán nào.

Qua ví dụ trên, có một điều ta cần lưu ý đó làm cách nào để duy trì tỷ suất 7% đều đặn như vậy bởi vì các khoản đầu tư đều có rủi ro thua lỗ. Thực tế khi đầu tư sẽ không có gì đảm bảo cho khoản đầu tư của chúng ta đều thành công và hiệu suất giả định 7% nói trên phải là hiệu suất trung bình trong một giai đoạn nào đó (ví dụ 5 năm, hay 7 năm thì sẽ chính xác hơn), có thể cao hơn hoặc thấp hơn tùy vào mức độ chịu đựng rủi ro của mỗi người và trong đầu tư High-risk luôn đi kèm với High-return. Từ đó “Quản trị rủi ro” và “Phương pháp đầu tư” được sinh ra để giúp chúng ta đạt được và duy trì hiệu suất ổn định trong bất kỳ một kênh đầu tư nào.

Đầu tư diễn ra như thế nào?

Các nhà đầu tư muốn tạo ra lợi nhuận từ khoản đầu tư ban đầu của mình thường sẽ thông qua sự gia tăng giá trị của tài sản đó hoặc thu nhập trên tài sản đó. Lấy ví dụ về bất động sản: khi sở hữu một căn nhà, giá đất tăng lên theo thời gian hoặc giá thuê nhà ở khu vực đó tăng cao khiến giá trị của căn nhà đó cũng sẽ tăng so với giá trị ban đầu.

Đầu tư là quá trình mua tích lũy một dạng tài sản nào đó có tiềm năng tăng giá và chờ đợi, sau đó bán ra giá cao hơn để ăn chênh lệch giá hay hiểu một cách đơn giản là mua thấp và bán cao. Việc đưa ra quyết định mua tài sản đầu tư cũng đến từ 2 yếu tố ở trên

  • Tiềm năng tăng giá giá cao: khi giá trị của một thứ gì đó tăng lên.(mua bán bất động sản, vàng, cổ phiếu,…)

  • Thu nhập từ tài sản đó tăng lên là khi khoản đầu tư mang lại tiền cho bạn mà không cần bạn phải bán nó. Có thể là thông qua cổ tức, khoản thanh toán lãi suất hoặc thậm chí là lợi nhuận từ bất động sản hoặc doanh nghiệp. (thường ở cổ phiếu, trái phiếu hay cho thuê bất động sản,…)

Đầu tư thường diễn ra trong thời gian dài, nghĩa là nhiều năm. Đầu tư sẽ thiên hướng về việc phân bổ và nắm giữ cách lớp tài sản có tiềm năng tăng giá trong tương lai. Điều này hoàn toàn khác với đầu cơ lướt sóng ngắn hạn. Đầu cơ lướt sóng ngắn hạn có thể rủi ro hơn đầu tư và đòi hỏi chuyên môn, kiến thức và độ cảm nhận tốt hơn khi phải biết tận dụng biến động ngắn hạn của tài sản để kiếm lời từ biên độ chênh lệch đó.

Tóm lại, hiểu đơn giản việc đầu tư là mua thấp - bán cao một loại tài sản nào đó. Phần tiếp theo mình sẽ đi chi tiết về các kênh đầu tư và phương pháp đầu tư, cám ơn các bạn đã đọc.

5 Likes

PHẦN 2:

Xu hướng và diễn biến của các kênh đầu tư ở Việt Nam trong thập kỷ qua

Nối tiếp nội dung của phần 1, phần 2 mình sẽ nói về đặc điểm của các kênh đầu tư ở Việt Nam trong thời gian qua và cách để trở thành một nhà đầu tư mới. Trước tiên sẽ là các kênh đầu tư ở Việt Nam đang như thế nào trong 5 năm qua:

(Nguồn: FIDT)

Thập kỷ trước, các kênh đầu tư chủ đạo và được nhà đầu tư quan tâm nhất lần lượt là bất động sản, ngoại hối, gửi tiết kiệm. Nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn này còn khá thô sơ và non trẻ khiến sức mạnh của đồng nội tệ không quá lớn, người dân sẽ có xu hướng găm giữ USD hoặc bỏ tiền vào bất động sản để ngăn tài sản không bị mất giá. Gửi tiết kiệm cũng là một lựa chọn khả quan khi lãi suất trung bình giai đoạn này khá cao và giao động từ 7-9%/năm. Tuy nhiên với thay đổi của nền kinh tế Việt Nam, hiện nay các kênh đầu tư như vàng, chứng khoán, trái phiếu dần được nhà đầu tư quan tâm nhiều hơn. Nếu như thập kỳ trước được coi là “thập kỷ ngủ yên” của vàng thì hiện nay vàng đang là kênh đầu tư được nhiều nhà đầu tư ưu tiên lựa chọn. Bên cạnh đó, kênh đầu chứng khoán cũng trở nên phổ biến sau giai đoạn dịch COVID-19 xảy ra.

Vàng:

Nếu so sánh hiệu suất của các kênh đầu tư hiện tại, vàng là tài sản có tỷ suất sinh lời khá ổn định, khoảng 14-16,5%/năm trong 5 năm qua. Đây là kênh đầu tư khá hiệu quả trong những giai đoạn nền kinh tế toàn cầu gặp nhiều bất lợi như lạm phát, chiến tranh, suy thoái. Chính vì vậy từ 2019 đến thời điểm hiện tại, nhà đầu tư nắm giữ vàng sẽ có được tỷ suất sinh lời khá cao và ổn định trong bối cảnh các kênh đầu tư khác biến động mạnh.

Lịch sử giá vàng từ 2000 đến nay (Nguồn: Investing)

Bất động sản:

Bất động sản vẫn chưa bao giờ hết hot tuy nhiên tỷ suất sinh lời khá khiên tốn khi thống kê cho thấy mức độ tăng chỉ 2%, tuy nhiên đặc thù đòn bẩy lớn và giá trị cao nên nhiều nhà đầu tư lầm tưởng bất động sản là kênh có hiệu suất sinh lời cao.

Sau hơn nhiều thập kỷ tăng trưởng của kênh BĐS, hiện nay kênh đầu tư này đang đứng trước một giai đoạn chuyển giao mạnh để tái cấu trúc theo hướng lành mạnh hơn để hạn chế đầu cơ. Dòng tiền sẽ dịch chuyển dần sang mảng sản xuất kinh doanh và các kênh đầu tư liên quan đến phân bổ nguồn lực vốn như chứng khoán & trái phiếu sẽ có dư địa phát triển mạnh hơn.

Chứng khoán:

Tiếp theo là thị trường chứng khoán, mức tăng trưởng trung bình của TTCK tính từ 2019 vào khoảng 6%/năm, con số khá khiêm tốn. Tuy nhiên, nếu so sánh tăng trưởng chỉ số để làm cột mốc thì rất khó đánh giá mức sinh lời của TTCK thì chúng ta sẽ không thấy rõ mức độ tăng trưởng. Lý do cho điều này đó là thị trường chứng khoán Việt Nam đang có cấu trúc khá chênh lệch khi nhóm ngành tài chính nắm chủ đạo chỉ số, đặc điểm của nhóm này là tính chu kỳ “Cycle” rất mạnh. Chính vì vậy để xác định mức độ tăng trưởng của kênh đầu tư chứng khoán ta sẽ dựa vào tăng trưởng của nhóm cổ phiếu MIDCAP (nhóm 70 doanh nghiệp có vốn hóa và tiêu chuẩn đứng sau VN30). Thì theo thống kê, tăng trưởng của nhóm cổ phiếu MIDCAP tăng trưởng trung bình khoảng 14%, đây cũng là nhóm cổ phiếu nhà đầu tư nên quan tâm và phân bổ bởi dư địa tăng trưởng vẫn còn và tốc độ tăng trưởng khá nhanh so với nhóm VN30 gần như đã bão hòa.

Trái phiếu:

Về kênh đầu tư trái phiếu, sau giai đoạn sụp đổ từ giữa 2022 do sự lỏng lẻo trong quản lý. Kênh đầu tư trái phiếu hiện tại khá trầm lắng. Tuy nhiên cần nhìn nhận rằng khi các quy định về mảng trái phiếu dần chặt chẽ và quy củ hơn thì đây cũng là kênh đầu tư đáng quan tâm trong thời gian tới. Trong dài hạn, trái phiếu chính là kênh đầu tư huy động vốn dài hạn và là nguồn lực chính để cung ứng nguồn vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Chứng khoán và trái phiếu là những kênh đầu tư có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ trong giai đoạn tới khi nền kinh tế Việt Nam đang ở trong giai đoạn tăng trưởng kinh tế bùng nổ. Sự bùng nổ này sẽ kéo theo thu nhập nhanh và nhu cầu đầu tư sẽ ngày càng nhiều khi các yếu tố cơ bản đều đã được đảm bảo. Khi tài sản có một khoảng dư thừa, nhu cầu tìm kiếm một kênh đầu tư có tiềm năng tăng trưởng ngày càng phổ biến. Điều này cũng giúp cho các kênh đâu tư này càng được quan tâm và tăng trưởng mạnh.

Ngoài ra còn có một kênh đầu tư khác mang tên quỹ đầu tư, đây cũng là một sự lựa chọn tốt khi nhà đầu tư sẽ được tư vấn các chiến lược phân bổ tài sản trong từng giai đoạn phù hợp khi không có thời gian tự đầu tư.
image

(Nguồn: Dragon Capital, Bloomberg)

7 Likes

Giá vàng thế giới liên tục lập đỉnh cao mới đã kéo giá vàng trong nước tăng theo. Theo anh có nên đầu tư vào vàng ở thời điểm hiện tại ko nhỉ

2 Likes

Vàng đi theo biến động dư địa chính trị vĩ mô nên đang neo khá cao, vị thế bây giờ đầu tư vàng thì không phải là lựa chọn quá tối ưu nữa. Nhìn chung nếu bạn cảm nhận được chuyển biến xấu đi của chính trị & kinh tế thế giới thì chọn vàng, view mình thì thực sự tình hình đang dần cải thiện tốt hơn nên vàng sẽ không ổn lắm đâu

3 Likes

oke cảm ơn a ạ

3 Likes

Làm thế nào để bắt đầu? (P3)

Khi bắt đầu tìm hiểu về đầu tư, điều trước tiên chúng ta cần tìm hiểu đó là trang bị cho mình kiến thức về kinh tế vĩ mô và vi mô. Câu chuyện hiểu rõ vĩ mô và vĩ mô rất quan trọng, bạn hãy tưởng tượng trước khi biết đọc biết viết chúng ta phải thuộc bảng chữ cái. Có rất nhiều tài liệu về vi mô và vĩ mô mà bạn có thể tự tìm đọc và nghiên cứu. Vĩ mô đóng vai trò quan trọng trong đầu tư vì nó cung cấp bức tranh tổng thể về tình hình kinh tế của một quốc gia hoặc khu vực, giúp nhà đầu tư hiểu rõ bối cảnh và xu hướng của thị trường. Việc hiểu biết và phân tích các yếu tố vĩ mô có thể giúp nhà đầu tư đưa ra các quyết định sáng suốt hơn, tối ưu hóa lợi nhuận và giảm thiểu rủi ro nhờ vào các kiến thức về dự báo chu kỳ kinh tế; tác động của lạm phát và lãi suất; chính sách tiền tệ và tài khóa,…

Tóm lại thì các yếu tố vĩ mô có tác động sâu rộng đến mọi lĩnh vực trong thị trường đầu tư từ việc lựa chọn kênh đầu tư, thời điểm đầu tư và phương pháp đầu tư,… Việc nắm vững các yếu tố kinh tế vĩ mô giúp nhà đầu tư không chỉ có thể dự báo xu hướng thị trường mà còn điều chỉnh chiến lược đầu tư để tối ưu hóa lợi nhuận và giảm thiểu rủi ro trong bối cảnh kinh tế thay đổi.

Thị trường tài chính luôn luôn biến động và rất nhạy với thông tin. Vậy thì làm cách nào để chúng ta có thể thích ứng với sự thay đổi chóng mặt của thị trường. Câu trả lời chính là một phương pháp đầu tư phù hợp với khẩu vị và năng lực của bản thân. Có 2 dạng đầu tư chủ yếu đó là:

  • Tự đầu tư: nhà đầu tư tự mình quản lý tiền và ra đưa ra quyết định về việc đầu tư vào các tài sản như cổ phiếu, trái phiếu, bất động sản, hoặc các loại tài sản khác mà không cần sự can thiệp của bên thứ ba.

Ưu điểm:

  • Kiểm soát toàn diện: Nhà đầu tư có toàn quyền quyết định đối với danh mục đầu tư của mình. Có thể điều chỉnh chiến lược theo cách mình muốn và dễ dàng thay đổi khi có cơ hội hoặc rủi ro mới xuất hiện.

  • Tiết kiệm chi phí quản lý: Bằng cách tự đầu tư, nhà đầu tư không phải trả phí quản lý cho các nhà quản lý quỹ hoặc cố vấn đầu tư, giúp giảm bớt chi phí và tối đa hóa lợi nhuận.

  • Học hỏi và phát triển kỹ năng: Tự đầu tư cho phép nhà đầu tư phát triển kiến thức và kỹ năng phân tích tài chính, kinh tế, và thị trường, giúp nhà đầu tư trở nên tự chủ và thông thái hơn trong các quyết định đầu tư.

Nhược điểm:

  • Yêu cầu kiến thức chuyên môn: Tự đầu tư đòi hỏi kiến thức sâu rộng về thị trường tài chính, các loại tài sản, và kỹ năng phân tích kinh tế. Nếu không có đủ kiến thức, nhà đầu tư có thể gặp phải những quyết định không chính xác và dễ mất tiền.

  • Tốn thời gian: Quản lý danh mục đầu tư hiệu quả đòi hỏi sự theo dõi và cập nhật thường xuyên về tình hình kinh tế, thị trường, cũng như sự biến động của các khoản đầu tư.

  • Rủi ro cá nhân cao: Tự đầu tư nghĩa là nhà đầu tư chịu hoàn toàn trách nhiệm về các quyết định của mình, và điều này có thể dẫn đến rủi ro lớn hơn nếu không có chiến lược rõ ràng hoặc mắc sai lầm.

  • Ủy thác đầu tư: Ủy thác đầu tư là khi nhà đầu tư giao phó tài sản của mình cho một đơn vị hoặc cá nhân chuyên nghiệp (như quỹ đầu tư, công ty quản lý tài sản, hoặc cố vấn tài chính) để họ quản lý và ra quyết định đầu tư thay cho nhà đầu tư.

Ưu điểm:

  • Được quản lý bởi các chuyên gia: Các nhà quản lý quỹ và chuyên gia đầu tư thường có kiến thức sâu rộng và kinh nghiệm trong việc quản lý danh mục đầu tư, giúp tối ưu hóa lợi nhuận và giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư.

  • Tiết kiệm thời gian: Nhà đầu tư không cần dành quá nhiều thời gian để nghiên cứu và theo dõi thị trường vì mọi quyết định đã được các chuyên gia quản lý.

  • Đa dạng hóa đầu tư: Các quỹ đầu tư thường có khả năng đa dạng hóa danh mục đầu tư của nhà đầu tư một cách hiệu quả hơn, giảm thiểu rủi ro thông qua việc phân bổ tài sản vào nhiều loại hình đầu tư khác nhau.

Nhược điểm:

  • Chi phí quản lý cao: Ủy thác đầu tư thường đi kèm với các khoản phí quản lý và hoa hồng, có thể làm giảm lợi nhuận cuối cùng của nhà đầu tư.

  • Mất quyền kiểm soát: Khi giao phó việc đầu tư cho bên thứ ba, nhà đầu tư sẽ mất quyền kiểm soát trực tiếp đối với các quyết định đầu tư và có thể không hài lòng với chiến lược mà quỹ đang theo đuổi.

  • Rủi ro từ nhà quản lý: Nếu quỹ hoặc nhà quản lý đầu tư không hoạt động hiệu quả, nhà đầu tư có thể gặp phải tổn thất lớn. Ngoài ra, việc nhà quản lý có xung đột lợi ích hoặc thiếu minh bạch cũng là một rủi ro tiềm ẩn.

Dù là cách đầu tư nào thì chúng ta cũng nên có sự am hiểu nhất định đối với câu chuyện đầu tư bởi vì đó chính là trách nhiệm đối với tài sản của chính mình. Sự am hiểu vĩ mô về cách nền kinh tế vận hành, am hiểu các ngành nghề, am hiểu tính chu kỳ và tài chính doanh nghiệp sẽ là những nguồn lực quan trọng bổ trợ cho quyết định đầu tư của chúng ta.

2 Likes